Nhiều hộ tham gia mô hình trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch ở làng An Mỹ (phường Cẩm Châu, Hội An) đã bỏ cuộc vì những khó khăn trước mắt. Trong khi đó, ngành chức năng địa phương cho biết sẽ tiếp tục củng cố mô hình này và xem đây là hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với cuộc sống, lao động người dân.
Vợ chồng ông Hiền trên vườn rau hữu cơ của mình.Ảnh: V.LỘC |
Bám trụ...
Mô hình rau hữu cơ An Mỹ bắt đầu xuất hiện từ năm 2015, ban đầu có hơn 10 hộ tham gia. Tuy nhiên đến nay chỉ còn 1 hộ duy trì sản xuất, 9 hộ đã chuyển sang trồng rau thông thường. Lý giải nguyên nhân các hộ bỏ trồng rau hữu cơ, ông Dương Bá Hiền (chủ vườn rau hữu cơ duy nhất còn lại) cho biết, do rau hữu cơ lên chậm hơn rau thường (1,5 tháng so với 20 ngày), thu nhập không nhiều, lại phải chịu sự giám sát về chất lượng, sổ sách, quy trình trồng trọt, dán tem theo quy định nên khiến các hộ dân không còn mặn mà. “Tôi quyết tâm làm, trước làm cho mình ăn an toàn, sau phục vụ khách. Hiện gia đình đã làm được 2 năm rồi và sẽ cố gắng duy trì” - ông Hiền chia sẻ.
Rau hữu cơ nhà ông Hiền chủ yếu bón phân chuồng và bánh dầu, nước tưới bơm từ giếng đóng lên để tránh rau bị nhiễm các chất không an toàn từ nước ao hồ hoặc nước thủy cục. Trong đó, phân ủ thời gian phải 100 ngày trở lên đến khi hạt phân không còn nghe mùi, rất kỳ công. Hiện tại, trong vườn nhà ông Hiền trồng trên 20 loại rau quả như bồ ngót, rau muống, húng, quế, cà chua, cà tím, bí, bầu… mùa nào thức ấy. Để theo dõi quá trình trồng rau và xuất rau ra thị trường, ông Hiền sắm hẳn một cuốn “nhật ký đồng ruộng” ghi chép cẩn thận ngày tháng gieo hạt, trồng rau, vị trí luống rau, ngày cắt rau… Đặc biệt, theo quy hoạch ban đầu, vườn rau ông Hiền cũng như các vườn rau khác ngoài cung cấp rau sạch còn là một sản phẩm du lịch phục vụ khách. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả du lịch vẫn chưa như mong muốn vì rất ít khách. Từ đầu năm đến nay chỉ khoảng 20 khách (gồm 16 khách từ Huế vào tham quan học tập mô hình). “Khách tới vườn sẽ được trải nghiệm quy trình trồng rau sạch, ăn nhẹ, uống nước… Sau khi tham quan khách đưa bao nhiêu tiền thì tùy, nhiều thì 100 nghìn, 50 nghìn, ít thì 5 nghìn, 10 nghìn. Dù trước đây Phòng Kinh tế Hội An có phát cho tập vé bán cho khách tham quan, nhưng mình thấy như vậy ràng buộc, gò bó quá nên thôi. Nếu nói chỉ trông chờ vào du lịch thì cũng khó nhưng mà phải cố gắng. Năm 2016 thu nhập từ khách tham quan vườn rau khoảng 1,5 triệu đồng” - ông Hiền nói.
Ngoài làm du lịch, vườn rau hữu cơ của ông Hiền còn được cung cấp cho các trường, đặc biệt được Trung tâm Rau hữu cơ Hội An (Hội An Organic) thu gom bán ra thị trường. Bình quân mỗi tháng doanh thu từ vườn rau hữu cơ của ông đạt khoảng 3 triệu đồng. Dù thu nhập không cao nhưng theo ông Hiền, số tiền trên cũng đủ trang trải chi phí hàng ngày, nhất là chuyện hiếu hỷ. Quyết tâm là vậy, nhưng ông Hiền vẫn trăn trở khi thiếu sự quan tâm của các cấp ngành liên quan. “Hồi đầu mới vô làm họ hưởng ứng tích cực nhưng làm rồi chẳng thấy ai tới hỏi rau này làm ra sao, có được không. Buồn thì cũng buồn nhưng mà không nản vì mình làm cho mình, lợi cho mình chứ cũng chẳng lợi cho ai” - ông Hiền tâm sự.
Củng cố làng rau
Dù 9 hộ làng rau An Mỹ đã “bỏ cuộc” nhưng theo bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, mô hình làm rau hữu cơ An Mỹ vẫn rất thành công, điển hình là vườn nhà ông Hiền. Đặc biệt, một số hộ từng bỏ cuộc trước kia nay muốn quay lại xin làm rau hữu cơ nhưng rất khó khăn vì phải học lại từ đầu. “Yêu cầu của mình rất khắt khe, khi tham gia phải tập huấn hàng tháng trời. Thứ hai, ba tháng đầu phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của mình, nên nguồn thu nhập của bà con ít so với cách trồng rau thông thường nên cuối cùng chỉ còn một hộ theo đuổi. Hiện nay, trên thị trường bình quân 24 nghìn đồng/kg rau, trong đó người dân được hưởng 20 nghìn đồng/kg và mình bao tiêu sản phẩm. Trong khi giá rau ở ngoài 10 - 15 nghìn đồng/kg, có lúc còn 5 - 6 nghìn đồng” - bà Vân nói.
Để duy trì và phát triển mô hình rau hữu cơ An Mỹ, thời gian qua Phòng Kinh tế đã hỗ trợ tích cực vườn rau nhà ông Hiền. Ngoài bao tiêu sản phẩm còn cung cấp bao bì mẫu mã… “Hướng sắp tới mình sẽ củng cố hỗ trợ hộ này để thật sự trở thành thương hiệu của An Mỹ, như giúp người ta bảo quản giống cho tốt và làm giống để cung cấp cho những hộ khác. Thứ hai, hỗ trợ kết nối với các đơn vị du lịch về mặt tour tuyến tham quan để động viên họ làm. Thứ ba, mở rộng thêm diện tích vườn” - bà Vân cho biết thêm.
Có thể thấy, nếu phát triển du lịch cộng đồng gắn không gian sinh thái làng quê An Mỹ với mô hình trồng rau hữu cơ làm điểm nhấn thì sản phẩm du lịch này vẫn chưa hiệu quả. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Dung, Phó Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An, mô hình trồng rau hữu cơ chỉ là một điểm đến nhỏ trong nhiều sản phẩm của du lịch cộng đồng tại An Mỹ nên việc 9 hộ dân bỏ trồng rau hữu cơ không ảnh hưởng nhiều. Đặc biệt, việc quản lý theo dõi rau hữu cơ là do Phòng Kinh tế thành phố đảm nhận, còn Phòng Thương mại - du lịch chỉ thúc đẩy dự án du lịch cộng đồng nơi đây. “Dự án vẫn đang được xúc tiến triển khai, dự định tháng 9 này sẽ khai trương. Điểm nhấn của làng du lịch là không gian làng quê An Mỹ, bao gồm cả đồng lúa, cảnh quan, vườn tược… nên các mô hình trồng rau hữu cơ chỉ là một điểm nhỏ phụ trợ chứ không phải là tất cả nên điều đó không đáng lo ngại” - bà Dung khẳng định.
VĨNH LỘC