Nhân vật ở truyện này lại đĩnh đạc bước sang truyện khác, sau mấy mươi năm, đủ thấy văn chương đang song hành cùng đời sống thực. Như chuyện của chàng hoàng tử bé bên nước Pháp xa xôi, hay cậu Dế Mèn đã lên chức “cụ” ở vùng ven sông Tô Lịch…
1. Michel Bussi, “ông hoàng trinh thám” của Pháp, vừa có chuyến đi dọc Việt Nam để giao lưu cùng độc giả từ ngày 25/10 đến 3/11. Ở Hà Nội, nhà văn đương đại Pháp dự hội thảo về truyện trinh thám.
Dừng chân tại TP.Huế và TP.Đà Nẵng, ông hé lộ nguyên do vào cuộc “truy tìm” cái chết của hoàng tử bé, nhân vật trong danh tác cùng tên của nhà văn phi công Antoine de Saint-Exupéry.
Nhà văn Saint-Exupéry từng viết đoạn văn ngắn 5 câu để hé lộ cái chết kỳ bí của chàng hoàng tử bé, ở phần 26, gần cuối truyện. “Chỉ thấy một thoáng chớp vàng lóe bên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng” (Hoàng tử bé, NXB Văn nghệ - 2005, trang 115, Bùi Giáng dịch).
Phần kết truyện gần như một lá thư gửi cho độc giả. Thư viết rằng, nếu một ngày nào đó bạn có du lịch sang Phi châu, trong sa mạc thì xin đừng đi vội vã. Mà hãy chờ một chút, ở ngay dưới ngôi sao, nếu lúc đó có một đứa bé tới bên bạn và cười, mái tóc vàng, có hỏi cũng không trả lời, hẳn sẽ đoán ra đấy là ai. Lúc đó thì sao?
“Thì xin hãy độ lượng vui lòng chịu khó. Đừng để tôi phải buồn quá thế này: viết thư nhanh cho tôi, nhắn cho tôi biết rằng chú bé đã trở lại”, Saint-Exupéry để cho nhân vật ngôi thứ nhất trong truyện khẩn cầu.
Lâu nay, nhiều thế hệ độc giả dồn mọi nghi ngờ vào con rắn độc màu vàng. Bởi chi tiết “thoáng một chớp vàng” trong câu vừa dẫn. Bởi hoàng tử bé từng giải thích về nỗi lo âu của mình với người đối diện cách đó chừng 2 trang sách: “Tôi nói vậy… ấy là bởi con rắn. Chẳng nên để nó mổ vào bác… Rắn, chúng nó độc ác lắm”.
Bởi có mấy lời mô tả của nhân vật ngôi thứ nhất trước đó chừng 3 - 4 trang nữa: “Tôi nhảy đánh thót một cái! Tại đó, một con rắn đang vươn mình lên hướng đầu về phía hoàng tử bé. Một con rắn trong các loại rắn màu vàng rất độc, nó mổ một cái là kết liễu tính mạng người ta sau mười giây đồng hồ…”.
Bức tranh minh họa do chính nhà văn vẽ cũng diễn tả cảnh hoàng tử bé đang ngồi trên bức tường, bên dưới có con rắn cuộn mình, đầu vươn thẳng lên…
Hoàng tử bé đã rời đi một cách bí ẩn như thế. Nhà văn Saint-Exupéry dự đoán chàng sẽ trở lại, nhưng sau đoạn văn ấy mọi thứ trở nên tuyệt mù. Ngay cả thân phận của nhà văn cũng có nét tương đồng với nhân vật: Sau chuyến bay chụp ảnh trinh thám khu vực đóng quân của phát xít Đức, máy bay của Saint-Exupéry mất tích đâu đó trên vùng biển Địa Trung Hải.
Biết bao nhiêu ẩn ý, bao nhiêu cơn cớ, bao nhiêu dữ liệu từ hàng trăm bản nháp, những lá thư mà nhà văn Saint-Exupéry để lại… đã gợi mở cho nhà văn Michel Bussi mở cuộc trinh thám trong tưởng tượng.
Thế rồi, 75 năm kể từ ngày tác phẩm “Hoàng tử bé” ra đời (xuất bản lần đầu ở Mỹ năm 1943), đến lượt tác phẩm “Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé?” của Michel Bussi hoàn tất, để ông hiện diện ở Việt Nam những ngày cuối năm 2022 giao lưu cùng người yêu mến hoàng tử bé.
2. Hành tung nhân vật và số phận tác giả có nét tương đồng. Con số 75 năm (khoảng thời gian giữa 2 tác phẩm “Hoàng tử bé” và “Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé?”) cũng gợi nhớ một sự trùng hợp ở Việt Nam.
Dịp 75 năm kể từ ngày “Dế Mèn phiêu lưu ký” ra đời, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm truyện thiếu nhi danh tiếng này... Nhưng nay, hoàng tử bé đã “trở lại” dưới một câu chuyện khác, còn cuộc phiêu lưu của chàng Dế Mèn vẫn chưa tiếp nối cho dù nhà văn Tô Hoài từng úp mở.
Hẳn độc giả còn nhớ, khi dừng trang viết cuối cùng vào một ngày giá lạnh tháng 12/1941 ở làng Nghĩa Đô, nhà văn Tô Hoài đã cho nhân vật Dế Mèn thỏa sức hứa hẹn.
Chương cuối cùng, “Mấy dòng tạm biệt của tập ký”, khép bởi những câu này: “Trong những ngày còn lưu ở quê hương, tôi chép lại cuộc sống sôi nổi vừa qua. Giờ đương mùa thu. Mùa thu, hoa cúc vàng nở lưng giậu. Lối mòn đầy lá đỏ rơi.
Từ hôm vào mùa mới, đất trời u ám mưa phùn. Cảnh buồn mà lòng vui. Thưa cùng bạn đọc yêu quý, Mèn tôi xin phép chấm hết phần thiên ký sự. Ước ao trong cuộc đi vô cùng hào hứng đương tới, chúng ta còn được gặp nhau”.
Nay thì dù Dế Mèn đã lên tuổi “cụ”, vẫn chưa thấy có thêm một “cuộc đi vô cùng hào hứng” nào nữa cả. Có chăng, chỉ là những đề văn thỉnh thoảng bắt gặp đâu đó, kiểu như “Em hãy tưởng tượng và viết tiếp cuộc phiêu lưu của Dế Mèn”, “Em thử viết một cái kết khác sau bài học đường đời đầu tiên”…
Ai cũng biết danh tác “Hoàng tử bé” của Saint-Exupéry lừng lẫy thế nào rồi, được dịch ra hơn 500 thứ tiếng. Nhưng chàng Dế Mèn của Tô Hoài cũng có chỗ đứng riêng.
Hồi năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao tặng nhà văn Tô Hoài bằng chứng nhận kỷ lục “Dế Mèn phiêu lưu ký - tác phẩm của một nhà văn được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất”, với 15 ngôn ngữ khác nhau. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài từng có ý “ghen tị” vì xuất ngoại kém xa nhân vật của mình, sau khi chàng dế đã làm bạn với thiếu nhi của gần 40 quốc gia.
3. Ấy vậy mà, chỉ thấy nhà văn Tô Hoài là người “viết thêm” cho chính câu chuyện phiêu lưu của Dế Mèn. Từ 3 chương ban đầu của truyện “Con dế mèn”, do bạn đọc ủng hộ nên ông viết các chương tiếp nối (Dế Mèn phiêu lưu ký), sau đó mới gộp lại để cho ra hình hài câu chuyện 10 chương như bây giờ.
Đã thế, bản in lần đầu còn bị Pháp kiểm duyệt, cắt bỏ. Trong bản in lại khá công phu hồi năm 2019 của NXB Kim Đồng (tái bản lần thứ 16), thấy cho in nghiêng nhiều đoạn mà nhà văn Tô Hoài “viết lại theo ý chính còn nhớ được”, rải rác ở các trang 28, 43, 45, 46, 47, 116, 118.
Những người đam mê sáng tạo luôn tìm cách gầy dựng câu chuyện và số phận cho nhân vật. Nhưng mở cánh cửa ở truyện này để nhân vật từ truyện khác bước vào, như cách mà hoàng tử bé trở lại sau 75 năm, cho thấy sức sống kỳ diệu của văn chương. Liệu có ai đó thử mở cánh cửa mới cho “cụ” Dế Mèn?