Đầu tháng 6.2022, khi TP.Hồ Chí Minh trở lại nhịp sống bình thường, tôi mới có dịp trở lại con đường Quách Hữu Nghiêm (phường Phú Thạnh, quận Tân Phú) để gặp lại người phụ nữ mà rất nhiều người dân, trong đó có đồng hương Quảng Nam nhắc đến, xem bà là ân nhân trong đại dịch Covid-19. Đó là bà Nguyễn Thị Hoài An (quê ở huyện Đại Lộc), là một trong những người đứng ra vay gạo để cứu dân nghèo.
Mỗi ngày nấu 1.000 suất cơm, may hàng nghìn bộ đồ bảo hộ, tiếp nhận và phân phát hàng trăm tấn lương thực cho người dân… là việc làm phi thường của bà An và những tình nguyện viên ở con đường nhỏ này.
Động viên bằng nhạc trịnh
“Mỗi ngày Bếp yêu Thương nhận được quá nhiều tiếng kêu cứu từ những khu nhà trọ, khu cách ly. Nên bếp đánh liều đặt mua 10 tấn gạo với tổng kinh phí hơn 135 triệu đồng. Quá liều. Bởi trước đó, bếp cũng mua nợ hơn 80 triệu đồng và mới vừa trả xong…”. Đó là dòng tự sự trên trang cá nhân của bà An vào ngày 15.8.2021.
Giữa tháng 8.2021 là thời điểm chết chóc nhất. Trên website của Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cập nhật có thêm 147.929 ca dương tính, 285 người tử vong trong ngày; đang điều trị cho 32.293 người. Vì vậy tại một con đường cụt mang tên Quách Hữu Nghiêm, nhiều người đang bận rộn với công việc thiện nguyện.
Bà An và nhóm phụ nữ đăng thông tin trên facebook kêu gọi cứu trợ và chia sẻ về các hoạt động. Xe ô tô từ Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Định chở rau, củ, quả lần lượt dừng lại trước con đường này. Hàng về liên tục, nhưng tin nhắn kêu cứu, xin lương thực trên facebook của bà An và nhiều người ào ạt. Vậy nên dù làm kiệt sức, bà vẫn thấy rằng vẫn không thấm vào đâu với những gì đang diễn ra.
Chị Lê Thị Ngọc Huyền (một người quê gốc ở Quảng Ngãi đã sát cánh cùng bà An), chia sẻ: “Tôi cùng chị An và mọi người đều làm việc hết sức lực. Chị An cùng chồng là tổ trưởng dân phố luôn xông xáo để mọi người cùng đồng hành”.
Chị Huyền cảm động viết trên facebook: “Cô lớn nhất 83 tuổi ngồi nhặt rau không sót 1 ngày. Mỗi người tự giác bằng cả trái tim; luôn biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào!”.
Khi nguồn quyên góp không đủ phân phát cho các địa chỉ kêu cứu, bà An và mọi người mua nợ rau, củ để cứu trợ. Thời điểm khó khăn nhất, bà động viên mọi người trong nhóm bằng cách đăng lời bài hát “Ta thấy gì trong đêm nay” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Bàn tay muôn vạn bàn tay/ Những ngón tay thơm nối tật nguyền… Nối tình người, nối lòng nhân ái…”.
Đi qua bụi vi rút
Anh Trần Lực, lái xe tình nguyện của Công ty TNHH MTV Khải Hoàn từng chở hàng từ thiện của nhóm thiện nguyện Nối Vòng Tay Việt ở Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh, khi dừng lại tại đầu đường Quách Hữu Nghiêm vào trưa 7.8.2021, anh đã giật mình nhìn thấy bà An và người dân trong xóm.
Anh chia sẻ rằng “toàn là phụ nữ, họ lao ra khiêng, vác, làm rất nhanh, ai cũng dũng cảm và rõ ràng là không sợ chết, vì lúc đó toàn thành phố đều đã đóng kín cửa trong nhà”.
Quách Hữu Nghiêm là con đường nhỏ, giống như hẻm cụt, chiều dài chừng 200m, với khoảng 30 gia đình và đa số là dân nhập cư, làm nghề gia công may mặc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà An và chồng là ông Phạm Hoài Đức lao vào làm từ thiện. Giờ ngồi kể chuyện cũ, mọi người đều cười.
Chị Ngô Thị Mừng nói giọng hài hước: “Đây là những chiến sĩ thầm lặng và mọi người không đòi hỏi huân chương lao động”. Chị Lê Thị Ngọc Huyền thì mô tả, “mỗi ngày phát 1.000 suất cơm, nên phải buộc dây thun túm canh, mắm, dưa tổng cộng mấy ngàn cái. Chỉ riêng việc này đã sưng hết đầu ngón tay”.
Bà An từng viết lời tự sự trên trang facebook cá nhân vào thời điểm đó: “Bếp Yêu Thương nấu 1.000 suất cơm gồm: sườn khìa sả ớt + canh bí đao + 1 trái thanh long. Chia sẻ 500 phần rau củ quả cho những khu cách ly quận 12, Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân…
Có những lúc bếp mua nợ gạo về chia sẻ cho bà con. Nhiều, rất nhiều người a lô đến xin, tội lắm…!”. Bà An sinh năm 1968, thuộc nhóm tuổi dễ bị tổn thương khi bị Covid-19.
Biết ơn những người chị!
Ngôi nhà của bà An ngày thường là một sàn gia công hàng may mặc. Khi đại dịch bùng phát, bà dọn dẹp mọi thứ và biến nơi đây thành kho chứa hàng, bếp nấu ăn. Bước sang đầu tháng 10.2021, khi tình hình lương thực cung cấp cho người dân TP.Hồ Chí Minh không còn “cháy khát” như thời gian trước, bà An và nhiều người dân trong hẻm xoay sang tập trung hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu, may đồ bảo hộ để tặng y bác sĩ.
Toàn bộ bàn máy may được bà An và chị Nguyên dàn hết ra nhà, tập trung người tới may đồ bảo hộ. Bà chia sẻ trên facebook rằng: “Sau 1 tuần đi tìm nguyên liệu, so sánh chất liệu các đồ bảo hộ bán trên thị trường, sự đóng góp ý kiến của bác sĩ, nhóm chúng mình quyết định may 3.000 bộ đồ bảo hộ với mong muốn đem lại sự an toàn, tiết kiệm chi phí, đến giờ này nhóm biết mọi người đều cạn kiệt về tài chính…”.
Anh Trịnh Lê Nhật Liêm (trú ở đường Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, quận Gò Vấp) cho biết: “Không bao giờ quên ơn chị em ở đường Quách Hữu Nghiêm, trong đó có chị Hoài An, Khôi Nguyên, Diệu Sơn, Ngọc Huyền, vì lúc 3 anh em đều bị dương tính thì các chị đưa lương thực tới và nhờ có cái ăn mà mọi người cầm cự, vượt qua được cái chết”.