Gặp lại Vy

TRẦN HỮU PHÚC 21/06/2017 14:17

Hơn 10 năm tôi mới gặp lại Vy - sơn nữ một mình vào vùng “tam giác voi” quay lại toàn cảnh vụ phá rừng Nà Thao đình đám một thời. Cái trán cao toát lên tính cách ương bướng, giọng nói -  âm vực rộng rặt phương ngữ vùng đất bán sơn địa Tiên Phước nghe rất đỗi chân thành. Chỉ đôi mắt sâu thẳm của Vy là chất đầy ưu tư...

Lâm Thị Hoài Vy.Ảnh: HỮU PHÚC
Lâm Thị Hoài Vy.Ảnh: HỮU PHÚC

Qua vài cuộc hẹn, đầu giờ chiều Lâm Thị Hoài Vy (trú ở xã Tiên Ngọc, Tiên Phước) cũng bỏ giờ học lớp “cán bộ nguồn” dưới thị trấn Tiên Kỳ để gặp tôi - một người bạn đồng hành cùng Vy lên án những kẻ phá hoại rừng xanh Nà Thao (xã Tiên Lãnh) của 11 năm về trước. Vy bảo, chuyện cũ qua rồi như dòng nước chảy dưới chân cầu. Ai đó trong số những người tham gia phá sơn lâm ngày đó cũng về nơi suối vàng. “Cuộc đấu tranh với cái xấu của phụ nữ như em ngày đó đơn độc lắm, may mắn là có sự đồng hành của cánh nhà báo các anh. Hàng xấp tờ báo viết về em, những hình ảnh, cuộn phim vẫn được bố em cất giữ cẩn thận trong nhà” - Vy thổ lộ.

Tố cáo vì trái ngang

Cuối năm 2006, từ những bức hình do Vy cung cấp cho tòa soạn Báo Quảng Nam, tôi đã cùng Vy lội suối băng rừng hơn nửa ngày để tiếp cận “công trường” phá sơn lâm. Một sơn nữ ngoài 20 tuổi, nhỏ thó nhưng dường như thạo mọi ngóc ngách dẫn vào khu rừng nguyên sinh Nà Thao đầy bí ẩn. Vy trang bị đầy đủ cho tôi trong vai của người thợ sơn tràng. Đầu tiên là thay bộ quần áo công chức, đôi giày tươm tất bằng chiếc áo rách vai và đôi dép tổ ong. Tư trang mang theo có cả cây rựa, gậy gộc cùng thực phẩm, nước uống. Lối mòn duy nhất dẫn vào rừng không thiếu người, trâu kéo gỗ qua lại. Gặp nhóm thanh niên mình mẩy đầy hình xăm, tay cầm rựa sắc lẻm, tim tôi đập thình thịch, trong đầu cứ lởn vởn những tình huống xấu có thể ập đến. Nhưng nhìn thấy bước chân Vy thoăn thoắt lên xuống những con dốc dựng đứng, tôi cố giấu cảm xúc sợ sệt của mình. “Lỡ họ hiếp em giữa rừng, anh hùng có cứu mỹ nhân không?” - Vy hỏi một cách hồn nhiên. Tôi luống cuống, rồi “thông minh” đột xuất đáp lại: “Nói tầm bậy. Anh lo em chỉ hiếp họ thôi!”. Hai đứa cười một trận bể bụng giữa một vạt rừng âm u. Những câu chuyện hài hước khiến chúng tôi vơi bớt cảm giác mệt mỏi của chuyến xuyên rừng, để bây giờ Vy mới dám nói thật: “Em ớn đến già!”.

Lâm Thị Hoài Vy tại hiện trường rừng Nà Thao vào cuối năm 2006.
Lâm Thị Hoài Vy tại hiện trường rừng Nà Thao vào cuối năm 2006.


 Đời người dấn thân đẹp nhất cũng từ tuổi trẻ. Tôi nhớ ai đó đã nói vậy. Và quả nhiên tôi nghiệm lại rất đúng với Lâm Thị Hoài Vy, đúng với cái cách Vy đã chọn khi dám đương đầu với những kẻ tàn bạo với thiên nhiên. “Thấy chuyện trái ngang, thôi thúc em đâm đơn tố cáo để cơ quan chức năng lôi sự thật ra ánh sáng. Lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi” - Vy trải lòng.  
Chiều một ngày tháng 12.2006, khi phát hiện chiếc xe chở gỗ lậu ngang qua nhà về xuôi, lập tức Vy điện báo cho Công an huyện Tiên Phước kiểm tra. Công an kết luận đây là gỗ khai thác trái phép trong rừng Nà Thao, quyết định giữ tang vật và chuyển cho Hạt Kiểm lâm Tiên Phước xử lý theo thẩm quyền. Thế nhưng, đơn vị bảo vệ rừng này chỉ xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu 1,5m3 gỗ xẻ thành phẩm rồi cho đi. Bất bình với kiểu xử lý lạ lùng đó, Vi tiếp tục điện báo cho một đơn vị hạt kiểm lâm của tỉnh (đóng tại TP.Tam Kỳ). Chiếc xe chở gỗ lậu bị bắt và tịch thu hơn 14m3 gỗ xẻ thành phẩm còn lại. Nhưng cũng từ đây manh mối vụ phá rừng vô tiền khoáng hậu ở Nà Thao cũng được Vy lặng lẽ thu thập thông tin, “mở rộng điều tra”. Để có đủ chứng cứ thuyết phục, Vy xuống Tam Kỳ thuê chiếc máy quay phim với giá 200 nghìn đồng, nhờ một người bạn hướng dẫn cách sử dụng và trả tiền công cho một thanh niên cùng xóm với Vy vào rừng quay lại toàn cảnh phá rừng Nà Thao. “Có hình ảnh, cuộn phim quay làm bằng chứng kèm theo, em làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh và báo đài địa phương lẫn Trung ương. Trên chiếc xe đạp cà tàng, lang thang khắp đường phố Đà Nẵng, tình cờ nhìn thấy trụ sở của Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, em liều chuyển đơn đến phòng trực ban của bảo vệ. Sau đó, phóng viên của đài cùng em vào cuộc đấu tranh” - em nhớ lại.

Tấm gương về nghị lực

Khi con người biết hướng đến cái đẹp, cái thiện, sống có trách nhiệm với xã hội, ngay cả khi một mình đối đầu với thói hư tật xấu, hành vi tiêu cực thì vẫn nhận được nhiều hơn mất. Lâm Thị Hoài Vy

Sau khi vụ án phá rừng nguyên sinh Lãnh - Ngọc - Hiệp được khởi tố và chuyển giao cho Công an Quảng Nam điều tra theo thẩm quyền, bắt đầu từ đây Lâm Thị Hoài Vy và gia đình sống trong cảm giác bất an vì liên tục bị đối tượng lạ mặt đe dọa. Vy kể lại, đêm nào cũng có những người lạ mặt đi xe máy rú ga ầm ĩ trước nhà. Gia đình có đi đâu cũng ngó trước nhìn sau, nơm nớp lo sợ.

Vy vào Sài Gòn tạm lánh một thời gian. Nhưng chốn đô thành phồn hoa không hợp với Vy nên đành quay lại quê nhà, nuôi giấc mơ đi học đại học. Tuổi trẻ giàu khát khao, hoài bão. Chính từ những tháng ngày lánh nạn trên đất khách đã giúp cho Vy có thêm nghị lực đấu tranh với tiêu cực xã hội và không ngừng phấn đấu học tập để khởi nghiệp. Và từ đây ước mơ vào giảng đường đại học nhen nhóm. Được gia đình động viên, Vy đã đăng ký học lớp đại học Luật tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Cuối năm 2012, ra trường với tấm bằng cử nhân luật. Vy bảo, động cơ học luật xuất phát từ sự vất vả đâm đơn tố cáo khắp nơi, gõ cửa không đúng cơ quan công quyền, phần thì muốn bảo vệ lẽ phải bằng kiến thức, hiểu biết pháp luật. Hành trình đến giảng đường dài đằng đẵng hơn 4 năm của cô sơn nữ lắm chông chênh. Để có tiền ăn học, Vy chạy vạy làm thuê, làm mướn khắp nơi. “Những học viên khác đi học phần lớn khi đang làm cán bộ, có chức có quyền, hay con nhà khá giả nên đồng tiền với họ nhỏ như lá mít; còn mình học phí trả bằng mồ hôi, kể cả máu nữa. Để được thi em phải thỉnh cầu các thầy cô cho nợ tiền học phí” - Vy tâm sự về tháng ngày túng thiếu trên giảng đường.

Năm 2013, có tấm bằng đại học, Vy dễ dàng xin vào làm việc ở UBND xã Tiên Ngọc, với công việc phụ trách mảng tài nguyên môi trường. Lại nợ duyên với rừng. Nhiều vụ xâm hại tài nguyên, các bãi vàng trá hình tồn tại trên địa bàn dần bớt nóng bởi kế hoạch kiểm tra, truy quét mà Vy là người trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Ở xã, hầu như ai cũng hiểu cái tính bộc trực, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu của cô cán bộ trẻ này. Giọng Vy chùng xuống: “Cái tính ngay thẳng nhiều khi làm khổ tấm thân anh ạ. Từ ngày được Đảng ủy xã phân công làm cán bộ chuyên trách tổ chức cũng thấy nhẹ nhõm hơn. Em đấu tranh chỉ mong cho mọi người, xã hội tốt hơn, nhưng đôi khi cảm thấy rụng rời vì quá mỏi mệt”. Làm cán bộ xã khổ trăm bề. Đi kiểm tra xuống cơ sở thường xuyên, nhưng lương tháng thì bèo bọt. Nhiều công việc thậm chí “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Khi công bộc của dân mà chật vật lo áo cơm hằng ngày, ai dám chắc rằng họ không phát sinh tiêu cực khi có cơ hội!  Vy tự bạch: “Thời thế bất luận thế nào, bản thân cũng tự dặn lòng sống trong sạch, trung thực”.

Vy đúc kết rằng, khi con người sống biết hướng đến cái cao đẹp, sống có trách nhiệm với xã hội, ngay cả khi dám đối đầu với thói hư tật xấu thì vẫn nhận được nhiều hơn mất. “Ông trời thương người tử tế. Biết em mượn tiền thuê máy ảnh, lặn lội khắp nơi tố cáo phá rừng. Sau khi báo chí cả nước lên tiếng, có một doanh nghiệp thông qua Báo Tuổi trẻ gửi hỗ trợ em 5 triệu đồng, hầu bao tất cả chi phí đi kiện. Rồi lãnh đạo chính quyền huyện cũng tuyên dương, khen thưởng vì tố cáo đúng sự thật. Nhưng cái được lớn hơn là cộng đồng xã hội đồng lòng vào cuộc bảo vệ màu xanh cho cánh rừng nguyên sinh Nà Thao” - Vy mỉm cười nói.

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gặp lại Vy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO