Gặp người cán bộ tuyên huấn kháng chiến

HÀ SÁU 16/06/2023 08:29

Thuở học trò, anh có tên là Đỗ Như Lầu, về sau đổi thành Đỗ Thanh Hùng. Đời anh gian truân, đong đầy nước mắt, mẹ mất sớm, anh phải tự thân bươn chải, đi học trường làng bữa được bữa không. Mới 13 tuổi anh đã vào du kích xã Điện Thắng. Hình ảnh anh đầu đội mũ scout, cổ quấn chiếc chéo dù và cây AK xếp quàng lên người trông rất oai phong, bọn trẻ chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ: “Mười ba tuổi anh vào du kích/ Súng ngang đầu, tầm đạn bay cao”.

Anh Đỗ Thanh Hùng (phải) tại buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến qua các thời kỳ do xã Điện Thắng Nam tổ chức hôm 25/3/2023. Ảnh: H.S
Anh Đỗ Thanh Hùng (phải) tại buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến qua các thời kỳ do xã Điện Thắng Nam tổ chức hôm 25/3/2023. Ảnh: H.S

Anh và tôi từng trải tuổi thơ cởi trần tắm mưa. Những cơn mưa đôi lúc trắng cánh đồng làng Phong Lục, xã Điện Thắng (nay là phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn), và để lại trong lòng chúng tôi những kỷ niệm quê nhà khó quên.

Cuộc đời “đi làm cách mạng” của anh trải qua những chiến công ngang tầm dũng sĩ, những trận đánh dũng cảm mưu trí diễn ra trên chính quê hương anh. Như trận chặn đứng sự tiến công của Mỹ qua cầu Hạt năm 1968, trận ném lựu đạn vào đầu não Hội đồng xã Thanh Trường (Điện Thắng) năm 1969, trận đánh “Mỹ kép” (phương ngữ, chỉ việc Mỹ đi từng nhóm kết hợp với lính ngụy) trước ngõ nhà ông Hà Tuyển ở làng Phong Ngũ năm 1970… tiêu diệt hàng chục tên địch nhằm ngăn chặn sự đàn áp của Mỹ, ngụy và gây hoang mang cho bọn chúng trong việc tuần tra, bố ráp. Nhờ vậy, Đỗ Thanh Hùng được nhiều lần biểu dương và khen tặng “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp huyện và cấp tỉnh.

Một lần tôi ghé thăm, nghe anh kể chuyện làm cán bộ tuyên huấn thời chống Mỹ thật gian khổ nhưng cũng rất tự hào. Tháng 6 năm 1970, anh được điều lên công tác tại văn phòng Ban Tuyên huấn Huyện ủy Điện Bàn.

Tuy tuổi nhỏ nhưng trông anh lanh lẹ, nên mọi người trong Ban ai cũng thương mến, giúp đỡ. Văn phòng Ban bấy giờ có bốn anh chị em gồm: Nguyễn Khải, Trương Công Thành, Đỗ Thị Phượng và Đỗ Thanh Hùng. Mỗi người một quê nhưng thương yêu nhau như con một nhà.

Anh Đỗ Thanh Hùng (giữa) cùng lãnh đạo lực lượng vũ trang xã Điện Thắng chụp hình lưu niệm sau năm 1975. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng (1930 - 2005)
Anh Đỗ Thanh Hùng (giữa) cùng lãnh đạo lực lượng vũ trang xã Điện Thắng chụp hình lưu niệm sau năm 1975. Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng (1930 - 2005)

Ban Tuyên huấn thời chiến được phân ra thành các tiểu ban: Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Tuyên truyền, Trường Đảng, Đoàn Vũ trang tuyên truyền - văn nghệ và Văn phòng Ban.

Mỗi lần đi công tác vùng sâu về, các anh chị đều có quà cho văn phòng, báo tin đã nhận được thư và tài liệu, trao đổi những điều cần thiết để văn phòng nắm chắc tình hình của từng vùng trong huyện. Văn phòng Ban vừa gần Văn phòng Huyện ủy, vừa được liên lạc với cán bộ các tiểu ban nên tài liệu, thư tín được in ra và phát đi kịp thời theo chủ trương của Đảng.

Anh kể, trong ba năm liền 1970 - 1972, Mỹ - ngụy tập trung cày ủi, dồn dân, đánh phá ác liệt vào các xã phía bắc sông Thu Bồn, phía nam sông La Thọ. Chúng liên tục thả bom, bắn pháo đào, pháo chụp, pháo bầy biến làng xóm trở thành bãi chiến trường khủng khiếp. Trên bầu trời thì ngày đêm máy bay gầm rú, nào là trực thăng, tàu rà, tàu gáo, tàu rọ, tàu soi. Dưới mặt đất có Mỹ lết, Mỹ càn lùng sục khắp nơi… làm cho ta vô cùng khó khăn gian khổ.

Cơ quan phải dời đi nhiều chỗ, lúc ở Đông Hòa, Chín Chủ, La Thọ, Điện Hòa; khi ra ở làng ngang xã Điện An, rồi sang phía đông cầu Dưa xã Điện Phước, đến Châu Lâu, thôn Tây, Ái Mỹ của xã Điện Thọ, thôn 2 của xã Điện Thái… Cuối năm 1972, cơ quan lại dọn về biền Đa Tý (biền bói) xã Điện Hồng để gần cơ quan Huyện ủy…”.

Mỗi lần dời cơ quan đến chỗ ở mới, cán bộ tuyên huấn vừa lách địch vừa phải tìm chỗ làm hầm trú ẩn, hầm bí mật, tìm nơi cất giấu máy đánh chữ, khuôn in roneo, các giấy tờ và đồ dùng quan trọng khác, vừa tập trung nhiệm vụ in, phát hành tờ tin, truyền đơn, áp phích, mệnh lệnh, lời kêu gọi của cấp trên...

Khi địch càn quét phải thắp đèn dầu dưới hầm bí mật để in và phát hành kịp thời ra chiến trường. Đặc biệt, khi đến ở nơi gần dân thì mọi thứ phải đề phòng, cảnh giác cao hơn, đề phòng địch phát hiện, đánh phá, khủng bố nhân dân.

Được Ban giao nhiệm vụ giao liên nên hằng ngày, anh phải vừa tránh địch đi càn, vừa cảnh giới máy bay địch để chuyển tài liệu lên giao liên huyện, tài liệu của Ban lúc nào cũng mang cả gùi trên lưng.

Mặc cho ác liệt, hy sinh, đói cơm lạt muối nhưng cán bộ văn phòng đã làm tròn nhiệm vụ, phục vụ cho các bộ phận của Ban. Có những năm vào mùa mưa lũ hầm bí mật bị ngập nước, địch đang đổ bộ càn quét bằng máy bay trực thăng, tưởng chừng không vượt qua được nhưng bộ phận văn phòng đã mưu trí, dũng cảm bảo đảm phục vụ và an toàn tính mạng cho cán bộ của Ban.

Anh Hùng bồi hồi nhớ lại: “Làm tuyên huấn thời chống Mỹ, mạng sống luôn kề bên cái chết, tôi không thể nào quên những lần mà sự sống chỉ còn trong gang tấc. Đó là lần máy bay trực thăng của địch đổ quân khui hầm bí mật mà tôi đang trú ẩn tại thôn Ái Mỹ, xã Điện Thọ.

Là lần đi gùi lương thực bị vấp mìn địch trên ngã ba Cẩm Lý xã Điện Hồng. Là lần đi chở lương thực trong mùa lũ bị chìm ghe giữa biển nước mênh mông. Là lần bị máy bay trực thăng của địch phát hiện bắn rách áo tại biền bói Đa Tý xã Điện Hồng…”.

Khi hòa bình lập lại, anh Hùng làm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Điện Bàn, chuyện làm cán bộ tuyên huấn thời chiến trên quê hương tưởng chừng như mới ngày hôm qua. Tôi một thời là đồng sự của anh, mỗi khi gặp nhau lại hồi tưởng về những năm tháng gian khổ, ác liệt, hy sinh của thời hoa lửa. Tất cả đã khắc sâu vào ký ức những điều không thể nào quên, như bài thơ tôi từng viết:

“Anh ở làng trên, tôi người xóm dưới/ Thân nhau từ thuở học trò/ Anh hơn tôi chưa đầy một tuổi/ Nhưng già hơn một cuộc chiến tranh” (Hương đất ru tình - NXB Hội Nhà văn, 2021).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gặp người cán bộ tuyên huấn kháng chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO