Gấp rút chuyển đổi hình thức giao khoán rừng

TRẦN NGUYỄN 24/08/2019 11:07

Ngành kiểm lâm và chính quyền địa phương đang gấp rút chuyển đổi mô hình giao khoán rừng từ nhóm hộ, cộng đồng thôn sang đội bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách.

Nhiều địa phương đang chuyển đổi mô hình giao khoán rừng cho nhóm hộ sang hình thức đội bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: TR.HỮU
Nhiều địa phương đang chuyển đổi mô hình giao khoán rừng cho nhóm hộ sang hình thức đội bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: TR.HỮU

Theo dõi các vụ xâm hại rừng tự nhiên ở các huyện miền núi thời gian gần đây, thấy rõ phần lớn diện tích bị tàn phá đã được giao khoán, bảo vệ cho nhóm hộ, cộng đồng thôn. Đơn cử, vụ phá rừng phòng hộ tại xã Trà Kót (Bắc Trà My) bị phát hiện đầu tháng 8, theo xác nhận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vị trí phá rừng thuộc khoảnh 5, tiểu khu 781 (xã Trà Kót), khu vực khai thác gỗ đã giao khoán BVR vào năm 2017 theo Nghị định 75 của Chính phủ cho nhóm hộ bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 1, xã Trà Kót) quản lý. Hiện 3 cơ quan Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện tích cực điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ vụ việc. Lật lại hồ sơ các vụ phá rừng ở khu vực rừng phòng hộ Đắc Mi, Sông Tranh, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh trước đây, hầu hết diện tích bị phá đã được giao khoán cho nhóm hộ.

Tại huyện Phước Sơn, thông qua các cơ chế chính sách giao khoán rừng theo Chương trình 30a, Nghị định 75, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, tổng diện tích đang thực hiện giao khoán, quản lý BVR trên địa bàn là 76.599ha. Hình thức giao khoán BVR chủ yếu của địa phương này là cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ. Hàng chục tỷ đồng ngân sách đã chi trả cho người dân BVR nhưng nghịch lý là diện tích rừng có chủ vẫn tiếp tục bị tàn phá. Nghịch lý là nhiều hộ gia đình tham gia nhận khoán chỉ để nhận kinh phí hoặc vừa tham gia BVR vừa tham gia khai thác hoặc tiếp tay cho lâm tặc, săn bắt, bẫy động vật rừng.

Tại huyện Nông Sơn, đang thực hiện lộ trình chuyển đổi mô hình giao khoán từ nhóm hộ, cộng đồng dân cư. Kiểm tra, giám sát về công tác giao khoán rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ tại Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi mới đây, HĐND huyện Nông Sơn đánh giá nhiều bất cập trong hình thức giao khoán BVR cho nhóm hộ như một số hộ nhận khoán là đối tượng phá rừng.

Ngày 24.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 266 về chuyển đổi sang hình thức hợp đồng lực lượng BVR chuyên trách. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, do kiểm lâm và chính quyền các địa phương đang trong giai đoạn kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy quản lý, BVR nên nhiều nơi chuyển đổi mô hình rất chậm. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, mô hình đội BVR chuyên trách gọn, không đông nhưng mạnh và phù hợp với thực tiễn hơn. Bất cập của quản lý BVR suốt thời gian dài là xảy ra phá rừng, nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý do trách nhiệm chung chung. Khi thành lập lực lượng BVR chuyên nghiệp, vai trò trách nhiệm của chủ rừng sẽ được cụ thể hơn, bị ràng buộc bởi hành lang pháp lý...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gấp rút chuyển đổi hình thức giao khoán rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO