Những ngày qua, nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh hối hả thu hoạch lúa hè thu 2017 nhằm tránh bị thiệt hại do mưa lũ có khả năng xuất hiện vào thời điểm cuối vụ…
Nông dân xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) tập trung thu hoạch lúa theo phương thức “cuốn chiếu”. Ảnh: NHÃ PHƯƠNG |
Năng suất giảm
Sáng qua 7.9, vợ chồng ông Ngô Ngọc ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) khẩn trương gặt 2 sào lúa trên khu biền Mông Lãnh bằng thủ công. Ông Ngọc cho biết, vụ hè thu 2017 gia đình ông canh tác 15 sào lúa, trong đó có 13 sào trên cánh đồng mẫu lớn Trung Vĩnh và 2 sào trên biền Mông Lãnh. Nhờ triển khai gieo sạ cùng trà và chỉ sử dụng duy nhất loại giống lúa thuần ngắn ngày Đài thơm 8 nên đến đầu tháng 9 số diện tích lúa vừa nêu chín đồng loạt. Ông Ngọc nói: “Mấy ngày nay tôi đã thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch xong 13 sào lúa trên cánh đồng mẫu của thôn. Còn 2 sào lúa trên biền Mông Lãnh, do nước lút gốc rạ chừng một gang tay, đất bị sình lầy và lún sâu nên máy gặt đập liên hợp không thể xuống thu hoạch được. Vì vậy, bây giờ buộc phải cắt lúa bằng tay và bó lại gánh về nhà tuốt. Khu biền này thuộc vùng thấp trũng, nếu để lúa dây dưa ở ngoài đồng, lỡ trời mưa lớn kéo dài là lúa ngã rạp đất, nước ngập lênh láng, dẫn đến thiệt hại nặng, thậm chí bị mất trắng hoàn toàn”. Theo lời ông Ngọc, từ đầu đến gần cuối vụ, mặc dù nước tưới không thiếu hụt nhưng do thời tiết diễn biến quá bất lợi, nhiều loại sâu bệnh bùng phát mạnh nên năng suất bình quân mỗi sào chỉ đạt chừng 280kg lúa khô, giảm 40kg so với hè thu năm ngoái và giảm 60 - 70kg so với vụ đông xuân vừa rồi.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, hè thu năm nay nông dân của huyện sản xuất tổng cộng 3.080ha lúa, chủ yếu cơ cấu bằng những loại giống trung và ngắn ngày như Đài thơm 8, Thiên ưu 8, TBR225, CNR6206, HT1... Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ có khả năng gây ra vào thời điểm cuối vụ, hơn 10 ngày trở lại đây ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo, đôn đốc nhà nông khẩn trương thu hoạch lúa hè thu theo phương thức “cuốn chiếu”. “Ngoài 35 máy gặt đập liên hợp của các hợp tác xã nông nghiệp và cá nhân trên địa bàn huyện thì trong những ngày qua còn có 40 máy gặt đập liên hợp từ các nơi khác đưa đến thực hiện dịch vụ cắt thuê cho nông dân, nhờ vậy tiến độ thu hoạch diễn ra khá nhanh. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến trưa ngày 7.9, trong tổng số 3.080ha lúa trên toàn huyện Quế Sơn thì đã thu hoạch được 2.780ha, còn lại 300ha ở 4 xã Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Cường, Quế An thì dự kiến ngày 10.9 sẽ gặt xong. Qua khảo sát, đánh giá tại nhiều địa phương, vụ này năng suất lúa bình quân của Quế Sơn chỉ đạt 54,1 tạ/ha, giảm 2,9 tạ/ha so với hè thu 2016 và giảm 2 tạ/ha so với vụ đông xuân vừa rồi. Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch đặt ra hồi đầu vụ hè thu 2017 thì mức năng suất lúa nêu trên tăng 5 tạ/ha” - ông Châu nói.
Thời tiết bất lợi
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, từ cuối tháng 8 đến nay nông dân huyện Duy Xuyên cũng hối hả thu hoạch lúa hè thu theo phương thức “xanh nhà hơn già đồng”. Ông Huỳnh Văn Ánh – chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ này nông dân địa phương gieo sạ 3.600ha lúa. Suốt 2 tuần nay, nhờ trưng dụng gần 50 máy gặt đập liên hợp nên tính đến nay trong tổng số 3.600ha lúa vừa nêu thì đã có khoảng 75% diện tích được thu hoạch và khoảng 3 - 5 ngày nữa 25% diện tích còn lại (chủ yếu ở thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Phước, Duy Trinh) sẽ gặt xong. Ông Ánh cho biết, hè thu 2017 năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 60 tạ/ha, giảm 2 tạ/ha so với đông xuân 2016 - 2017 vừa qua và giảm 0,53 tạ/ha so với hè thu năm trước. Sở dĩ vụ này năng suất lúa đạt không cao là do thời gian qua trời thường nắng mưa xen kẽ giữa ban ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại nguy hiểm như bọ trĩ, bệnh khô vằn, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng… bùng phát mạnh và gây hại trên diện rộng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Đặc biệt, vào thời điểm từ ngày 25.7 đến 2.8 dương lịch, khi 300ha lúa xuống giống trà đầu đang trổ đòng - phơi màu rộ thì bị dính phải đợt mưa kéo dài, dẫn đến nhiều diện tích lúa xảy ra hiện tượng lem lép - thối hạt.
Ngoài 2 địa phương trên, tiến độ thu hoạch lúa hè thu 2017 tại nhiều nơi khác của tỉnh cũng đã và đang diễn ra rất khẩn trương. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ này nông dân toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 43.000ha lúa, trong đó có 38.000ha lúa chủ động tưới và 5.000ha lúa gieo phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Nhờ số lượng máy gặt đập liên hợp tham gia dịch vụ thu hoạch khá nhiều, nhất là ở khu vực đồng bằng nên tính đến chiều 7.9 trong tổng số 38.000ha lúa chủ động tưới trên toàn tỉnh thì có khoảng 20.000ha đã gặt xong. Còn lại 18.000ha tập trung chủ yếu tại các địa phương như Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành…, dự kiến đến ngày 15.9 sẽ thu hoạch dứt điểm. Riêng đối với 5.000ha lúa gieo phụ thuộc nước trời ở các huyện trung du và miền núi thì thời gian thu hoạch xong sẽ chậm hơn từ 7 - 10 ngày. Ông Muộn nói: “Qua kiểm tra cho thấy, trong khi năng suất lúa chính vụ của 2 huyện Thăng Bình và Phú Ninh có tăng thì tại nhiều địa phương khác năng suất lại giảm 1 - 2 tạ/ha. Nguyên nhân chính là từ đầu đến gần cuối vụ thời tiết diễn biến bất lợi, nhiều loại sâu bệnh gây hại trên diện rộng và có một số vùng xảy ra tình trạng lem lép - thối hạt. Theo dự tính, hè thu 2017 này, năng suất bình quân của số diện tích lúa thuộc diện chủ động nước tưới trên phạm vi toàn tỉnh đạt khoảng 55 tạ/ha, giảm 2 tạ/ha so với mức bình quân của năm ngoái”.
NHÃ PHƯƠNG