Gấp rút trồng rừng thay thế

TRẦN HỮU 16/10/2015 08:34

Tại cuộc họp trực tuyến vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại nhắc nhở Quảng Nam là một trong những địa phương chậm trồng rừng thay thế (TRTT) theo kế hoạch. Trong khi đó, việc “trả nợ rừng” trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn.

Ách tắc trồng rừng

Theo Chi cục Lâm nghiệp, năm 2014 tổng diện tích TRTT trên địa bàn tỉnh mới chỉ thực hiện hơn 837ha (đạt hơn 50% kế hoạch), chủ yếu tập trung ở các công trình thủy điện. Vì mùa trồng rừng chỉ diễn ra từ tháng 9 - 12 nên từ đầu năm đến nay chỉ mới hoàn tất công tác lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế, chuẩn bị cây giống, phát dọn thực bì. Dự kiến, năm 2015 sẽ trồng bù hoàn rừng 631ha. Trong đó, công trình thủy điện Sông Bung 2: 444,66ha, Sông Tranh 3: 1,76ha, Sông Tranh: 259,8ha, Sông Côn: 70ha, Tr’Hy: 20,22ha, Sông Bung 5: hơn 6ha, Đăk Mi 2: hơn 28ha. Lũy kế TRTT ước đến năm 2015 triển khai 1.468,76ha, (đạt 88,58% kế hoạch).

Tiến độ trồng rừng thay thế ở các công trình thủy điện rất chậm. Ảnh: T.H
Tiến độ trồng rừng thay thế ở các công trình thủy điện rất chậm. Ảnh: T.H

Nhiều nhà máy thủy điện không thực hiện TRTT theo phướng án đã được phê duyệt, buộc điều chỉnh phương án nên chậm tiến độ. Điển hình, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thời điểm này không TRTT gần 60ha vì vướng vùng quy hoạch trồng rừng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ nhưng là đất nương rẫy cũ của đồng bào. Vì không có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân, làm ảnh hưởng đến thu hồi đất nên chậm triển khai trồng rừng. Các nhà máy thủy điện Geruco Sông Côn, Tr’Hy dù đã phê duyệt phương án năm 2010, đến nay vẫn còn nợ TRTT hơn 90ha. Theo giải thích của chủ đầu tư hai nhà mày thủy điện này, thời điểm phê duyệt phương án, đơn vị gặp khó khăn về tài chính, chưa triển khai. Hiện tại, quỹ đất cho TRTT bị biến động không thực hiện được. Một nguyên nhân khách quan khác, theo giải thích của ngành lâm nghiệp là năm 2014, việc TRTT tổ chức thực hiện theo Quyết định 73 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công được chỉ định thầu. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2014 quy định, đối với các công trình có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng phải tổ chức đấu thầu. Việc tổ chức đấu thầu lần đầu tiên thực hiện trong lĩnh vực trồng rừng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thời gian.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, nhiều chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện các quy định của luật pháp, chưa có phương án trồng, chứ chưa nói đến việc đi trồng cây gì, ở đâu, vốn ra sao… Không ít chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án cũng như thực hiện nộp tiền để TRTT. Mặt khác, một số dự án đã nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, song vẫn còn tình trạng để vốn tồn đọng, chưa chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong quản lý, điều phối tiền thu từ các dự án để triển khai kế hoạch TRTT có hiệu quả. Nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều giải pháp, nhất là đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị có diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng khẩn tương lập phương án để ngành chức năng phê duyệt. Đối với các dự án dưới 10ha, thống nhất chủ trương trực tiếp trả nợ rừng mà không cần xây dựng phương án. Kiến nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 kịp thời để có thể triển khai vào đầu năm 2016.

Gấp rút “trả nợ rừng”

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, tính đến ngày 30.9, 23/50 địa phương có kế hoạch TRTT với diện tích 8.089ha (đạt 36% kế hoạch năm); ước cả năm thực hiện 11.660ha (đạt 52,3% kế hoạch năm). Các địa phương có dự án thủy điện phải TRTT với diện tích lớn nhưng chưa trồng, hoặc trồng rất ì ạch gồm tỉnh Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên, Lạng Sơn, Bình Phước, Kon Tum và Quảng Nam.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các địa phương trong đó có Quảng Nam khi phê duyệt dự án mới phải tính đến TRTT theo Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường quản lý và yêu cầu các chủ đầu tư khi làm dự án phải tính phương án  trồng bù lại rừng. Năm 2015 phải hoàn thành kế hoạch TRTT cho các công trình thủy điện. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT giúp đỡ các địa phương về nhiệm vụ TRTT như hướng dẫn đơn giá trồng rừng; mô hình trồng bù rừng nhưng ở ngoài rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… Các dự án thủy điện mà trước đây chưa có phương án TRTT bắt buộc chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo lộ trình cụ thể hằng năm. “Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT theo dõi việc TRTT của các công trình thủy điện; nếu chủ đầu tư nào không thực hiện trồng bù lại rừng, kiên quyết thu hồi giấy phép và dừng hoạt động dự án” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý.

Sở NN&PTNT kiến nghị, Trung ương cần hướng dẫn quản lý và thủ tục giải ngân đối với phần kinh phí nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh. Cho phép các công trình TRTT được chỉ định thầu như Quyết định số 73/2010/QĐ-TTg ngày 16.11.2010 của Thủ tướng Chính phủ để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện. Đặc biệt đối với các diện tích thực hiện trong năm 2015. Còn nhớ, hồi năm ngoái lãnh đạo Sở NN&PTNT thẳng thừng tuyên bố, nếu chủ đầu tư nào không trồng lại rừng mà còn dây dưa không chuyển tiền trồng lại rừng mới, tỉnh sẽ trích quỹ ký cược của các doanh nghiệp đó để trồng bù lại diện tích rừng bị lấy mất. Nếu địa bàn nào trong tỉnh không còn đất để TRTT có thể chuyển cho địa bàn khác trong tỉnh để trồng. Tuy nhiên, mọi việc đâu lại hoàn đấy, các cơ quan chức năng chỉ mới dừng lại ở hình thức nhắc nhở chủ dự án, chứ chưa có chế tài xử lý. Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh từ nay đến cuối năm là chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc TRTT. Đối với các dự án thủy điện đã nộp tiền về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, phải gấp rút trồng, tuyệt đối không để tồn tiền, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24.1.2014 của Thủ tướng về TRTT.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gấp rút trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO