Trong năm học 2013-2014, có một trường học vùng nông thôn đã gây khó khăn cho phụ huynh học sinh từ câu chuyện đồng phục. Đó là trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (xã Đại An, huyện Đại Lộc).
Những năm học trước, đồng phục của học sinh trường Nguyễn Công Sáu là quần xanh, áo xanh dương. Đến năm học này, nhà trường có quy định mới: thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần học sinh mặc quần/ váy xanh có nơ, áo trắng; các ngày còn lại trong tuần mặc quần/váy xanh, áo xanh. Sự thay đổi theo hướng “phải may thêm áo trắng” khiến nhiều phụ huynh ở xã thuần nông như Đại An lo lắng. Nhiều người cho rằng quy định này của nhà trường không chỉ gây khó khăn cho phụ huynh mà còn lãng phí, nhất là với những trường hợp học sinh học lớp cuối cấp, bởi vì các em chỉ có thể mặc đồng phục trong năm học này mà thôi. “Học phí và các khoản đóng góp khác đầu năm học đã quá sức đối với những phụ huynh là nông dân như chúng tôi. Lẽ ra con em chúng tôi tận dụng được quần áo cũ nhưng còn sạch sẽ, lành lặn để mặc, nay nhà trường buộc phải may thêm áo mới tốn khá nhiều tiền” - một phụ huynh nói. Một số phụ huynh còn thông tin thêm, nhà trường còn “chỉ định” một cơ sở may đảm trách việc may đo đồng phục cho học sinh trong lần thay đổi, bổ sung này.
Tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, hiệu trưởng quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. (Nguồn: Thông tư số 26/2009/TT-BGD-ĐT ngày 30.9.2009 của Bộ Giáo dục - Đào tạo) |
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, cô giáo Lê Thị Thanh Vy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu cho biết, trước đây đồng phục của học sinh là quần xanh/ áo xanh nhưng màu xanh khi cũ sẽ bị phai màu trông mất thẩm mỹ nên nhà trường có dự định sẽ chuyển sang đồng phục quần xanh/ áo trắng vào những năm học tới chứ không phải trong năm học này. “Vì biết đa số phụ huynh của trường là nông dân, đời sống kinh tế khó khăn nên nhà trường chỉ vận động thay đổi dần đồng phục chứ không bắt buộc và việc thay đổi này đã được thông báo từ cuối năm học trước. Trước mắt những học sinh đã may đồng phục mới sẽ mặc vào 2 ngày đầu và cuối tuần, học sinh nào không có điều kiện may đồng phục mới vẫn có thể mặc đồng phục cũ suốt tuần” - cô giáo Lê Thị Thanh Vy khẳng định. Về hợp đồng với một đơn vị để may đồng phục học sinh, cô Vy xác nhận là có nhưng cho rằng đây là cách để đồng phục có cùng một kiểu cho đẹp; mặt khác nhà trường chỉ “tư vấn, hướng dẫn” chứ không ép buộc phụ huynh phải may đồng phục ở cơ sở này.
Được biết, đồng phục quần xanh/ áo xanh (đồng phục cũ) là do vị hiệu trưởng tiền nhiệm của trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu quy định, đã được thực hiện ổn định nhiều năm và đã góp phần làm nên “hình ảnh trường Nguyễn Công Sáu”. Khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, cô Thanh Vy đã quyết định đổi màu đồng phục. “Nếu mỗi hiệu trưởng đều quy định đồng phục theo ý của mình thì phụ huynh của chúng tôi chịu sao cho thấu!” - một phụ huynh nói.
THẢO DÂN