Những chỉ số tăng trưởng được cập nhật liên tục cho thấy một năm đi qua đất nước có thêm nhiều dấu ấn. Như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 7,02%, thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc gần 517 tỷ USD.
Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp, với giá trị khoảng 10 tỷ USD. Với Quảng Nam, dù tăng trưởng có chậm lại nhưng năm 2019 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) ước đạt 60.788 tỷ đồng, tăng khoảng 3,81% so với năm 2018.
Tăng trưởng GDP đưa đến nhiều nhận định khác nhau về tác động đời sống nhân dân. Ở chiều phổ biến có luồng ý kiến đánh giá rằng, với quy mô GDP ước đạt hơn 266 tỷ USD, bình quân GDP đầu người đạt gần 2.800 USD, trong khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát khoảng 2,73%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%, nên tăng trưởng GDP càng có thêm ý nghĩa quan trọng để thấy đời sống nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản biện, không coi việc tăng GDP có tính quyết định đối với việc nâng chất lượng cuộc sống người dân.
Lý do dẫn đến cái nhìn theo chiều ngược là câu chuyện về cách tính “GDP xanh”. Theo đó, GDP xanh được xác định là phần còn lại của GDP sau khi đã trừ các chi phí do khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Nói rõ hơn, những tổn thất về môi trường, xã hội phải được thống kê đầy đủ, phải được đặt bên cạnh các chỉ số tăng trưởng để thấy ta đã bỏ ra chi phí bao nhiêu mới có được mức tăng 6 - 7% mỗi năm. Cách tính GDP xanh được đề cập lần đầu vào năm 2010 trong Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Năm 2011, chỉ số này được xác định trong Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT về quy định giải thích nội dung, phương pháp tính các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Song, thực tế đến nay GDP xanh vẫn chưa được tính toán đầy đủ, cho nên khó đánh giá đúng chất lượng cuộc sống người dân như thế nào.
Bằng cách tính những tổn thất của môi trường vào GDP, nhiều quốc gia trên thế giới đã lượng ước được sự tăng trưởng thực chất hơn. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, tổn thất do suy thoái tài nguyên chiếm tới 10% GDP; hay tại Ấn Độ, chi phí cho môi trường làm giảm đến 9,5% GDP một năm. Còn ở Việt Nam, tác động làm ô nhiễm môi trường (nặng nhất là ô nhiễm không khí mà những thành phố lớn đang gặp phải), nhiều con sông cạn kiệt do phát triển thủy điện, tình trạng ngập úng ở các đô thị, tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai… nếu tính được mức độ thiệt hại từ các thành tố đó rồi lấy GDP trừ đi, mới thấy được thực chất mức độ tăng trưởng tới đâu.
Đã có nhiều khuyến nghị cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó GDP xanh phải được xây dựng và đưa vào áp dụng để có những chính sách phát triển bền vững hơn, để người dân thực sự được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng. Quảng Nam cũng nên thức nhận vấn đề này để xác định không phải chạy đua tăng trưởng GRDP bằng mọi giá. Tại Hội nghị “Cơ cấu lại nền kinh tế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030” do UBND tỉnh tổ chức ngày 25.12 vừa qua, TS. Trần Du Lịch - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cũng nhận định rằng, nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam đang phát triển nhanh nhưng không ổn định. Như vậy, thiển nghĩ bên cạnh việc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân 9.100 USD/người, cần tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhưng tăng trưởng gì cũng phải hướng đến mục đích nâng cao được chất lượng sống của người dân, nghĩa là cần hoạch định chiến lược tăng trưởng trên cơ sở cách tính GRDP xanh.