Ghe bầu xứ Quảng

QUỐC HẢI 23/11/2013 07:59

Ghe bầu là những chiếc “thuyền bay trên biển”, làm nên sự sôi động cho ngành thương mại của cha ông ở Hội An - xứ Quảng thuở trước...

1. Không phải ngẫu nhiên mà tại Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch Hội An (số 80 Trần Phú), ngay trước cửa ra vào, du khách đã có thể nhìn thấy mô hình chiếc ghe bầu do nghệ nhân Huỳnh Ry - Kim Bồng thực hiện.

Tại bảo tàng đang trưng bày gần 500 hiện vật gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc Trung Cận Đông, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam…, niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIX. Hầu hết hiện vật là minh chứng cho vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong mạng lưới mậu dịch gốm sứ hay “con đường tơ lụa” trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại của các thương thuyền Đông - Tây Á - Âu.

Thuyền đóng theo mô hình ghe bầu phục vụ du lịch ở Hội An.
Thuyền đóng theo mô hình ghe bầu phục vụ du lịch ở Hội An.

Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: “Ghe bầu là biểu tượng sinh động một thời phồn thịnh của đô thị thương cảng cổ xưa. Theo các nhà nghiên cứu, ngoài các bến dọc dài bãi biển miền Trung, những cánh buồm no gió của ghe bầu đã “bay” từ Kẻ Chợ, Thăng Long ở Bắc kỳ; Đồng Nai, Gia Định ở Nam kỳ đến tận Nam Vang - Campuchia và các quốc gia khu vực Đông Nam Á”.

Đến Hội An vào thế kỷ XVII, Thích Đại Sán, một thiền sư Trung Hoa đã mô tả thương cảng Hội An với “cột buồm như rừng tên xúm xít”. Còn Nguyễn Tuân cũng đã khắc họa vào đầu thế kỷ XX rằng: “Trên mặt sông thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm, dây thừng…”.

Những năm 1930 - 1940, người ta vẫn thấy từng đoàn ghe bầu của các vạn Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà, Sơn Phô, Bàn Thạch, Duy Vinh… giong buồm ra khơi để thực hiện những chuyến hải trình dài ngày. Hàng hóa là sản vật tại chỗ như cau, quế, nón, đường, đồ tre nan, gốm, lâm thổ sản, hải sản… và chở về gạo, muối, lá đệm, đồ sứ… Theo tư liệu hồi cố, vào những năm này, các vạn ghe bầu Hội An có hơn 120 chiếc với trọng tải từ 40 đến 100 tấn mỗi ghe, bình quân mỗi năm, đoàn “thuyền bay” này đã chở gần 34 nghìn tấn hàng hóa các loại.

Trần Đại với chiếc ghe bầu tại sông Hoài.Ảnh: Quốc Hải
Trần Đại với chiếc ghe bầu tại sông Hoài.Ảnh: Quốc Hải

Đạt được “kỳ tích” đó là nhờ ghe bầu thuộc loại thuyền buồm, đi lại bằng sức gió là chính. Dáng bụng bầu tròn chứa được nhiều hàng hóa. Lái và mũi đều cơ động dễ dàng. Ghe có ba cột với cánh buồm lớn đơn giản, cuốn lại hoặc giương lên đều dễ. Đặc biệt, một tính năng “vượt trội” mà các loại thuyền của phương Tây và cả các nước trong khu vực “không thể sánh được” là khả năng chạy ngược gió nhờ kỹ thuật “chạy vát”.

2. Những làng nghề mộc thủ công truyền thống nổi tiếng nằm cạnh phố cổ Hội An như Trà Quân, Trà Nhiêu, Kim Bồng… từng một thời rộn ràng với các trại đóng ghe bầu.

Hôm nay, về lại Kim Bồng, những chiếc “thuyền bay” ấy không còn được đóng nữa nhưng với những người thợ tuổi đời còn khá trẻ, niềm tự hào về nghề của cha ông vẫn còn như nguyên vẹn. Anh Phan Nhu - một chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền nói: “Nhiều kỹ thuật đóng thuyền bây giờ vẫn được chúng tôi kế tục. Dù máy móc bây giờ hiện đại, làm nhanh hơn nhưng kỹ thuật thì không thể khác được. Tôi nghe cha nói làng mình nổi danh từ trước cũng nhờ đóng ghe bầu”. Còn với người thợ cả Đỗ Tài, gần 70 năm gắn bó với nghề đóng sửa tàu thuyền, kinh nghiệm đóng ghe bầu của các thế hệ nghệ nhân đi trước giờ chỉ còn là ký ức xa mờ nhưng vô cùng quý giá. Ông Tài cho biết: “Hồi nớ làng trên, làng dưới, có đến 4 trại đóng tàu với cả trăm thợ ngày đêm ghè đục. Hồi nhỏ, trèo lên cột khoan lỗ dây kéo buồm, tới trưa gió mát quá tôi nằm ngủ luôn trên nớ. Chừ cái nhớ, cái quên chứ nội chuyện khoan cái lỗ bằng khoan tay thôi cũng mất mấy ngày”.

Thời gian chừng đã khiến bao lớp người không khỏi ưu tư. Và khi hết vai trò lịch sử, những chiếc ghe bầu phóng dật cùng những phận người trên biển thuở ấy phải nhường chỗ cho các phương tiện vận tải có tính năng vượt trội hơn hẵn.

Dẫu đã từng xuôi ngược tận những ngọn nguồn, vui cùng những ngọn hải đăng với cánh hải âu xa tắp, hơn nửa thế kỷ qua, những đoàn ghe bầu phố Hội và các miền quê xứ Quảng đã vắng bóng.

Một nhà thơ, từng ngậm ngùi:

“Những chiếc ghe bầu một đời không sinh nở, nằm úp mặt chờ sông…”.

3. Thời gian trước và sau ngày giải phóng, một số nhà nghiên cứu trong và ngoài địa phương đã bước đầu giới thiệu về ghe bầu với mục đích giữ gìn những tri thức dân gian quý báu từ nghề buôn và đóng ghe bầu truyền thống này.

Đến năm 2011, dưới sự bảo trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, một công trình nghiên cứu chuyên sâu về “Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An - Quảng Nam” đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xuất bản với cái nhìn khá đầy đủ về nguồn gốc, tên gọi, đặc điểm, hình dáng, cấu trúc cũng như vai trò của ghe bầu phố Hội trong đời sống văn hóa địa phương.

Ông Trần Văn An cho biết: “Những năm trước, tại các làng quê sông nước Cửa Đại, Cẩm Thanh, nhiều ngư dân đã phát hiện vào trục vớt một số chiếc ghe bầu hay vài chi tiết cấu trúc của ghe bầu dưới lòng sông Cổ Cò, Thu Bồn. Và thật mừng, hình bóng của những chuyến ghe bầu xưa cũ cũng đã dần dần xuất hiện trở lại trên sông Hoài, phố Hội thông qua một số ghe thuyền được đóng theo mô hình. Thậm chí, một số người vì đam mê hay gia đình có ông bà từng theo nghề buôn bằng ghe bầu thuở trước đã cất công tìm kiếm và mua lại những chiếc ghe bầu, thuyền rớ ở khắp nơi trên xứ Quảng”.

Bảy năm rồi, anh Trần Đại lặn lội từ Cửa Đại, Trung Phường qua chợ Bà rồi ngược lên Câu Lâu tìm mua cho được 3 chiếc ghe bầu cũ với giá gần cả trăm triệu đồng. Có người bảo anh “khùng”. Nhưng khi tiếng đàn ghi ta chiều nào cũng vang vọng trên khúc sông Hoài từ những chiếc ghe bầu phục vụ du khách, người ta mới thấy cái “khùng” của anh đáng phải suy ngẫm. Anh Đại chia sẻ: “Ông ngoại tôi kể, tài sản được chia cho ông bà khi lấy nhau là một chiếc ghe bầu. Những mùa cắm sào bến chợ, tôi vẫn còn nghe tiếng bà ru trong nhịp đưa sóng nước. Chừ tôi mua lại ghe bầu về phục vụ du lịch, mừng là du khách rất thích!”.

Trên khúc sông Hoài gần cầu An Hội, chiều nào bến nước cũng dập dìu thi tứ trong tiếng đàn ghi ta từ ghe bầu, thuyền rớ du lịch của anh Đại. Du khách đến với phố cổ Hội An hôm nay cũng có thể du ngoạn trên sông nước bằng chuyến thuyền buồm do Trung tâm VH-TT Hội An tổ chức.

Mỗi lần bước xuống ghe bầu, bạn sẽ cảm nhận cái chòng chành của thời gian và cả những dấu ấn khó phai mờ về một thời mở cửa giao lưu buôn bán trên biển Đông của các thế hệ cha ông thuở trước.

Chính những dấu ấn xưa cũ ấy đã và đang làm nên nhiều giá trị của phố. Và với niềm hoài nhớ, người phố Hội chừng còn thổn thức với nhịp điệu rộn ràng của bến xưa phố cũ, nơi mà những chuyến ghe bầu cùng với dòng sông đã chở nặng phù sa bồi đắp nên những làng quê trù mật.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghe bầu xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO