(Xuân Quý Mão) - Cuối năm, người Quảng Nam ghé chợ Bà Hoa để tìm vị tết. Ăn món quê cũng là một cách để trở về, để nhớ nhung, hoài niệm.
Sạp rau bên hẻm nhỏ
Người đàn bà bỏ vào bọc cho tôi mớ lá nén, mấy kẹp rau thơm rồi hồ hởi cầm đòn bánh tét lên khoe: “Ăn bánh tét không con, có dưa món nữa đó, đồ tết ở quê mới vô hồi sáng”. Tôi nhận bọc rau nói với cô: “Còn đồ quê chi nữa không, cô giới thiệu luôn đi!”. Cô cười hết cỡ, chỉ vào người mình: “Người quê luôn nè, chánh gốc quê mình luôn”.
Cô tên Chương, quê ở Điện Bàn, bán rau ở chợ Bà Hoa đến nay đã 27 năm. Sạp rau của cô nằm nép dưới mái hiên bên con hẻm nhỏ, nếu vô tình lướt nhanh có khi chẳng thấy. Nhưng lỡ ghé rồi lại dùng dằng chẳng muốn đi, bởi ở cái sạp bé xíu ấy có thể tìm được bó lá nén thơm lừng, mớ xà lách, rau thơm kẹp bằng thân chuối, mớ giá đỗ… y chang như ở quê. Rau quê lá nhỏ, thân ngắn, chẳng giống như rau phố, nhưng chỉ cần chạm nhẹ là mùi thơm bám mãi trên tay.
Rau được cắt từ vườn quê, gói bọc kỹ càng rồi bỏ vào thùng xốp, dưới đáy thùng có cho một lớp đá lạnh. Chuyển rau từ quê vào phải bằng xe lạnh nữa mới đảm bảo rau đến Sài Gòn còn tươi. Vườn quê có gì thì sạp rau của cô Chương có thức nấy.
Ở quê mùa dưa gang thì sạp rau của cô cũng có. Rồi rau lang, bắp chuối sứ, mồng tơi, rau má, cà tím, cả trứng gà, trứng vịt, đến quả chanh, quả ớt cũng từ vườn Quảng Nam vượt cả ngàn cây số ghé chợ Sài Gòn. Tết đến, sạp rau của cô có thêm chả bò, bánh tét, bánh rò, dưa món, thịt heo ngâm mắm…
Cô Chương vào Sài Gòn đã lâu nhưng chất giọng vẫn đặc sệt Quảng Nam. Cô bảo năm nào cũng thế, bán tới tận 30 tết rồi mới sửa soạn dọn hàng về quê ăn tết. Người nhà cứ hối về sớm cho thong thả nhưng thật khó để rời cái sạp rau nhỏ xíu này, bởi biết đâu chừng ai đó chạy tới mua rau quê, mua bó lá nén, giá đỗ không thấy lại buồn! Nhiều đồng hương cỡ độ 27, 28 tết trở đi là ghé cô mua rau về để dành tết.
Tết của người Quảng Nam mình đâu thể thiếu rổ rau sống thiệt ngon để cuốn bánh tráng với thịt heo ngâm mắm. Rau thì thiếu gì nhưng rau trồng ở quê ăn mới ngon, mới đậm đà, ăn miếng dưa leo mới thấm tháp. Mua bán ở đây, gặp đồng hương, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ mà đỡ nhớ quê, nhớ người. Đã 27 năm chạy chợ, cũng chừng ấy năm chứng kiến chợ Bà Hoa bày hàng đón tết mà năm nào cô cũng thấy nôn nao.
Một cách để trở về
Tôi rời sạp rau cô Chương đi sâu vào chợ. Con đường giữa chợ nhỏ, nắng lọt qua những chiếc dù xòe rộng. Cơ man nào bánh thuẫn, bánh in, mứt gừng, bánh nổ, bánh tổ, kẹo đậu, khoai lang khô, bánh dừa nướng… Một góc khác là củ nén, dưa gang, mắm cái, thịt heo ngâm mắm, dưa món. Người ta thổi than nướng bánh tráng ngay tại sạp...
Hít hà những mùi vị thân quen theo mình suốt thuở ấu thơ, tôi ngỡ như ai đó đã bê nguyên xi chợ quê xứ Quảng vào đặt giữa lòng phố. Những ồn ã mua bán, những mùi vị thân thương, những “chi, mô, răng, rứa” tự nhiên thấy lòng xúc động như đang đứng giữa chợ tết quê nhà.
Người mua lẫn người bán, cùng giao nhau ở tình đồng hương quê xứ. Lòng hồ hởi khi nghe những địa danh Điện Bàn, Tiên Phước, Nông Sơn, Tam Kỳ… khi được hỏi ngoài quê ở khúc nào? Mới gặp mà như quen thân, rồi cười nói thân tình. Cuối năm, người Quảng Nam ghé chợ Bà Hoa để tìm vị tết. Ăn món quê cũng là một cách để trở về, để nhớ nhung, để hoài niệm.
Mớ bánh trái mua về dâng lên bàn thờ ông bà để dạy cho lớp cháu con gốc gác Quảng Nam nhưng gá nghĩa ở Sài Gòn biết rằng tết quê mình có bánh tét, bánh nổ, bánh tổ, bánh in. Là khi khách đến nhà giở hũ thịt heo ngâm mắm, rồi xắt nhanh bày với dĩa rau sống. Năm mới, chiêu trà nhâm nhi với miếng mứt gừng cay xè lưỡi. Dù có đi cùng trời cuối đất thì những điều đó chẳng thể thay đổi được!
May sao, ở giữa Sài Gòn còn có chợ Bà Hoa để còn thấy đâu đó quê nhà. Ăn tết xa quê hẳn nhiên là buồn, nhưng chút vị quê giữa phố đã khiến quê hương thật gần, bớt nhớ nhung khi ở một nơi mà lòng mãi vấn vương hoài quê xứ.