Người Quảng Nam

Ghé Sài Gòn để thăm... Quảng Nam cho đã

Ký của TRẦN TRIỀU 13/07/2024 08:32

Bà Lily An đứng tần ngần trước quầy tạp pí lù ở chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh). Người Việt kiều Mỹ này vừa về thăm quê hương, bảo đứa cháu họ dẫn ra đây để “coi đồ Quảng”.

f82ed3fe-a326-4b6a-a497-854649e859a1.jpg
Gian hàng đặc sản xứ Quảng ở chợ Bà Hoa. Ảnh: T.T

Tay cầm túi đường phổi, mắt nhìn thật chậm mớ bánh tổ, bà không muốn rời bước. Phải là người Quảng Nam mới hiểu được tại sao người ta có thể xúc động lớn lao khi nhìn những chiếc bánh tròn, nâu sẫm trong hình hài thô kệch giữa thời hiện đại như vậy. Giữa lòng phố xá Sài Gòn, chợ Bà Hoa là không gian để những người Quảng “rin” xa quê, nhớ quê tìm đến.

Một trời nhớ thương

LiLy An quê Đại Lộc. Năm 1978, khi 18 tuổi, bà vào Sài Gòn lập nghiệp, đến năm 1986 thì qua Mỹ định cư. Dù hơn 40 năm rời quê, nhưng bà vẫn nhớ da diết.

“Chẳng phải nhớ cái gì lớn lao đâu, càng xa quê càng nhớ những điều cỏn con, như những loại bánh này. Những cái bánh mà thuở ấu thơ ở quê, trong dịp trọng đại mới được ăn. Đây, cái bánh tổ ni xưa đến Tết mới thấy mặt nó. Được ăn một miếng thôi, rồi mẹ tôi để dành, chưng bánh cho qua cả cái Tết.

Qua Tết vẫn ăn được nghe, chỉ cần gạt lớp mốc trên mặt bánh ra là ăn ngon lành. Quái lạ, sao cái bánh dẻo dẻo làm từ bột nếp và đường bát này lại để lâu được như vậy. Hồi đó, nhà nào giàu thì có đủ bộ bánh tét, tổ, nổ, in. Nhà tôi nghèo nên chỉ có bánh tổ và bánh in”- bà chia sẻ.

Trong khu chợ tuềnh toàng, ồn ào, đủ thứ loại bánh trái, có người phụ nữ cao tuổi, tóc bạc phơ rưng rưng khóe mắt khi nói về những chiếc bánh đơn sơ. Cảnh tượng này đúng thật là hiếm thấy và rất đáng nhớ.

Bà chủ quầy đồ Quảng chừng hiểu được “hoàn cảnh”, nhìn vị khách thật nhiều trìu mến: “Chị cứ coi, cứ rờ thoải mái đi, không mua cũng không răng hết” bằng giọng Quảng đặc sệt. Không gian nhỏ của quầy hàng bỗng trở nên gần gũi, chân quê. Cảm giác như vị khách xa quê đang về và ghé ngang quán ven đường ở đâu đó Thăng Bình hay Điện Bàn vậy.

Một người đàn ông xách lỉnh kỉnh các loại túi nguyên liệu nấu mỳ Quảng, tìm đến quầy bán sợi mỳ Quảng của chị Nga, xếp hàng chờ mua thứ mà anh gọi là “như ri mới là mỳ Quảng”.

Đó là quầy bán sợi mỳ Quảng uy tín và có tiếng nhất chợ này. Mỗi ngày, chị Thanh Nga bán từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, được chừng 50kg sợi mỳ. Chị Nga người Điện Bàn, đã bán món này gần 20 năm.

“Ở chợ ni, đa số khách vô mấy quầy ni đều là người Quảng Nam, người bán món Quảng ở đây cũng gốc Quảng. Người bán gặp người mua là đồng hương” - chị Nga nói.

Như vậy, khách đến đây không chỉ được mua món Quảng mà còn được trìu mến nhìn người Quảng, vui vẻ trò chuyện với người Quảng. Tôi cảm nhận được điều này khi thấy vị khách nào cũng nấn ná khi mua một món đồ ở đây.

“Ăn ký ức”

Anh Hoàng Nam (61 tuổi) trước đây sống ở khu Bàu Cát (Tân Bình), gần chợ Bà Hoa. Một trong những điều mà người đàn ông quê Vĩnh Điện này cảm thấy vui nhất khi định cư ở Sài Gòn là “được ở kế chợ Bà Hoa, đi bộ vào chợ mỗi ngày, cảm giác như đang được sống ở quê. Gần đây, anh chuyển về quận Gò Vấp ở. Dù từ Gò Vấp qua chợ Bà Hoa khá xa nhưng anh thường xuyên nài nỉ vợ cùng đi chợ.

83d12595-fab7-4e68-857e-444c773850e2.jpg
Bánh tổ - đặc sản gây nhớ thương với người Quảng. Ảnh: T.T

“Cuối tuần, chúng tôi không ăn sáng, chở nhau qua chợ Bà Hoa, bả đi theo xách đồ, tui đi chợ, mua mấy món linh tinh về nấu mỳ Quảng, cả nhà cùng thưởng thức. Tui biết vợ tui người miền Tây nên không hảo mỳ Quảng lắm, các con tui cũng không thích món ni lắm nhưng thôi thì cho phép tui “phát xít” chỗ ni, ăn mỳ Quảng cùng tui”.

Đâu đó có nét cá tính hơi “ngang ngược mà đáng yêu” của người Quảng trong con người anh Nam. Hình như không hẳn những người Quảng xa xứ ăn bởi mỳ Quảng ngon, mà cái chính là họ đang “ăn ký ức”. Ẩm thực là một thói quen khó bỏ, chẳng ai trách những người đàn ông cứ mải mê đi tìm món giống mẹ nấu ngày xưa.

Kế bên quầy bán sợi mỳ là một quầy mỳ Quảng nhỏ xíu. Chủ quầy là chị Năm, dáng hơi đẫy đà, chỉ ưng ngồi một chỗ, “múa” với nồi nước nhưn và các món bỏ vô tô mỳ.

Người phụ nữ quê Vĩnh Điện này cũng là một “ví dụ sinh động” tạo nên cái hồn cho chợ Bà Hoa. Quầy mỳ Quảng nhỏ, chỉ kê 3 chiếc bàn bé xíu nhưng trong vòng 3 tiếng đồng hồ (từ 6 - 9 giờ sáng), chị bán hết 100 tô rồi… nghỉ.

Ai đến trễ mất ăn ráng chịu, chị không quan tâm. Chị nói bằng cái giọng nửa chân chất nửa... ta đây: “Mỳ Quảng như ri mới là mỳ Quảng. Nước lèo hầm bằng xương gà và xương heo, ngọt thật chứ không như mấy quán lớn ngoài kia bỏ bột nêm bột ngọt vô.

Dân Quảng ăn vô biết liền chứ. Gà thì cứ dùng gà công nghiệp loại ngon, nấu cho săn và thấm chứ đừng cứ nói xạo là gà ta, gà ta mô ra, bán mỳ Quảng mà nấu gà ta thì lỗ sặc”.

Bưng tô mỳ Quảng lên, tôi ăn một cách nắn nót để cảm hết cái ngon, cái tinh tế và cả cái ngang ngược trong một tô mỳ Quảng đúng nghĩa. Tôi hiểu, à, hóa ra người quê Quảng cứ phải tìm đến đây ăn cho thỏa.

Không chỉ ăn mỳ mà còn để cảm nhận phong thái “ăn cục nói hòn” một cách đáng yêu của người Quảng. Họ ăn không để thỏa cơn đói. Họ ăn để thỏa cơn nhớ. Rất nhiều người mua 20 tô, 30 tô mỳ Quảng ở đây, đóng gói lại và mang qua Singapore, Hàn Quốc, Mỹ. Cũng rất nhiều người mua để mang đi Hà Nội. Đó là lý do tiệm này bán được nhiều như vậy.

Vĩ thanh từ miếng trầu cay

Chợ Bà Hoa tọa lạc tại đường Trần Mai Ninh (quận Tân Bình), được hình thành từ năm 1967. Ban đầu, chợ chỉ là một khu vực nhỏ, chủ yếu bán các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của cộng đồng người Quảng Nam tại Sài Gòn, chợ dần trở thành nơi chuyên cung cấp các đặc sản của quê nhà.

44bbfadd-5e4e-4037-9156-94617144cdf9.jpg
Chị Thanh Nga - vẫn giữ cách chấn mỳ bằng tay để giữ đúng chất sợi mỳ Quảng. Ảnh: T.T

Hiện nay, ngôi chợ đặc biệt này dần bị thu hẹp. Khu đặc sản Quảng Nam cũng thu mình, khiêm tốn tồn tại chỉ một dãy ngắn trong chợ.
Không gian đặc sản Quảng Nam dần nhỏ bé trong ngôi chợ này cho thấy một sự thật khó chối cãi: văn hóa ở quê, người con xứ Quảng mang theo, dù có yêu quý đến mấy cũng có phần mai một.

Thế hệ con cháu của họ sống tại Sài Gòn, dù được bố, mẹ, ông, bà ảnh hưởng đến mấy thì cũng khó giữ được sự tiếp nối. Những bánh tổ, bánh thuẫn, đường phổi sẽ ngự ở ngôi chợ này được trong bao lâu?

Tôi đứng tám chuyện với Út Hiền ở quầy trầu cau. Bà ngoại của Út quê ở Quế Sơn, là một trong những người bán trầu cau đầu tiên ở chợ này. Sau đó, bà ngoại già yếu, chuyển qua cho mẹ Út bán. Nay Út là thế hệ thứ 3.

Xưa, trái cau, lá trầu do bà ngoại bán là phải lấy từ Quảng Nam. Lá trầu ở đó mặn mà như tính cách người Quảng, quả cau ở đó nhỏ sắt lại, chứa những cái giá rét, sương mai miền Trung, vị nó đặc trưng lắm. Nhưng nay Út Hiền nhập trầu cau từ miền Tây về “cho nó nhanh”.

Khi tôi còn đang trò chuyện với Út Hiền, có một người đàn ông trung niên trờ xe đến hỏi mua trầu: “Em ơi, có trầu cay không?”. Út bảo “hết trầu cay, còn trầu mỡ, anh mua không?”. Người đàn ông do dự, rồi bảo: “Thôi để anh về hỏi bà cho chắc, bà dặn mua trầu cay”.

Người ăn trầu thì đã yếu, đã không ra chợ nổi. Chắc rằng bà cụ ấy chỉ ăn trầu quế, loại lá nhỏ có vị cay. Người đi mua trầu thì không ăn trầu. Người bán trầu bây giờ cũng không lấy trầu từ Quảng Nam nữa.

Có lẽ, những người Quảng “rin” cũng nên tranh thủ tận hưởng chợ Bà Hoa đi. Dù ngôi chợ này có lý do để tồn tại nhưng lý do đó đang nhỏ lại dần, không trụ lâu được nữa.

Thử tưởng tượng xem, một ngày, chợ Bà Hoa không còn, chắc những “Quảng kiều” buồn hung hè?

(1) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghé Sài Gòn để thăm... Quảng Nam cho đã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO