Tin vui từ đấu trường ASIAD 18 tại Indonesia liên tiếp báo về. Trong ngày 19.8, đội tuyển bóng đá nam Olympic thắng trận thứ 3 liên tiếp, còn đội tuyển bóng đá nữ thắng Thái Lan và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn tin chúc mừng. Hôm qua 20.8, đội tuyển bóng chuyền nam cũng quật ngã hạt giống số 1 bảng E là Trung Quốc từng 3 lần vô địch ASIAD.
Nhưng, khác với trước, kỳ ASIAD lần này các môn thi đấu không tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình, nhất là bóng đá. Và đây đang là đề tài bàn tán xôm tụ suốt nhiều ngày qua, khi hàng triệu khán giả đã phải xem đội tuyển bóng đá nam chơi bóng bằng những… đường truyền lậu.
Đây là “tình huống” hy hữu đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Với bản quyền truyền hình vài triệu USD, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã nói KHÔNG. Trong khi các ý kiến khác nhau còn đang phân tích đúng - sai và trách nhiệm để vuột cơ hội xem bóng đá trên sóng truyền hình, thì đã có trang mạng xoilac.tv bẻ khóa để tường thuật.
Thử bình luận bằng chính ngôn ngữ bóng đá, xoilac.tv đã ghi bàn trong một tình huống việt vị, và khán giả biết rõ mười mươi bàn thắng ấy sai luật nhưng vẫn… cắn răng vỗ tay. Vì họ đâu còn lựa chọn nào khác ngoài các đường link lậu ấy?
Với trình độ bình luận nghiệp dư và pha chút cà rỡn, các “bình luận viên” trên xoilac.tv đã gây ra các tình huống dở khóc dở cười. Và rồi, nhiều trang mạng khác lại dẫn tiếp xoilac.tv để phát và không quên kèm theo những rắc rối khác: tranh thủ quảng cáo, chất lượng đường truyền kém…
Xem bóng đá dưới kênh truyền hình không sạch đã khổ, xem bằng kênh lậu càng khổ. Đây là lý do khiến nhiều người giận dữ. Với một kỳ á vận hội gồm nhiều môn thể thao, thương vụ (bản quyền phát sóng) không thể và không nên cân đong đo đếm một cách đơn giản để tính chuyện lời - lỗ. Vì đằng sau đó là cả một niềm đam mê cuồng nhiệt dành cho các tuyển thủ. Cần thêm thời gian và thông tin để có thể mổ xẻ rốt ráo về thương vụ này, nhưng trước mắt, chiến thắng của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam dường như không trọn vẹn khi đội càng đi sâu vào giải thì các lời chỉ trích lại… gia tăng, vì nhu cầu cổ vũ của khán giả đã bị tước đoạt.
Đã đến lúc tĩnh tâm để xem đúng - sai của chuyện xem lậu bóng đá mấy ngày qua của khán giả Việt. Nhiều chuyên gia cũng bắt đầu dẫn ra các điều khoản trong Luật Sở hữu trí tuệ để phân tích kỹ hơn về tình huống trớ trêu này, như khả năng các trang mạng bẻ khóa sẽ bị xử lý hình sự (cao nhất 5 năm tù), xử lý hành chính (từ 20 đến 200 triệu đồng, đình chỉ, bồi thường thiệt hại…).
Bản quyền truyền hình FIFA World Cup 2018 cũng từng gặp trở ngại, được ký vào giờ chót. May mắn đã không lặp lại với ASIAD, nên người hâm mộ đành “ra sân” khi biết rõ mình đã “phạm luật”. Một thương-vụ-cổ-động bất thành.
C.B.L