Với địa hình gần biển, Hội An là vùng khá phức tạp về lịch sử của nhiều cư dân đến sinh sống và xem như là vùng văn hóa tiếp biến đa dạng những đặc trưng văn minh của nhiều tộc người. Ghi chép có tính khoa học này của người viết, chỉ với mong muốn góp thêm cái nhìn về giải pháp tu bổ kiến trúc Chùa Cầu - biểu tượng của phố cổ Hội An.
Mặt trước lối vào Chùa Cầu phía đông.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Những lần tu bổ
Theo nhận xét của kiến trúc sư Nhật Bản, chùa Nhật Bản hôm nay gọi là Chùa Cầu chắc chắn không phải xây dựng vào năm 1763 và sớm hơn năm 1719 vì vào thời điểm này Chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhìn thấy nên đặt tên. Và theo suy đoán phải được xây dựng sớm hơn vào cuối thế kỷ thứ 16 đầu thế kỷ thứ 17. Phần miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ được người địa phương gọi là Chùa xây dựng muộn hơn. Trong mô tả trước đây: dưới cầu xây đá, trên lát ván, gác mái, gồm 7 gian, lợp, hai bên cầu bày hàng mua bán nên gọi là ngói.
Chùa Cầu chắc chắn đã trùng tu nhiều lần và niên đại có minh văn khắc trên thượng lương/xà gồ năm 1763 không phải là lần tu bổ đầu tiên nhưng cầu được xây dựng to và đẹp hơn. Những năm tu bổ tiếp theo ta có thể biết qua ghi chép là 1817, 1865, 1874, 1915, 1986, 1996 và những năm gần đây.
Thời gian gần đây nhất - khoảng 2009 - do sự xuống cấp của móng cầu nên cơ quan phụ trách ở địa phương đã thay thế một số dầm đỡ bằng gỗ, gia cường thêm sắt ở phần hạ bộ; thay mới toàn bộ ván lót sàn cầu. Đồng thời đã khơi dòng chảy dưới chân cầu và làm lại bờ kè hai bên dòng kênh… Để tránh sự tác động của con người khi lưu thông qua cầu, chính quyền địa phương đã chống xuống cấp bằng cách chỉ dành cho người đi bộ qua lại. Nhưng lượng lớn du khách trong và ngoài nước vẫn đến thăm Chùa Cầu - như điểm tham quan cần phải đến. Vì vậy tình trạng phần cầu lẫn chùa đang mỗi ngày xuống cấp.
Khảo sát lại
Tôi đã thực hiện cuộc khảo sát vào ngày 15.7 vừa rồi. Sau đây là những số đo, mô tả ngắn và đánh giá sơ bộ tình trạng về kiến trúc Chùa Cầu như sau:
Phần cầu nhìn qua vẫn trụ vững với đế xây đá, mái ngói âm dương trang trí bờ nóc bờ chái, các đường diềm mái tô màu, gắn mảnh sành, đĩa. Bên trong cầu tổng quan gồm 9 gian (mô tả ngày trước là 7 gian) phân định bằng các cột gỗ có tiết diện vuông, gian giữa lớn nhất là chỗ cao nhất của mặt cầu rộng 3,8m, các gian kế tiếp xuôi theo nền cầu có kích thước nhỏ hơn và không đều khi đo qua tim cột gồm 1m81, 1m78, 1m8 và 1m82. Tổng thể chiều dài của cầu qua phần gỗ là 18,27m; lòng cầu hay chiều rộng là 2,7m có phần bậc 2 bên cho khách dừng nghỉ rộng 1,2m, lối đi dành cho khách dừng chân nghỉ ở phía nam có lan can gỗ cao 0,6m, thêm phần gờ trang trí bằng xi măng bao giữ bên ngoài. Vào mùa nước cạn, khu vực này đo được từ sàn cầu đến mặt nước 4,2m. Chiều cao từ sàn cầu đến đòn đông là 3,4m. Phần chùa bên phía Bắc có chiều rộng 5m với phần hậu tẩm 2,8m, chiều dài bằng gian giữa và gian hai bên của cầu.
Bản vẽ minh họa chốt nêm. |
Như mô tả của kiến trúc sư Nhật Bản nhìn bên ngoài là kiến trúc Việt (thời Nguyễn), và không còn dấu vết về kiến trúc của người Nhật. Nhưng tôi chắc chắn rằng các vì/vài đỗ mái cả cầu và chùa có nguồn gốc của người phương xa mang đến từ Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Hoa. Lấy trung tâm gian giữa của cầu ta có phía đông 3 bộ vì và phía tây 3 bộ vì có kiểu thức chồng rường con đội (chồng 2 lần) gọi theo tiếng địa phương là chồng trính con đội. Phần cấu kiện đỡ nóc (vị trí đòn đông)có đấu/đế thót đáy và các cánh tay vươn ra đỡ mái theo kiểu thức đấu củng (kỹ thuật vươn đỡ nóc và mái hiên phức tạp và đẹp vào thời Đường, đơn giản vào đời Thanh, Trung Hoa) đơn giản tạm gọi là “nhất đấu tam thăng”. Hai vì đỡ mái cuối hai đầu cầu đông và tây (tạo mái riêng) lại theo kiểu thức cong gọi là vì vỏ cua. Làm nên kiểu thức nối mái “trùng thiềm điệp ốc” và nơi ấy có máng xối thoát nước mưa. Kỹ thuật này khá phổ biến ở các kiến trúc thời Nguyễn.
Như vậy các kiểu thức đỡ mái này không gọi là vì/vài kèo mà chúng ta có thể nhìn thấy những kết cấu này trong những ngôi nhà cổ đang tồn tại ở trong phố cổ có nguồn gốc từ Nam Trung Hoa. Những kiểu thức này lại không xuất hiện ở những ngôi nhà dân gian ở miền Trung. Về kết cấu vì chính trong chùa cũng theo kiểu thức chồng trính con đội và các vì nách đỡ chái là nhại lại theo kiểu ½ của vì chính. Tuy nhiên quan sát kỹ ở phần con đội con dấu vết của lổ mộng, vậy phải chăng có trang trí những tai bông trên thân con đội? Ăn mộng trên lưng trính (thường chồng 3) được người người địa phương và nhà nghiên cứu Việt Nam gọi là trính Nhật Bản.
Chi tiết mới
Một điều đặc biệt mà tôi chắc chắn những người thợ mộc địa phương có thể phát hiện được cách liên kết các thanh trính và xuyên với cột không sử dụng kiểu chốt nêm (khóa các đầu xuyên và trính khi ăn qua cột) theo cách của người thợ mộc Việt miền Trung (thợ Mỹ Xuyên - Huế, thợ Kim Bồng, thợ Văn Hà - Quảng Nam và cả thợ mộc ở phía Nam). Ở đây người thợ mộc khóa lại bằng chốt nhỏ xuyên ngang qua phần đầu dư của trính hay xuyên. Thêm chi tiết là các đuôi trính, đuôi xuyên có phần trang trí khác với các đuôi, đuôi xuyên ở các ngôi nhà cổ, tuồng như không phải người thợ địa phương làm và nếu làm thì cũng theo mẫu của người phương xa. Cũng có thể là kiểu kết cấu của phường thợ miền Bắc đã làm thay đổi kỹ thuật sau lần trùng tu gần đây? Điều này cần thêm việc điều tra về tư liệu của lần tu bổ gần đây.
Vì đỡ nóc mái chính (giữa). |
Và một điều mà những người cao tuổi ở địa phương dễ phát hiện mà năm 1972 khi vào thăm phố cổ tôi đã thấy phần dành cho người bán hàng hoặc người dừng nghỉ bên cầu có vòm cong trong khi phần lòng cầu dành cho người và phương tiện đi lại chỉ hơi cong và thấp hơn vòm 2 bên khoảng chừng 60cm. So sánh bản vẽ gần đây của Viện Bảo tồn thì lần tu bổ gần đây, thì phần lòng cầu và lối hai bên chỉ lệch nhau 10cm. Cả tường trang trí lối vào cầu phía đông cũng không có hình đắp nổi đề tài quả phật thủ.
Vì vỏ cua ở mái hai đầu cầu. |
Trong thời gian ngắn đi khảo sát trước mắt cả phần cầu và chùa đang có hiện tượng lún nghiêng, các liên kết gỗ đang bị phá vỡ. Đơn cử chiều cao từ nền lên dạ trính ở cột phía nam đo là 2,26m và bên phía bắc là 2,29m, đã chênh lệch 3cm. Tương tự phần cột ở tường phía tây của chùa cũng đang bị lún nghiêng, vài góc tường bị nứt. Quan sát phần dưới gầm Chùa Cầu có những cấu kiện gỗ và kim loại mới gia cường gần đây. Tuy nhiên phần móng đá và phần chân cầu ăn vào hai bờ cần gia cường thêm.
Để đánh giá thật chính xác về sự xuống cấp cần phải có cuộc giải phẫu lớn hay nói rõ hơn là hạ giải toàn bộ phần mái, kết cấu gỗ bên trên và xem xét phần nền móng bên dưới.
Tu bổ
Trước mắt và lâu dài khi thi công tu bổ cần có những nguyên tắc trước và sau hạ giải. Đó là chụp ảnh, đo vẽ lại toàn bộ Chùa Cầu (chi tiết về độ nghiêng, lún và những nguyên nhân tác động); đánh giá lại các cấu kiện và đánh dấu các vị trí tháo dỡ; che đậy, gìn giữ cẩn thận các thành phần vật liệu kiến trúc; Làm bản vẽ chi tiết các cấu kiện phải thay và các cấu kiện còn tiếp tục sử dụng (chủ yếu là gỗ); cần thêm các cấu kiện chịu lực, bền ở phần móng, đà đỡ sàn cầu bằng chất liệu như sắt, bê tông; khi hạ giải cố gắng giữ lại những viên ngói và các hình đắp tô vẽ (bó bằng thạch cao, gỗ) cất giữ cẩn thận để lợp, dựng lại.
Khi thi công tu bổ, cần bảo tồn các cấu kiện gỗ có hình thức, kiểu kết cấu như chốt nêm thanh trính... như ngày trước. Để bảo đảm tính chân xác cần quyết định là chúng ta sẽ chọn thời điểm tu bổ như giai đoạn lòng cầu là mặt phẳng dành cho người đi lại chứ không phải vòm cong như hôm nay. Và liệu khi trở lại như kiểu dáng xưa (theo ý kiến người viết là rất duyên dáng) người địa phương có bị sốc không? Phần đế xây đá làm trụ cầu và chùa cố gắng giữ nguyên nếu tháo ra cũng cần phục dựng làm phần bao che như ngày trước. Các vật liệu mới như bê tông, sắt thép gia cường cần dấu vào bên trong hoặc sơn màu giả gỗ. Do cầu có độ dốc nên phần mái lợp bên trên lâu dài sẽ bị lực kéo về phía 2 đầu nên cần phải gia cường phần chân đế/mố cầu ở hai đầu và áp dụng phương pháp cổ truyền. Phần sơn phủ, tô màu cần tìm hiểu màu sơn, nguyên liệu sơn để phục chế. Cần chống ẩm và sử dụng các loại gỗ tốt chịu được nước.
Để việc tu bổ dễ dàng cần rào chắn nhưng vẫn thông thoáng tạo ấn tượng tốt cho khách tham quan. Và cuối cùng là ý kiến của đại diện UNESCO tại Việt Nam là cố gắng giữ lại yếu tố chân xác trong thời kỳ lịch sử, làm công tác tuyên truyền, minh bạch các giải pháp tu bổ tránh gây sốc cho người địa phương; cũng như mối lo ngại của cựu bí thư Nguyễn Sự về việc Chùa Cầu bị tân tạo - trẻ hóa khi trùng tu.
NGUYỄN THƯỢNG HỶ