Ghi ở bãi vàng

NGUYỄN DƯƠNG 18/12/2013 09:40

Nhiều doanh nghiệp khai thác vàng hết thời hạn theo giấy phép nhưng vẫn hoạt động bình thường, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Một góc của bãi Mồ Côi, nơi các doanh nghiệp đang khai thác vàng.
Một góc của bãi Mồ Côi, nơi các doanh nghiệp đang khai thác vàng.

Tàn phá môi trường

Từ trung tâm xã Phước Hiệp đi thôn 8 chỉ cách 15km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ với những chiếc xe “đặc chủng” mới có thể đến được. Giá 1 lượt xe thồ đến các bãi vàng là 600 nghìn đồng. Thấy chúng tôi ngần ngừ, người thanh niên da ngăm đen, ốm nhách vẫn cái giọng thủng thẳng như khi báo giá: “Thấy mấy anh không phải là dân làm vàng chúng tôi lấy giá mềm. Gọi là chở giùm, mấy ông làm vàng thì không bao giờ có giá đó”. Có đi rồi mới biết, những lời của anh xe ôm là thật. Chiếc xe nhảy chồm chồm trên đường chứ chẳng phải là chạy. Anh xe thồ tên Thành này cho hay, cả đội xe ngót nghét 20 người. Ngày nào ít khách cũng kiếm được một “cuốc”. Dân làm vàng ở đây nhiều vô kể, vào ra nườm nượp, có ngày mỗi xe chạy 2 chuyến ra vào mới hết khách.

Khi chúng tôi có mặt tại bãi vàng, cũng là lúc đoàn kiểm tra của Công an tỉnh vừa rút. Thông tin ban đầu, đoàn công tác đã tiến hành thu giữ hơn 100kg thuốc nổ của Công ty CP Khoáng sản S.S.G, được cho là hàng… tồn kho. Tuy nhiên theo quy định thì khi hết hạn, công ty phải có trách nhiệm bàn giao vật liệu nổ lại cho cơ quan chức năng quản lý, thế nhưng đơn vị này vẫn cố giữ lại một số lượng lớn hàng “tồn kho”(?).

Hơn 2 tiếng đồng hồ trên chặng đường hết trèo dốc đá đến lội suối, cuối cùng chúng tôi có mặt tại thôn 8 (xã Phước Hiệp) - bãi vàng mà các công ty được cấp phép khai thác. Tất nhiên, vì được cấp phép nên ở đây khai thác rất quy mô, có quy hoạch, phân chia khu vực rõ ràng. Hệ thống bể lắng, lọc cho đến máy xay đá, hay hầm lò khai thác đều được trang bị những máy móc hiện đại. Đây còn được gọi là bãi Mồ Côi, nơi có 4 doanh nghiệp đăng ký khai thác khoáng sản gồm Công ty TNHH Ngọc Lĩnh, Công ty TNHH Nam Mai, Công ty CP Khoáng sản S.S.G chi nhánh Quảng Nam và Công ty TNHH Hữu Minh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ Công ty TNHH Nam Mai còn thời hạn khai thác, 3 công ty kia đang chờ gia hạn giấy phép. “Mấy bữa nay hết giấy phép nên hoạt động của các công ty còn rất ít, chứ trước đây thì rầm rộ, ì ầm suốt cả đêm ngày. Ngày thì đì đùng thuốc nổ như núi sắp sập, tối thì xay đá, xay quặng, náo nhiệt lắm. Giờ đang chờ gia hạn giấy phép khai thác, không cấp thuốc nổ nên người ta chỉ còn bòn mót lại quặng vàng còn sót thôi…” – một chủ quán tạp hóa ở gần bãi Mồ Côi cho biết.

Dạo quanh một vòng, dễ dàng nhận thấy những doanh nghiệp này sử dụng chất cyanua để tách vàng là chủ yếu bởi dậy lên một mùi khó chịu. Điều đáng nói ở đây chính là sự thiếu trách nhiệm của các công ty đối với công tác bảo vệ môi trường. Các bể lắng, lọc thì có đấy nhưng họ chẳng sử dụng, các chất thải được trực tiếp xả ra suối, tạo nên một màu vàng khè, đục ngầu. Thấy chúng tôi đang ghi hình một chiếc ống đang xả nước thải của hầm lò trực tiếp ra suối, một công nhân nhanh chân chạy đến, cầm chiếc vòi bỏ vào bể lắng (!?). Một điểm chung của tất cả  doanh nghiệp đang được phép khai thác tại đây là rất sơ sài trong việc xử lý chất thải đối với môi trường xung quanh. Các bãi đất đá xay ngổn ngang, hệ thống lắng, lọc chỉ xây dựng cho… có, để đối phó với các ngành chức năng. Toàn bộ đều được xử lý một cách “tự nhiên” là đẩy ra sông suối. “Chi phí cho mỗi lần xử lý chất thải là khá cao, vậy nên “ăn gian” được chừng nào thì họ làm thôi. Ở đây xa xôi cách trở, ít bị kiểm tra” – một người xe thồ nói vọng vào khi chúng tôi thắc mắc về dòng suối đen ngòm.

Khó quản lý

Không còn náo nhiệt, nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến cảnh hối hả của nhiều công nhân mà theo họ chỉ là khai thác vét, tận thu. Điều này cũng chẳng có gì sai, bởi theo Điều 25, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản thì “trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được tiếp tục khai thác khoáng sản theo giấy phép đến thời điểm được gia hạn hoặc đến khi có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn”. Chỉ có điều, khi đã hết hạn thì doanh nghiệp sẽ không được cấp phép cho việc sử dụng thuốc nổ để khai thác.

Chất thải màu trắng đục được các công ty xả trực tiếp ra sông suối. Ảnh: N.D
Chất thải màu trắng đục được các công ty xả trực tiếp ra sông suối. Ảnh: N.D

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Phước Sơn, hiện nay trên địa bàn có 13 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, nhưng đến nay có đến 8 doanh nghiệp giấy phép hết hạn. Các đơn vị trên hoạt động chủ yếu ở các xã Phước Hiệp, Phước Thành, Phước Lộc. Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc sử dụng chất cyanua để tách quặng tại các công ty, ông Hoàng Đình Nhất - Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Phước Sơn cho biết: “Trong giấy phép hoạt động, một số công ty không được sử dụng hóa chất để tuyển quặng, tuy nhiên vẫn có công ty lén lút sử dụng. Cụ thể như Công ty TNHH Nam Mai, cách đây chừng 1 tháng, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra phát hiện và đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng”. Cũng theo ông Nhất, hiện nay các lực lượng chức năng của huyện rất khó quản lý đối với những doanh nghiệp này.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi ở bãi vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO