Không khí đón tết rộn rã trên khắp nẻo đường. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người không có được niềm vui đón tết khi đang chống chọi với bệnh tật tại khu nhà nghỉ bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Những bệnh nhân thận phải ăn tết tại bệnh viện.Ảnh: HUYỀN PHƯƠNG |
Cánh tay gân guốc, chi chít những vết kim tiêm sau những lần chạy thận, ông Trần Hữu Phúc (Quế Phú, Quế Sơn) có lẽ là bệnh nhân lâu năm nhất tại đây với hơn 10 năm gắn cuộc sống với chiếc máy chạy thận. Mất sức lao động, sống nhờ tiền từ thiện, ông không dám ăn, bồi bổ, hay mua thuốc để uống. Không chỉ vậy, ông còn phải tằn tiện từng đồng để đóng tiền nuôi con trai ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Tranh thủ những lúc khỏe, không chạy thận, ông lại lên xuống để thăm con. Vài ngày trước chuyển trời, ông bị tai biến liệt nửa người, chuyển qua cấp cứu ở khoa Tim mạch. Không nói chuyện được, nước mắt cứ trào khi có ai hỏi đến con trai.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn - Quản lý khu nhà nghỉ bệnh viện, từ khi thành lập đến nay (2014), khu nhà trở thành chỗ tá túc của hàng chục bệnh nhân chạy thận. Hầu hết người sống ở đây đều mắc bệnh suy thận nặng giai đoạn cuối, phải lọc máu từ 2 - 3 lần mỗi tuần để duy trì sự sống. Người chạy thận lâu nhất cũng đã mười mấy năm, rất đông trong số đó đang độ tuổi đôi mươi. “Chạy chữa lâu năm, bệnh nhân suy thận sẽ bị những biến chứng suy tim, tăng huyết áp. Dù có bảo hiểm người nghèo, họ vẫn phải mua thêm thuốc bên ngoài để hỗ trợ huyết áp, can xi và trợ tim, mà ở đây thì hầu hết người bệnh đều có hoàn cảnh khó khăn nên rất khổ”- ông Sơn nói.
Cuối năm, ai cũng mong được đoàn viên, sum họp bên gia đình, nhưng những bệnh nhân bệnh thận điều đó là không thể. Với mật độ lọc máu 2 ngày một lần, di chuyển đoạn đường 50 - 60 km để về quê rất khó khăn. Những ngày giáp tết, niềm vui duy nhất của họ có lẽ là những phần quà của các tổ chức, mạnh thường quân đến thăm, trao tặng để có thêm tiền trang trải những ngày sắp đến.
Nhiều năm liền ăn tết ở bệnh viện, ông Trần Phước Hợi (Quế Châu, Quế Sơn), suy thận giai đoạn cuối chia sẻ: “Tết đến tôi cũng muốn về nhà vui vầy bên gia đình lắm nhưng bệnh tình như ri thì đành chịu. Chỉ mong sang năm sức khỏe ổn định không chuyển biến nặng hơn để đón tết ở nhà”.
Cũng đi nuôi con ở bệnh viện, mẹ của anh Tăng Đức Thịnh, 28 tuổi (Quế Trung, Nông Sơn) cho biết anh bị bệnh đã 4 năm nay, uống thuốc chạy chữa không khỏi. Hai năm trước khi quá yếu anh Thịnh được chuyển vào đây để chữa trị. Áp lực nuôi chồng bệnh, vợ anh Thịnh bỏ đi để lại con nhỏ bơ vơ. “Khi còn gắng sức được, thằng Thịnh cũng cố gắng làm việc để nuôi con. Tết năm ngoái, nó còn làm dưa món gửi về quê bán. Năm nay thì hắn yếu nhiều, hay ngất xỉu nên không làm gì được nữa” - mẹ anh Thịnh nói. Những ngày cuối năm tranh thủ nắng ấm, mẹ anh Thịnh lại tranh thủ gội đầu, thay bỉm cho bệnh nhân ở khoa khác kiếm thêm ít tiền sinh hoạt trong những ngày nuôi con nằm viện.
Một mùa xuân nữa lại về, vẫn mong niềm mong ước của ông Hợi, ông Phúc, anh Thịnh và nhiều mảnh đời bệnh nhân khác nơi đây sẽ thành hiện thực; bệnh tình sẽ ổn định không chuyển biến nặng hơn. Nói như ông Trần Phước Hợi trước lúc chia tay: “Ở đây ai cũng đau đớn khổ cực, nhưng cũng cố động viên an ủi nhau gắng sống. Hàng xóm là những giường bệnh kề bên, nên có chuyện chi vui cũng kể nhau cứ như người cùng nhà để cùng nuôi hy vọng, cố gắng được ngày nào hay ngày đó”.
HUYỀN PHƯƠNG