Ghi ở Danang MRCC

XUÂN THỌ 08/02/2017 08:50

Trong nhiều lần tác nghiệp tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC), đóng trên đường Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng, người viết đã có dịp chứng kiến những câu chuyện cảm động ấm áp tình người.

Cán bộ nhân viên Danang MRCC thăm hỏi ngư dân Lê Văn Hộ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN THỌ
Cán bộ nhân viên Danang MRCC thăm hỏi ngư dân Lê Văn Hộ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Khuya ngày 2.1.2017, tôi nhận được thông tin từ Danang MRCC, rằng tàu SAR 412 của trung tâm đã tiếp cận và cứu nạn thành công 6 ngư dân Quảng Nam trong cảnh tàu sắp chìm ở phía tây quần đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng), và họ đang trên đường trở về đất liền. Trước đó, vào trưa cùng ngày, tàu cá QNa-95979 của ngư dân Lê Văn Mai (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) bị gãy trục lắp, nước tràn vào gây ngập chìm. Gần 9 giờ sáng hôm sau 3.1, tôi gặp 6 ngư dân trên tàu cá QNa-95979, khi họ được tàu SAR 412 và thủy thủ đoàn đưa về, sau một đêm vật lộn với sóng gió biển khơi. Nụ cười đã nở trên môi, nhưng đâu đấy trên những vết hằn nhọc nhằn, còn đọng những âu lo. Họ lo về một cái tết không rôm rả, vì chuyến biển thất bại.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhớ về buổi chiều ngày 5.5.2016, cũng tại cảng của Danang MRCC. Đó là một buổi chiều tương đối ồn ào bởi những tiếng khóc thét, nấc nghẹn trong nước mắt lưng tròng. Nhất là lúc 34 ngư dân trên tàu cá QNa-95959 do ngư dân Phạm Phú Thành (trú xã Bình Minh) làm thuyền trưởng bị tàu nước ngoài (chưa rõ phiên hiệu) đâm chìm ở Hoàng Sa được ứng cứu, đưa vào bờ an toàn. Những người đàn ông, bị nạn và cứu nạn, họ đã bên nhau cả hành trình dài. Để rồi trong phút giây dìu các ngư dân từ tàu SAR 412 lên cảng, mới thấy tình người càng lớn lao. Nên dễ hiểu vì sao, vào cái lúc tạm biệt để lên xe trở về địa phương sum họp với gia đình, các ngư dân và thủy thủ tàu SAR 412 đã dành cho nhau những cái ôm thật chặt, đầy xúc động.

Đó chỉ là hai trong số ít những trường hợp mà người viết được chứng kiến. Còn trên thực tế, Danang MRCC đã có hàng trăm chuyến vượt biển, kịp thời ứng cứu ngư dân bị nạn, cũng như nhiều nghĩa cử đẹp khác. Như hồi giữa tháng 4.2016, tại Bệnh viện Đà Nẵng, ngư dân Lê Văn Hộ (46 tuổi, trú xã Bình Minh) đã không khỏi xúc động trước tấm lòng của cán bộ, nhân viên Danang MRCC. Bởi trước đó, sau khi được tàu SAR 412 cứu nạn đưa về bờ an  toàn và bàn giao cho đơn vị y tế, ngư dân Lê Văn Hộ cứ nghĩ rằng nhiệm vụ của Danang MRCC đã hết. “Vậy mà không ngờ họ lại xuất hiện thêm lần nữa. Trên biển, họ đã cứu tôi một lần, và bây giờ, họ thêm một lần làm tôi xúc động. Không chỉ thăm hỏi, họ còn động viên, tặng quà để tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn” - ngư dân Hộ tâm sự.

2. Ở Danang MRCC, những câu chuyện liên quan đến người Quảng Nam rất nhiều. Ở đó, có một người Quảng luôn thường trực tâm trạng thắc thỏm mỗi khi nhận được tin tàu cá bị nạn, nhất là những tin từ tàu cá Quảng Nam. Tất nhiên, chẳng phải là sự ưu ái gì, mà đó dường như là bản năng của một con người khi chạm đến cái gì đó liên quan đến quê mình. Và ông không phải là người Quảng Nam duy nhất công tác ở trung tâm. Có điều, với vị trí của một trưởng phòng phối hợp cứu nạn, phải thường xuyên theo dõi và kết nối với ngư dân bị nạn trên biển, dễ hình dung ông trải qua những thời khắc âu lo cùng ngư dân. Ông là Nguyễn Hữu Thịnh, quê ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ông chia sẻ công việc của đơn vị mình: “Ngư dân khi bị nạn sẽ dùng các thiết bị liên lạc để gửi thông tin cần giúp đỡ về Danang MRCC, do Phòng Phối hợp cứu nạn tiếp nhận. Trực ban khi tiếp nhận sẽ xử lý những thông tin cơ bản như nơi tàu bị nạn, thời gian, thời tiết, số người trên tàu, tình trạng của người bị nạn…, yêu cầu của ngư dân về cứu nạn. Sau đó, trực ban chuyển thông tin đến các cơ quan phối hợp trong vùng như Danang Radio, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2… Đồng thời thông báo vụ việc cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, cũng như đánh giá mức độ vụ việc để có phương án đề xuất điều động phương tiện cứu nạn. Bởi có những trường hợp quá khẩn cấp hoặc trong điều kiện cho phép, phòng sẽ kêu gọi một số tàu cá hoạt động gần tàu bị nạn kịp thời ứng cứu, nhằm giảm thiểu hiểm nguy, thiệt hại cho tàu bị nạn. Trong trường hợp điều phương tiện của trung tâm, thì trong vòng 15 phút sau khi nhận lệnh, tàu của Danang MRCC sẽ xuất bến”. Theo ông Thịnh, một số thiết bị mà ngư dân sử dụng để liên lạc từ ngoài biển thì ngoài điện thoại, còn có các loại máy Icom MFHF (liên lạc tầm xa) và Icom VHF (liên lạc tầm gần).

Tàu SAR 412 cứu nạn thành công tàu của 34 ngư dân Bình Minh (Thăng Bình) bị đâm chìm ở Hoàng Sa hồi tháng 5.2016. Ảnh: XUÂN THỌ
Tàu SAR 412 cứu nạn thành công tàu của 34 ngư dân Bình Minh (Thăng Bình) bị đâm chìm ở Hoàng Sa hồi tháng 5.2016. Ảnh: XUÂN THỌ

Ông Thịnh còn cho hay, trong quá trình tàu của trung tâm xuất phát đi cứu nạn, phòng vẫn tiếp tục theo dõi, là đầu mối kết nối giữa tàu bị nạn với tàu cứu nạn cũng như các đơn vị phối hợp cứu nạn khác để cung cấp thông tin lẫn nhau, nhằm có những điều chỉnh kế hoạch tìm kiếm phù hợp, chính xác, hiệu quả. Trong lúc tàu cứu nạn trở về, phòng tiếp tục thông tin đến các cơ quan, đơn vị liên quan ở các tỉnh, thành trong khu vực để họ có kế hoạch hỗ trợ khi tàu cứu nạn cập cảng ở địa phương đó, thường chủ yếu là về y tế. Và phải đợi đến sau khi thực hiện thủ tục bàn giao, nhiệm vụ của phòng mới tạm gọi là hoàn thành. Để thường xuyên nắm bắt và duy trì thông tin, trực ban của phòng không được phép rời vị trí nếu không có người thay thế. “Thậm chí, có khi anh em đi vệ sinh phải mang theo thiết bị liên lạc để không bỏ lỡ thông tin” - ông Thịnh cho biết thêm.

3. Một lần trên tàu SAR 412, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn kể những câu chuyện xung quanh việc đi cứu nạn. Theo đó, có đến 90% số vụ cứu nạn tàu phải thực hiện trong điều kiện thời tiết xấu. Và trong những trường hợp như thế, việc tổ chức cứu nạn rất khó khăn. “Khó khăn nhất là tiếp cận tàu cá gặp nạn để đưa lực lượng cứu hộ sang. Do sóng to, gió lớn, tàu cứu nạn không thể tiếp cận trực tiếp tàu cá gặp nạn, vì như thế có thể gây nguy hiểm cho tàu cá từ tác động của sóng biển. Do đó tàu chúng tôi phải giữ khoảng cách với tàu bị nạn tầm 100m, rồi dùng súng bắn dây sang để lực lượng cứu nạn dùng ca nô nương theo dây sang cứu hộ” - thuyền trưởng Sơn nói.

Trước kia, gặp những trường hợp thời tiết quá xấu, tàu cứu nạn của trung tâm chỉ có thể tìm cách lai dắt tàu cá bị nạn vào vùng biển êm rồi mới triển khai cứu hộ cứu nạn được. Sau này, lực lượng cứu hộ cứu nạn học tập mô hình thuyền thúng truyền thống của ngư dân để cải tiến cho phù hợp với sóng to, gió lớn. Thuyền thúng được cấu tạo 2 khoang, có tác dụng làm phao nổi trong trường hợp bị sóng đánh chìm, và ngư dân, lực lượng cứu hộ vẫn bám an toàn trong khi chờ sự giúp đỡ từ tàu cứu nạn. Thuyền trưởng Sơn cho biết, kể từ năm 2009, khi mô hình cải tiến thuyền thúng đưa vào ứng dụng, nhiều vụ giải cứu ngư dân được thực hiện thành công, mà nếu dùng ca nô như trước đây thì rất khó.

Hơn 11 năm làm thuyền trưởng, vượt bao sóng gió để đến bên cạnh ngư dân lúc họ cần, ông Sơn có khá nhiều kỷ niệm, song điều vẫn mãi ám ảnh ông là chuyến biển cách đây 10 năm tại Hoàng Sa, sau khi cơn bão Chanchu đi qua. “Trong mỗi chuyến cứu nạn, khi chúng tôi đến, ngư dân mình rất mừng. Nhưng chuyến đi ấy, khi chúng tôi đến, là một thảm cảnh thê lương, tang tóc vì có quá nhiều người chết. Lúc này khá nhiều thi thể ngư dân nổi lềnh bềnh trên biển, chỉ một số được tàu cá thoát nạn vớt lên. Chuyến cứu nạn lần ấy, chẳng khác gì đi để chuyển thi thể ngư dân trở về, tất cả đều ở Quảng Nam” - thuyền trưởng Sơn rùng mình nhớ lại.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi ở Danang MRCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO