Ghi ở làng Bình Yên

ĐOÀN ĐẠO 01/09/2016 08:48

Ngược dòng Thu Bồn đến thôn Bình Yên (xã Phước Ninh, Nông Sơn) trò chuyện với người dân vùng sơn cước, chúng tôi càng thêm yêu đất và người nơi lòng chảo nhỏ với ba bên bốn bề đồi núi lô nhô…

Quá khứ hào hùng

Ông Nguyễn Văn Sanh tuổi ngoài 70, mở đầu câu chuyện về làng quê mình thời còn chiến tranh: “Ngày nào pháo cũng dội xuống làng này, cao điểm có ngày chúng dội cả trăm quả. Có lúc, cả làng chỉ còn đúng một hộ dân bám trụ, số còn lại bị địch xúc tát xuống khu dồn. Nhưng chưa bao giờ, quân và dân thôn Bình Yên bỏ đất bỏ làng”. Thời chống Pháp, trai tráng của làng theo cách mạng đi dân công hỏa tuyến. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, thanh niên thoát ly đi bộ đội. Những người còn lại bám trụ cùng lực lượng bộ đội, du kích địa phương giữ đất giữ làng. “Đau xót nhất là tháng 10.1965, làng bị đánh bom khi nhân dân trong vùng tổ chức đào địa đạo để phục vụ kháng chiến. Đào gần 2 tháng, địa đạo dài 500m bị địch phát hiện, chúng bắn pháo, đưa máy bay rải bom suốt 7 ngày đêm. Cả làng bị cày nát khiến 138 dân thường, cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Biết đây là căn cứ địa cách mạng, địch đánh phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Trước đó, trận lụt năm Thìn - 1964, cũng đã cuốn trôi 300 người ở làng này. “Giai đoạn từ 1970 - 1974, cả làng còn 16 người bám trụ, còn bao nhiêu bị địch xúc tát xuống khu dồn Khánh Bình, Xuân Hòa. Rồi cuối cùng làng chỉ còn hộ bà Nguyễn Thị Trĩ (đã mất) kiên gan bám trụ với mảnh đất quê” - ông Dương Văn Tứ, 75 tuổi, cho hay.

Một góc làng Bình Yên hôm nay.Ảnh: Đ.ĐẠO
Một góc làng Bình Yên hôm nay.Ảnh: Đ.ĐẠO

Khốc liệt là vậy nhưng người dân Bình Yên không ly quê. Hễ địch bắt xuống khu dồn ở năm bữa nửa tháng là họ tìm đường về làng bám trụ, chở che nuôi giấu cán bộ, cơ sở cách mạng. Ông Dương Văn Tứ kể chuyện: “Địch rải chất độc hóa học khiến làng không trồng nổi cây lúa, ngọn khoai. Nhưng bà con cũng ở lại để cùng bộ đội huyện, du kích địa phương đánh  địch”. Tháng 10.1964, 2 trung đội hỗn hợp Mỹ - ngụy càn lên chợ Gò Lồ, bộ đội và du kích gài mìn, bắn tỉa khiến chúng phải tháo chạy. Hay tháng 10.1967, 1 đại đội lính Mỹ càn vào đánh phá, du kích vây đánh bắn chết 2 tên Mỹ, bọn chúng ngỡ gặp phải quân chủ lực của ta nên vội rút lui. Ông Nguyễn Văn Sanh cho hay: “Năm 1964, thôn Bình Yên (lúc đó còn thuộc xã Sơn Phước, Quế Sơn) đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhì vì sự kiên trung của quân dân địa phương. Làng vẫn tự hào vì có liệt sĩ Phạm Đình Dương 3 lần được phong Dũng sĩ diệt Mỹ, liệt sĩ Trần Thọ là Dũng sĩ Điện Ngọc”. Chiến tranh đi qua, 90 người con của làng Bình Yên đã nằm xuống vĩnh viễn, gần 100 người để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Và cả thôn có đến 20 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Điện hạ thế được kéo về thôn Bình Yên.
Điện hạ thế được kéo về thôn Bình Yên.

Chung tay xây dựng

Sau ngày quê hương giải phóng, người dân Bình Yên từ các nơi lại trở về quê làm ăn sinh sống, tổng cộng 113 hộ. Khi đó, Chi bộ Bình Yên có 3 đảng viên do ông Nguyễn Văn Sanh làm Bí thư. Tất cả làm lại từ con số không vì cả làng bị đạn bom tàn phá tan hoang. Chi bộ vận động bà con mở đường, khai hoang, trồng rau màu để ổn định cuộc sống. Nhờ đó mà có các trục đường chính dân sinh như bây giờ và cả đường ra các cánh đồng. Đến năm 1980, chúng tôi vỡ hoang được 100ha đất gò đồi, 30ha đất ruộng. Hồi đó, nhìn các cánh đồng Khe Lươn, Bến Hát, Đồng Trại, Đồng Cẩm lúa khoai  tươi tốt, mọi người đều mừng vui phấn khởi” - ông Nguyễn Văn Sanh nhớ lại. Cũng năm 1980, hồ chứa Bà Đập được hoàn thành nhờ sự đồng lòng của toàn dân. Cuộc sống người dân dần khấm khá. Trong thôn có lò gạch, chi bộ họp và thống nhất kêu gọi nhân dân đóng góp để mua gạch xây trường học cho con em mình. Ai cũng bán dầu phụng, bán sắn… góp tiền. Rồi nhà nào cũng góp công xây dựng trường cấp 1, 2 để con em học hành. “Lúc bấy giờ Bình Yên nhất xã khi có 4 phòng học xây gạch, lợp ngói khang trang. Ngoài ra, Bình Yên còn là thôn đầu tiên có nhà sinh hoạt thôn rộng gần 100m2 tường xây vững chắc” - ông Nguyễn Văn Sanh cho biết.

Từ 3 đảng viên, đến nay Chi bộ thôn Bình Yên đã phát triển lên 30 đảng viên và là chi bộ vững mạnh ở Phước Ninh. Đầu năm 2016, tuyến đường ĐH 610 được mở ra, có 47 hộ bị ảnh hưởng. Chi bộ thôn và Ban quân dân chính thôn vận động cán bộ đảng viên làm gương hiến đất làm đường để người dân noi theo. Đảng viên Nguyễn Văn Thắng không nề hà đập dỡ ngay gần 20m tường rào và hiến thêm đất để mở đường. “Làm lại đoạn tường rào của nhà hết gần 12 triệu đồng nhưng tôi vẫn vui vì mình có gương mẫu thì bà con mới nghe theo để đường được bê tông cho đẹp làng, đẹp xóm. Ở đây, bao thế hệ đảng viên cao tuổi luôn thể hiện sự gương mẫu, có trách nhiệm cao thì những lớp đi sau như chúng tôi phải tiếp nối mạch truyền thống này” - đảng viên Nguyễn Văn Thắng tự hào nói. Bí thư Chi bộ thôn Bình Yên Trương Thế Tài, cho biết, nhờ có đảng viên làm gương nên các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước luôn được người dân đồng tình ủng hộ khi triển khai thực hiện. Chính vậy mà quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chi bộ, luôn tích cực tham gia các phong trào, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Khởi sắc Bình Yên

Về Bình Yên hôm nay, khi chiều buông trên thung lũng bên sông Thu Bồn mang theo chút sương lạnh miền rừng núi, tiếng loa truyền thanh vang lên khắp làng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Trưởng thôn Bình Yên - ông Bùi Thanh Long mỉm cười: “Đó là chương trình tuyên truyền pháp luật của thôn đó, mở theo định kỳ hằng tuần để tuyên truyền các văn bản luật. Thôn đầu tư mua máy vi tính, bộ tăng âm và gần chục chiếc loa phóng thanh. Đều đặn, chúng tôi mở các chương trình thu âm về pháp luật phát vào buổi chiều để bà con nghe. Nhờ đó mà sự hiểu biết pháp luật của bà con được nâng lên, hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật”. Dẫn chúng tôi dạo quanh thôn Bình Yên, ông Bùi Thanh Long nói: “Tôi nghĩ Bình Yên là số ít thôn ở miền núi có điện đường bao phủ cả thôn. Từ sự hỗ trợ của Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, năm 2000 nhân dân dựng trụ điện, mua bóng đèn về thắp sáng đường quê. Rồi cùng nhau góp tiền để thắp sáng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối. Nhờ vậy mà tránh được nguy cơ về tai nạn giao thông cũng như bảo vệ an ninh trật tự”…

Ông Long bảo, thôn Bình Yên có hơn 98% gia đình văn hóa và có đến 70% số hộ được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền, từ năm 2013 - 2016 không có trường hợp sinh con thứ 3. Đặc biệt, thôn đã duy trì được Ban khuyến học suốt 6 năm qua để hỗ trợ con em trong thôn. Mỗi năm, chúng tôi cấp khoảng gần 50 suất học bổng để khuyến khích các cháu có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ các mặt phong trào đều mạnh, xã Phước Ninh đã chọn thôn Bình Yên làm điểm để xây dựng khu dân cư nông thôn mới điển hình. Đến nay, 85% đường liên thôn liên xóm, hơn 1.300m đường giao thông nội đồng đã được bê tông và 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Có 200 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng… Ông Long tâm sự: “Cả thôn có 300 hộ với 1.080 nhân khẩu thì 50% là hộ nghèo vì đất đai canh tác làm ăn ít quá. Cả thôn chỉ chủ động được khoảng 10ha ruộng, còn lại phụ thuộc vào nước trời. Bình quân mỗi hộ chỉ có một sào lúa làm sao khá lên được. Nội lực trong nhân dân có hạn nên việc xây dựng nông thôn mới sẽ gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện vì đó là ý nguyện của nhân dân…”.

Đêm Bình Yên yên bình tĩnh lặng. Và chúng tôi tin rằng, bằng sự đồng thuận của người dân vùng quê sơn cước này sẽ khởi sắc hơn…

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi ở làng Bình Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO