Ghi ở "thủ phủ vàng"

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG 18/05/2015 09:19

Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác vàng trái phép lại bùng phát ở huyện Phước Sơn. Điều đáng nói là việc khai thác diễn ra công khai nhưng chính quyền địa phương lại gặp quá nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn.

Bãi khai thác vàng trái phép tại thôn 8, xã Phước Hiệp tàn phá cả một khúc suối trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề can thiệp.
Bãi khai thác vàng trái phép tại thôn 8, xã Phước Hiệp tàn phá cả một khúc suối trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề can thiệp.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi thâm nhập các bãi vàng thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn - nơi có 4 công ty đang trong quá trình chờ cấp lại giấy phép khai thác. Vừa đặt chân tới quán nước đầu ngõ vào thôn 8, có 2 người xe ôm chực sẵn bảo: “Hai anh nhà báo hả? Anh cần thuê xe ôm để vào bãi phải không?”. Chưa kịp nói gì thì anh chàng xe ôm tiếp lời: “Anh N. nói với tụi em rồi, có 2 anh nhà báo chuẩn bị vào bãi, cứ chờ đó rồi chở các anh vào…”. Đến lúc này, mới tin được câu đùa của anh bạn đồng nghiệp từng nói, khi lên Phước Sơn, ngồi ở quán nước nào, hút bao nhiêu điếu thuốc, bọn họ đã biết rồi, đừng nghĩ có thể đột nhập bất ngờ được, quên đi!

Cảm giác háo hức lúc ban đầu có tan đi, thay bằng sự nặng nề, bất giác như có rất nhiều cặp mắt đang chằm chằm phía sau gáy. Uống vội ly nước, chúng tôi lên xe với giá 600 nghìn đồng một chuyến xe ôm khứ hồi. Xe nẹt ống bô khét lẹt lao vào giữa những đá hộc và suối để tới bãi vàng.

Đi được chừng 6 cây số, ngay bên con đường mòn là một đại công trường khai thác vàng trái phép đang diễn ra. Dù đã rút bớt người, dừng bớt hoạt động nhưng còn lại chiếc xe múc vẫn đang mố những hục đất sâu hoắm. Nguyên cả dòng suối đã bị biến dạng hoàn toàn. Lòng suối bị múc lởm chởm những hố sâu cả vài mét. Đất đá ngổn ngang. Thoáng thấy người lạ, những người này cho máy nghỉ, nhìn đầy dò xét. Hỏi gì họ cũng phớt lờ, không nói, chỉ bảo mình là người được thuê làm công, thuê đâu đào đó thôi. Anh chàng xe ôm Sáu Thuận rỉ tai: “Nghe bảo đây là bãi vàng của hai người tên là Oanh và Hùng, làm khá lâu rồi. Giờ còn ít đấy, chứ trước đây có nhiều chiếc xe múc”.

Giàn máng gỗ tuyển quặng vàng ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn. Ảnh: N.D
Giàn máng gỗ tuyển quặng vàng ở “thủ phủ vàng” Phước Sơn. Ảnh: N.D

Không biết bãi vàng này hoạt động trong bao lâu, nhưng nhìn vào con suối đã bị tàn phá tan hoang cũng có thể áng chừng được thời gian hoạt động của bãi này. Điều đáng nói là bãi vàng cách không xa trụ sở của UBND xã nhưng không hề có dấu hiệu nào của cơ quan chức năng tới kiểm soát. Hỏi ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, ông cho biết, huyện chưa nhận được thông tin gì về bãi vàng trái phép này. Nếu như đúng theo lời của phóng viên vừa phản ánh, nhất định có sự “bảo kê” của chính quyền xã để doanh nghiệp vào làm vàng trái phép! “Vào thôn 8 chỉ có con đường độc đạo. Để đưa máy móc vào hoạt động với quy mô như thế, chính quyền xã không thể không biết. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và làm việc với UBND xã Phước Hiệp để làm rõ điều này” - ông Hà cho biết.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi vào đến bãi vàng của 4 công ty: SSG, Hữu Minh, Nam Mai, Ngọc Lĩnh đang khai thác. Trong đó, 3 công ty SSG, Hữu Minh và Ngọc Lĩnh đã hết hạn khai thác và đang chờ làm thủ tục để gia hạn giấy phép. Không ồn ào, náo nhiệt như thời gian trước, nhưng đâu đó vẫn còn tiếng máy xay xát quặng vọng giữa rừng già. Đại diện Công ty TNHH Hữu Minh thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi, từ khi hết phép khai thác, công ty đã rút hầu hết công nhân ra ngoài, chỉ còn giữ lại một số người để trông coi máy móc, lán trại. “Nói thiệt là lâu lâu chúng tôi có xay quặng, đãi vàng, nhưng ít lắm, chủ yếu là để giữ cho máy móc khỏi gỉ sắt, và kiếm thêm ít tiền lương nuôi anh em trông coi máy móc thôi. Chứ khi giấy phép hết hạn, không được cấp thuốc nổ, không cách gì để khai thác mới được nữa…” - lãnh đạo Công ty Hữu Minh cho biết.

Theo vị lãnh đạo này, việc bám trụ ở đây cũng chỉ là cố đấm ăn xôi, bởi đã bỏ ra quá nhiều tiền để đầu tư vào máy móc, thiết bị, giờ bỏ thì lỗ nặng. “Thủ tục chờ gia hạn giấy phép khai thác là phải đánh giá lại trữ lượng, nói chung là làm tất cả lại từ đầu. Giờ ai cũng cố bám trụ thôi, chứ cũng mơ hồ. Không biết trữ lượng vàng còn bao nhiêu, nhưng đã đổ vào cả núi tiền rồi thì cố gắng trụ lại. Qua cuộc này, chắc sẽ có vài anh “bật bãi” thôi…” - vị lãnh đạo này nói.

Chưa biết đến khi nào các công ty này được gia hạn giấy phép khai thác, nhưng công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ môi trường nơi đây đang bị buông lỏng. Nhiều công ty xả thải trực tiếp ra suối gây ô nhiễm nặng, trong khi đó hệ thống bể lắng, lọc có sẵn nhưng lại… bỏ không.

Gọi Phước Sơn là “thủ phủ vàng” không hề sai. Đây là nơi tập trung nhiều bãi, các công ty khai thác vàng nhiều nhất cả tỉnh. Điều chúng tôi ghi nhận được sau ba ngày len lỏi tại các bãi vàng Phước Sơn chính là các doanh nghiệp có phép hay trái phép đều biến những bãi của mình thành thủ phủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Những cánh cổng được dựng lên, ngăn chặn mọi nỗ lực tiếp xúc của người ở bên ngoài.
Những cánh cổng được dựng lên, ngăn chặn mọi nỗ lực tiếp xúc của người ở bên ngoài.

Với những kinh nghiệm học được từ cánh xe ôm bãi vàng, chúng tôi thuê một chiếc xe Win đặc chủng tự đi vào các bãi vàng. Trầy trật lắm mới vào được bãi khe Tăng, xã Phước Thành, nơi Công ty TNHH Phước Minh đang khai thác, nhưng chúng tôi bị chặn lại bởi một trạm gác được dựng kiên cố. Thấy người lạ, hai người gác cổng hất hàm hỏi: “Các anh đi đâu? Ở đây không cho người lạ vào đâu”. Đứng ngoài cổng gỗ được dựng cao ngất, chúng tôi hỏi vọng vào: “Đây không phải là khu vực quân sự hay công trình quốc phòng gì, tại sao lại dựng barie không cho người vào? Vậy người dân đi làm rẫy, thu hoạch rừng quế thì làm sao?”. Đáp lại là sự lạnh lùng, cộc lốc: “Không biết, chủ nói sao làm vậy thôi. Đừng nói nhiều. Chính quyền vào cũng phải có sự đồng ý của chủ thì mới vào được”.

Đó cũng là tình trạng chung mà chúng tôi gặp phải khi tiếp cận các bãi vàng của Công ty TNHH Trường Sơn hay bãi 39 ở xã Phước Hòa, bãi 45 Phước Đức. Tất cả đều có cổng gác nghiêm ngặt.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cũng lắc đầu về việc này, bởi một khi đã bàn giao đất cho người ta thì đó đã là nhà của họ, muốn ra vào cũng phải có sự đồng ý của họ mới được. Khi phóng viên hỏi: “Nếu nói như vậy, chính quyền địa phương muốn vào kiểm tra việc khai thác, nhân công lao động có đúng với đăng ký hay không, nói chung là kiểm tra đột xuất cũng không được hay sao?” thì ông Hà thẳng thắn thừa nhận là không thể.

“Nhiều lần huyện đã tổ chức đi kiểm tra người lao động tại các bãi vàng trên địa bàn có sử dụng trẻ vị thành niên hay không nhưng vẫn không thể bắt được dù biết là có tình trạng này. Khi đi kiểm tra, mình phải thông báo với họ để mở cổng, lên tới nơi thì số lao động này đã được đưa vào rừng hoặc vào hầm rồi, chịu chết. Kiểm tra số lao động có mặt tại đó, ai cũng đúng với đăng ký lao động nên không cách gì bắt được…” - ông Hà cho biết.

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ghi ở "thủ phủ vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO