Từ 1.3, trong đơn thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 52/2-17/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Nhi Quảng Nam, bệnh viện chưa triển khai thực hiện quy định nêu trên (do quy định này áp dụng từ ngày 1.3) nên không lường được tính khả thi của nội dung Thông tư số 52. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng trên thực tế, nếu phát sinh bất cập, đơn vị sẽ kiến nghị lên cấp trên, đề nghị sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn. Bác sĩ Thoại cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào, quan trọng nhất là tiếp nhận, điều trị cho trẻ kịp thời, còn giấy tờ của bố mẹ hoặc người giám hộ, có thể bổ sung sau, theo quy định của Bộ Y tế. Bởi lẽ, có trường hợp khi đưa con đi viện, bố mẹ chỉ kịp mang theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của trẻ, quên hoặc không mang theo chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; hoặc có những trường hợp người đưa trẻ đi viện không phải là người giám hộ hoặc bố mẹ của trẻ, thì bác sĩ vẫn phải lo điều trị cho trẻ trước.
Cũng theo Thông tư 52, cơ sở bán lẻ thuốc phải lưu bản chính hoặc bản sao đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc lưu thông tin về đơn có kê thuốc kháng sinh, kháng virus, gồm: tên, địa chỉ cơ sở khám, chữa bệnh; tên người kê đơn, người bệnh; tên thuốc… trong vòng 1 năm. Đối với thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất không dùng hoặc sử dụng không hết phải trả lại cho nơi đã cấp hoặc bán thuốc. |
Bác sĩ Thoại nêu ý kiến, quy định về nguyên tắc cũng như yêu cầu viết đơn thuốc liên quan đến yếu tố chuyên môn để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân là cần thiết; còn nếu chỉ là quy định về mặt hành chính, gây phiền hà cho bệnh nhân thì không nên. “Nếu cần, có thể yêu cầu thêm số điện thoại của người nhà bệnh nhân trong đơn thuốc, có thể phù hợp hơn quy định thêm số chứng minh nhân dân” - bác sĩ Nguyễn Đình Thoại nói. Đồng quan điểm với bác sĩ Thoại, bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cũng cho rằng, quy định nêu trên tại Thông tư 52 của Bộ Y tế là không cần thiết. Để bác sĩ tiện liên hệ, hoặc dặn dò, hướng dẫn thêm cho người nhà bệnh nhân, có thể yêu cầu bổ sung số điện thoại là đủ.
Theo một cán bộ của Bệnh viện Nhi Quảng Nam, Bộ Y tế đặt ra quy định nêu trên có lẽ lo ngại tình trạng người này đưa con của người khác đi khám chữa bệnh, nhất là đối với những trường hợp quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm y tế của trẻ khác nhau. Trong khi đó, quy định nêu trên không ảnh hưởng đến chính sách BHYT của ngành bảo hiểm xã hội, vì tất cả trẻ em dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn với quy định mới của Bộ Y tế vì trong lúc con đau ốm, có thể vì lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mà quên đem theo giấy tờ tùy thân của cha mẹ. Nếu trường hợp nhà ở xa cơ sở khám chữa bệnh, việc bổ sung giấy tờ càng gặp khó khăn hơn...
CHÂU NỮ