Giá cả thị trường diễn biến phức tạp sau lũ

08/11/2017 15:11

(QNO) - Sáng nay 8.11, nhóm PV Báo Quảng Nam online đã khảo sát tình hình giá cả tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo đó, tất cả mức giá của các loại thực phẩm, vật liệu xây dựng đều tăng cao so với ngày thường.

Gia rau củ ở các địa phương đều tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường do nguồn cung cạn kiệt. Ảnh: MINH HẢI
Gia rau củ ở các địa phương đều tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường do nguồn cung cạn kiệt. Ảnh: MINH HẢI

* Sau nhiều ngày ngập lũ, trên địa bàn TP.Hội An toàn bộ diện tích rau màu đã bị thiệt hại. Ghi nhận tại làng rau Trà Quế, toàn bộ rau các loại bị chết rục. Chính vì vậy, nguồn rau cung cấp cho các chợ bị đứt đoạn. Tại chợ Hội An, giá cả thực phẩm có biến động. Các mặt hàng rau xanh đều tăng giá gấp đôi so với ngày thường. Cụ thể, 1kg su hào bình thường chỉ 10 nghìn đồng, nay đã tăng lên 22 nghìn đồng; 1 bó rau muống nay có giá 10 nghìn đồng, cao gấp đôi ngày thường.

Tuy bị thiệt hại nhiều, nhưng các tiểu thương hàng rau tại Hội An đã chủ động tìm nguồn cung cấp từ các nơi khác như Đà Lạt, Gia Lai để đáp ứng nhu cầu cho thị trường. Chị Nguyễn Thị Vân - một tiểu thương cung cấp rau cho biết: “Ở Hội An, ngoài việc bán lẻ cho người dân thì rau còn cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn với lượng lớn. Vì vậy, để giữ mối mình phải đáp ứng đầy đủ”.

Nhiều người tiêu dùng lựa chọn việc mua các loại thực phẩm là trứng gia cầm để ít bị ảnh hướng bởi tình trạng tăng giá. Ảnh: MINH HẢI
Nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm là trứng gia cầm để ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng giá. Ảnh: MINH HẢI

Trong khi đó các mặt hàng khác như thịt gia cầm, gia súc chỉ tăng nhẹ. “Bình thường thịt heo ba chỉ có giá 70 nghìn đồng/kg, nay tăng lên 80 - 100 nghìn đồng” - chị Huỳnh Thị Lợi, người bán thịt heo tại chợ Hội An cho biết. Chỉ có thịt gà và các loại trứng gia cầm là bình ổn giá, có một số điểm tăng nhẹ không đáng kể. Mặt khác, những ngày qua, do thời tiết xấu, việc thiếu hụt nguồn cá biển nên thị trường cá, tôm, cua sông trở nên đắt đỏ với mức giá tăng gấp 1,5 lần so với thường ngày. (MINH QUÂN)

* Ghi nhận tại chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên) sáng nay, nhiều khách hàng lắc đầu ngán ngẩm với mức giá của các loại rau. Bà Huỳnh Thị Hiền (ở khối phố Long Xuyên 3, thị trấn Nam Phước) chia sẻ: “Bình thường, gia đình tôi phải ăn 2 - 3 loại rau củ, vì đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà giá cả lại vừa phải. Thế nhưng, sáng nay lại các quầy bán rau mà bất ngờ, nhiều mặt hàng tăng lên gấp 2, thậm chí là gấp 3 ngày thường”. Theo khảo sát, 1 bó rau tần ô bình thường có giá khoảng 6.000 đồng, nay đã lên đến 12 nghìn đồng, thậm chí có quầy bán tới 15 nghìn đồng.

Dù đắc đỏ nhưng mặt hàng rau, củ quả vẫn tấp nập người mua. Ảnh: MINH HẢI
Dù đắt đỏ nhưng mặt hàng rau, củ quả vẫn tấp nập người mua. Ảnh: PHAN VINH

Bà Nguyễn Thị Luận, một tiểu thương bán rau ở chợ Nam Phước cho biết: “Nguồn cung tại chỗ ở huyện Duy Xuyên đến nay chỉ còn rất ít. Các chuyến xe rau chở từ Đà Lạt chủ yếu cung cấp cho các tỉnh Nam Trung Bộ, chúng tôi phải cam kết chịu phí vận chuyển và lấy rau với số lượng lớn thì họ mới cung cấp hàng. Giá lên như thế này là chuyện bình thường”.

Ở những quầy hải sản, các loại cá, tôm chủ yếu là hàng đông lạnh với mức giá thấp nhưng cũng ít người mua. Trong khi đó các loại thực phẩm sông và thịt gia súc, gia cầm được bày bán nhiều với giá ổn định.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết: “Chúng tôi đang đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp các tiểu thương, đại lý cố gắng bình ổn mức giá. Đặc biệt, đối với mặt hàng vật liệu xây dựng, do mưa lũ, đã có nhiều nhà bị hư hại nên nhu cầu đối với các mặt hàng như lưới B40, ngói, xi măng... tăng, vì vậy giá cả có nhích nhẹ”. (PHAN VINH)

* Một tiểu thương ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho hay: “Trước đợt lụt, khi mua rau húng tại vườn của nông dân giá 30- 35 nghìn đồng/kg thì hôm nay là 60 nghìn/kg. Vì thế nên giá bán ở chợ phải tăng theo, chứ nếu không thì không có lời.” Trận mưa lụt vừa qua, hầu hết các cánh đồng rau ở các xã cánh đông của huyện Thăng Bình đều ngập sâu trong nước nên sau lụt, rau trở nên khan hiếm. Tại chợ Hà Lam, các mặt hàng rau, củ quả đều tăng giá 10 - 15 nghìn đồng/kg, nếu tính theo bó thì tăng 5 - 10 nghìn đồng/bó. Riêng các loại gia vị như hành, tỏi tăng 10 - 20 nghìn đồng/kg, nguyên nhân là do hàng từ các nơi nhập về rất ít.

Nhiều khách hàng phàn nàn về mức giá rau, củ quả nhưng vẫn phải mua. Ảnh: THU SƯƠNG
Nhiều khách hàng phàn nàn về mức giá rau, củ quả nhưng vẫn phải mua. Ảnh: THU SƯƠNG

Trong khi các mặt hàng có sự biến động thì giá thịt vẫn không thay đổi. Tại cửa hàng thực phẩm Hà Lam, giá bán ra thịt heo ba chỉ là 80 nghìn đồng/kg. Chủ cửa hàng cho hay, vì rau đắt nên người dân chuyển qua mua thịt, xương. (THU SƯƠNG)

* Tại TP.Tam Kỳ, địa phương chịu ảnh hưởng tương đối nhẹ trong đợt mưa lũ vừa rồi nhưng giá cả các mặt hàng thực phẩm vẫn tăng. Tuy nhiên, người dân lại chọn việc mua hàng ở hệ thống siêu thị Co.opMart để có mức giá và chất lượng hàng ổn định. Chị Lê Châu (khối phố Phương Hòa Nam, phường Hòa Thuận) cho biết, ở Co.opMart Tam Kỳ các loại rau, củ quả do có nguồn cung ổn định nên mức giá vẫn bình thường. Đặc biệt, hệ thống siêu thị này còn có chương trình chia sẻ với người dân vùng lũ nên giá thịt gia cầm, gia súc đã được hạ xuống khoảng 5 - 10 nghìn đồng/kg. (PHAN VINH)

Tại siêu thị Coopmart, mặt hàng tươi sống đươc nhiều khách hàng chọn lựa mua vì giá cả ổn định. Ảnh: PHAN VINH
Tại Co.opMart Tam Kỳ, mặt hàng tươi sống đươc nhiều khách hàng chọn lựa mua vì giá cả ổn định. Ảnh: PHAN VINH

* Tại huyện miền núi Nông Sơn, nơi bị mưa lũ chia cắt và cô lập trong những ngày vừa qua, việc vận chuyển lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn nên giá cả các loại đều tăng cao, gấp 2 - 3 lần bình thường.

Cụ thể, xà lách có giá 50 - 60 nghìn đồng/kg, giá ngày thường là 30 nghìn đồng/kg; rau muống 12 - 15 nghìn đồng/bó, giá ngày thường 5.000 đồng/bó; rau lang 8 - 10 nghìn đồng/kẹp, bình thường có giá 3.000 đồng/kẹp… Các loại thịt, cá giá tăng nhẹ so với thường ngày.

Theo, ông Đoàn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam, hiện tại, đơn vị đang đi các địa phương để kiểm tra và theo dõi tình hình.

“Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra nhưng vẫn cắt cử lực lượng, đặc biệt là chỉ đạo cho các Ban quản lý chợ tiến hành theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt về giá cả cũng như chất lượng thực phẩm bán ra. Đề phòng tối đa việc tuồng các loại hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào các chợ trong vùng vừa bị ngập lũ” - ông Sơn cho biết thêm. (PHAN VINH)

Về nguyên nhân giá tăng cao, một tiểu thương ở chợ Trung Phước chia sẻ: “Do mưa lũ lớn khiến cho các loại rau củ của người dân dập nát, ngập úng gây hư hại nặng. Không có đủ rau cung cấp cho thị trường nên mới đẩy giá tăng 2 - 3 lần so với ngày thường. Giá tăng cao nên rất khó bán, nhiều người yêu cầu bớt giá nhưng chúng tôi thu mua vào giá đã vậy rồi nên không được”.

Trong khi đó cá đồng, cá nước ngọt, sản phẩm mùa lũ lại có giá rẻ hơn thường lệ do người dân đánh bắt được nhiều. (TÂM LÊ - THU PHƯƠNG)

* Sáng 8.11, sau khi nước rút, chợ Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) bắt đầu đông trở lại bình thường. Nhìn chung, các nhóm mặt hàng rau, thực phẩm không đa dạng, phong phú như ngày thường bởi nguồn cung có phần khan hiếm, chủ yếu từ Gia Lai về. Chị Huỳnh Thị Thủy, tiểu thương chợ Ái Nghĩa cho hay, hầu hết các mặt hàng rau, la ghim ở chợ đều tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường. Ví như, dưa leo thời điểm này lên tới 25 nghìn đồng/kg, tăng 10 nghìn đồng/kg so với ngày thường; khổ qua từ 15 nghìn đồng/kg, nay lên 20 nghìn đồng/kg ở giá mua vào; bầu bí tăng 10 nghìn đồng/kg; hành lá, hành củ đều tăng lên 45 nghìn đồng/kg, gấp đôi so với trước lũ…

Dù đã mở bán lại, nhưng ghi nhận tại chợ Ái Nghĩa, sức mua của người nhân vẫn còn thấp. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Dù đã mở bán lại, nhưng ghi nhận tại chợ Ái Nghĩa, sức mua của người nhân vẫn còn thấp. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trong khi các mặt hàng rau, la ghim đều tăng cao so với thời điểm trước lũ thì nhìn chung, nhóm mặt hàng thịt, cá tươi, mực các loại chỉ nhỉnh hơn so với ngày thường tầm 5 - 10 nghìn đồng/kg. Một tiểu thương cho hay, nguồn cung các mặt hàng thủy hải sản tươi sống như cá tươi, tôm, mực… thời điểm sau lũ thường rất khó khăn do đường tắt, song nhìn chung đợt này không khó khăn nên giá cả không nhỉnh so với ngày thường. Ngày 7 và 8.11, do các ngã đường từ Đà Nẵng, Hội An lên đã thông nên nguồn cung đã ổn định. Riêng nhóm mặt hàng lương thực, trái cây các loại giá cả thời điểm này không tăng so với ngày thường. (HOÀNG LIÊN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá cả thị trường diễn biến phức tạp sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO