Gia cầm rớt giá vì dịch

LÊ QUÂN - THỤC ANH 01/03/2014 15:49

Giá gia cầm liên tục giảm từ sau tết đến nay khiến không ít người chăn nuôi, nông dân khốn đốn. Người tiêu dùng e ngại thịt gia cầm từ những thông tin dịch cúm, nên mặc dù giá giảm, sức mua vẫn không cao.

Sức mua giảm

Dạo một vòng quanh các khu vực chợ gia cầm tại một số địa phương như Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những khu vực này vốn dĩ từng rất nhộn nhịp trước tết, giờ đìu hiu vì người mua rất ít. Bà Nguyễn Thị Bốn chuyên bán gà tại khu vực chợ Hòa Hương, lắc đầu ngao ngán: “Người mua sợ gà bị nhiễm cúm gia cầm, nên ngại. Trong khi tui chuyên buôn bán gà nhà, thấy con nào có dấu hiệu dịch là đâu có dám bán. Vậy nhưng từ mùng 9 tháng giêng đến nay, sức mua giảm hẳn, giá cũng sụt thê thảm”. Từ 120 - 150 nghìn đồng/kg thịt gia cầm, hiện nay chỉ còn khoảng 80 - 90 nghìn đồng/kg khiến không ít người chăn nuôi lâm vào cảnh “bán thì lỗ mà nuôi lại thiệt”. Người nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều lỗ nhiều. Thậm chí ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán, rất nhiều hộ chăn nuôi phải ngậm ngùi bán giá rẻ cho thương lái tại các chợ, hoặc phải mang vứt cả đàn gà. Bà Nguyễn Thị Bảy (Quế Trung, Nông Sơn) cho hay, trước tết, hơn 5 - 6 hộ cùng xóm với bà đã phải vứt bỏ 15 - 16 con gà, bởi dịch cúm. “Bán thì tuyệt đối không rồi, còn để lại gia đình ăn thì không dám. Nhà nào ở quê cũng nuôi gần hai chục con gà, tết được giá thì bán, không thì để lại cho con cháu về ăn tết, cuối cùng thì trắng tay” - bà Bảy nói. Tuy trước tết, không địa phương nào công bố dịch cúm gia cầm bùng phát, do theo quy định, phải 3 xã trên 1 huyện, 3 huyện trong tỉnh có ổ dịch mới công bố, nhưng trên thực tế, ở các địa phương đều rải rác các hộ phải tiêu hủy cả đàn gà nuôi của mình.

Mặc dù được người bán tư vấn và cam kết về nguồn gốc của gia cầm, nhưng người mua vẫn lưỡng lự.  Ảnh: Lê Quân
Mặc dù được người bán tư vấn và cam kết về nguồn gốc của gia cầm, nhưng người mua vẫn lưỡng lự. Ảnh: Lê Quân

Ngay cả những người chuyên kinh doanh thịt gia cầm làm sẵn tại các chợ cũng phải chịu cảnh đìu hiu như những người bán gia cầm sống. Bà Nguyễn Thị Chí, chuyên bán thịt gia cầm tại khu vực chợ phường An Mỹ, thời điểm này các năm, bà phải luôn tay luôn chân mới đủ thịt gà cung cấp cho bạn hàng và người tiêu dùng. Nhưng năm nay, sau khi bán mở hàng vào mùng 9, nhận thấy người mua đang “né” thịt gia cầm, bà đành phải nghỉ bán vài hôm. Nhận định về việc giá gà giảm mạnh như vậy từ trước tết đến nay, những người chăn nuôi gà lý giải, do thời tiết thất thường khiến gà mắc một số bệnh. Lo sợ gà bị bệnh, chết nên các hộ chăn nuôi đem bán ra ồ ạt. Thêm nữa, các thương lái ép giá người chăn nuôi khi có thông tin dịch trên gia cầm. Trong khi đó, người tiêu dùng hiện nay cũng không còn mấy mặn mà với thịt gia cầm.

Người tiêu dùng e ngại

Ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nói: “Ngay khi có thông tin về dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn tỉnh, chi cục đã ra một số thông báo, văn bản hướng dẫn cũng như tăng cường thêm lực lượng để kiểm tra, kiểm soát thị trường, hạn chế rủi ro, thiệt hại đáng tiếc do dịch cúm gây ra”.

Tâm lý người tiêu dùng khi có thông tin về dịch cúm gia cầm thường e ngại sử dụng nguyên liệu thịt gia cầm. “Cẩn trọng là chắc nhất. Cả gia đình từ sau tết đến nay ngưng hẳn việc ăn thịt gà do lo sợ có mầm bệnh” - chị Trần Thanh Thảo (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ) cho hay… Lo sợ gia cầm ở chợ không rõ nguồn gốc, dẫn đến việc tiêu thụ trứng gà cũng hạn chế. Giá trứng gà đã bắt đầu có dấu hiệu giảm mạnh từ những thông tin không chính thống và không rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Bổng - bán trứng gia cầm chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ, cho hay: “Mọi khi người tiêu dùng thoải mái trả thêm 500 - 1.000 đồng để mua được quả trứng khi biết chắc chắn là trứng gà nhà. Từ khi có thông tin, số lượng trứng bán ra mỗi ngày sụt hẳn mà cũng không còn được giá như trước nữa. Dù là trứng gà nhà nuôi cũng không nhiều người quan tâm”. Tình hình tiêu thụ gia cầm sa sút hẳn từ khi các phương tiện truyền thông công bố thông tin dịch bệnh. Ngay tại những trang trại chăn nuôi gà tại xã Quế Châu (Quế Sơn), Thăng Bình, Núi Thành vẫn phải chịu chung cảnh gia cầm rớt giá thê thảm. Thìt gà rớt giá, nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn không giảm khiến người nuôi rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Điều người tiêu dùng cần nhất hiện nay là sự minh bạch trong công tác quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Khá nhiều bà nội trợ đều cho rằng, họ sẵn sàng trả giá cao để được bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Cũng như người chăn nuôi, họ chấp nhận thêm một khoản chi phí để được kiểm định chất lượng, hạn chế thương lái vin vào cớ “dịch đang lan tràn, người chăn nuôi hoặc bán giá thấp hoặc không được gì cả” để ép giá. Thế nên hơn bao giờ hết, các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, Sở NN&PTNT, Sở Y tế… cần phối hợp để khoanh vùng, thông tin minh bạch về những cơ sở giết mổ an toàn, những khu vực không nhiễm dịch. Có như thế, may ra, giá gia cầm mới có thể phục hồi, người chăn nuôi không phải chịu cảnh ngồi trên đống lửa còn người tiêu dùng mới có thể yên tâm về chất lượng thực phẩm mình sử dụng.

LÊ QUÂN - THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia cầm rớt giá vì dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO