Lâu, giở Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đọc lại rồi… cười một mình. Tác phẩm hư cấu, xuất bản từ thế kỷ 16, treo lên vách đời bao liên tưởng mà mấy trăm năm vẫn còn như mới.
Hoạt kê thay, chuyện nhà sư cũng bị giả(!) Yêu quái đã biến hóa thành vị Đường Tăng giả, khiến cho con mắt thấu suốt hình ảnh thật của Tề Thiên Đại Thánh cũng… loạn thị. Bằng trí thông minh Tôn Ngộ Không đã bày cuộc để hai vị sư phụ (thật và giả) niệm chú. Câu niệm chú không linh ứng đã làm lộ chân tướng kẻ giả danh, giả tướng. Và, ngay vị đồ đệ thần thông này cũng có lúc tự giả với những cái tên Tôn Hành Giả, Giả Hành Tôn, Hành Giả Tôn để lừa bọn yêu quái.
Cười và buồn thay, có người đi tu mà không gội rửa hết lòng tham si.Vị hòa thượng ở chùa Quan Âm ở gần núi Hắc Phong có tới 700 chiếc áo cà sa, đựng trong 12 chiếc tủ và thường hay diện. Vậy mà khi thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không ghé vào thắp hương, xin nghỉ chân, biết được Đường Tam Tạng có áo cà sa quý, vẫn nổi lòng tham, bày trò chiếm đoạt.
Cái cười của cổ nhân thật thâm ý, tưởng còn phảng phất đâu đây.
Ấy là liên tưởng đến chuyện thương hiệu và hàng hóa. Có khác gì chăng việc hàng giả, hàng nhái thương hiệu còn tràn lan từ xưa đến nay khiến cho người tiêu dùng còn loạn mắt hơn cả Ngộ Không? Có lạ gì không lòng tham của con người, dù có mấy trăm chiếc áo rồi vẫn thèm có thêm chiếc nữa như nhiều vị muốn khoác lên cái áo hư danh? Đã có được thương hiệu sản phẩm kinh doanh nổi tiếng như cà phê Trung Nguyên, G7… hà tất gì phải khoác thêm chiếc áo “chủ tịch” trống không đi chọn sách cho thanh niên đọc, để cơ quan chức năng phải yêu cầu gỡ bảng quảng cáo?
Buồn cười là ngay một chương trình, giải thưởng về thương hiệu Việt cũng bị nhái. Đây là chương trình được Liên hiệp Các hội Khoa học & kỹ thuật Việt Nam khởi xướng (như Thương hiệu Xanh, Top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Thương hiệu Việt uy tín – chất lượng, Cúp vàng top ten Thương hiệu Việt ứng dụng KH&CN…). Vậy mà, cuối tháng 5 vừa rồi, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Thương hiệu Việt phải phát đi thông báo về việc các hiệp hội, công ty truyền thông tổ chức sự kiện đã nhái chương trình “Thương hiệu Việt”, dễ gây nhầm lẫn và thiệt hại cho doanh nghiệp.
Việc nhái giả thương hiệu, nhãn hiệu vẫn diễn ra; và công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn gay gắt. Báo chí ngày nào cũng có tin bắt hàng lậu, hàng nhái, hàng giả. Và trong hai năm qua, đã có hơn 32,4 ngàn vụ việc bị phát hiện xử lý liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp. Còn quý I vừa qua, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra, phát hiện hơn 4 ngàn vụ hàng giả, hàng nhái. Hàng giả xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tập trung tại một số ngành hàng như: mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, quần áo, túi xách, mũ bảo hiểm, rượu - bia - nước giải khát, phân bón…
Trong khi ở nội địa ta còn nhái, giả thương hiệu của nhau thì vào cuối năm rồi, thống kê cho biết mới chỉ có khoảng 1.000 thương hiệu Việt được đăng ký ở nước ngoài. Rõ ràng, đây là con số quá ít ỏi so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, dù yêu cầu hội nhập, cạnh tranh toàn cầu ngày càng bức bách.
Làm giả nhãn hiệu, thương hiệu, để bán hàng kém chất lượng, là hành vi gây thiệt hại không thể đo đếm cho nền kinh tế và hình ảnh quốc gia. Đó là sự che đậy lòng tham vô đáy dưới chiếc áo lật trái của kinh tế thị trường. Mà loại áo này không chỉ có 700 chiếc như nhà sư nọ trong Tây Du Ký (!)
NGUYỄN ĐIỆN NAM