UBND tỉnh vừa có quyết định về việc hủy bỏ, không thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2018, đợt 3 đối với đề tài “Nghiên cứu xây dựng công nghệ bảo quản củ sâm Ngọc Linh tươi sau thu hoạch bằng phương pháp khí quyển điều chỉnh”. Lý do: quá thời gian quy định, Viện Phát triển Công nghệ Xanh không nộp đủ hồ sơ để triển khai. Đáng tiếc đề tài không được những người trong cuộc theo đuổi, vì nhìn vào tên gọi thôi, cũng đã hứa hẹn nhiều ứng dụng khi đưa vào thực tế, trong điều kiện cần thiết với củ sâm Ngọc Linh hiện nay.
Tháng 8 là thời điểm người dân cắt lá bán để cho cây sâm ngủ đông, nuôi củ. Hiện lá sâm Ngọc Linh tươi được thương lái thu mua với giá rất cao, 9-10 triệu đồng/kg, nhưng nhiều nơi người trồng sâm cũng chưa muốn bán. Lá sâm khô, trên các trang mua sắm trực tuyến, cũng được rao bán với giá từ 800 nghìn – 1 triệu đồng cho 100g.
Chúng tôi từng đề cập đến một dự án chiết xuất dược phẩm từ lá sâm Ngọc Linh của một doanh nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh dù thành công nhưng phải dừng vì giá nguyên liệu quá đắt đỏ. Làm sao để đưa sản phẩm của sâm Ngọc Linh thành hàng hóa vẫn là một bài toán khó khi việc nghiên cứu chế xuất dược phẩm hoặc mỹ phẩm chỉ dừng lại ở phòng thí nghiệm. Cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp vào giá sâm, bởi giá cả do thị trường điều tiết, quy định. Nhưng liệu truyền thông của chúng ta (và cả đồn thổi trong dân gian) đã vô tình đẩy giá sâm lên quá cao?!
Giá trị của cây sâm Ngọc Linh, hẳn rồi, ai cũng có thể biết chỉ bằng một cú nhấp chuột. Về hoạt chất, công dụng được so sánh ngang với sâm Hàn Quốc, thậm chí vượt trội vào hàng “nhất thế giới”. Ở Hàn Quốc, sâm được trồng như… củ cải, trong vòng 6 năm cho củ, trở thành sản phẩm hàng hóa bởi 1 ký củ sâm Hàn Quốc có giá khoảng 60USD. Việc cho ra tất tần tật sản phẩm của sâm từ dòng cao cấp đến thấp cấp cũng trở nên dễ dàng hơn. Và tất nhiên, giá cả luôn rẻ và phù hợp mọi nhu cầu.
Trong khi đó, sau gần 10 năm trở lại đây, từ khi cây sâm Ngọc Linh được “để mắt” tới một cách đúng đắn và có danh xưng “quốc bảo” thì chúng ta vẫn chỉ khởi động và loay hoay chưa thể nào tạo ra sản phẩm hàng hóa. Vậy nhưng giá cả thì ngày một “leo thang” và dường như không có dấu hiệu dừng. Lá sâm trước đây rất rẻ và gần như… cho không thì nay thương lái năn nỉ dân cũng chưa chịu bán như đã nói ở trên. Củ sâm thì coi như hàng thượng hạng, cách đây chừng 5 năm 1kg khoảng 30-50 triệu đồng thì nay đã là 100 -120 triệu đồng.
Tất nhiên, giá sâm tăng cao thì đời sống của người dân vùng sâm được nâng lên rõ rệt. Đó là cái lợi đáng kể nhất và đáng để tưởng thưởng cho công sức của những người lao tâm khổ tứ vì cây sâm và vì yên dân vùng đồng bào vùng cao cũng như hình ảnh của Quảng Nam. Nhưng, điều đó là chưa đủ với tiềm năng cũng như giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Làm sao để sản phẩm của sâm Ngọc Linh – quốc bảo Việt Nam đi xa ra ngoài biên giới nước Việt chứ không phải giá cứ mỗi ngày một xa ngoài tầm với của số đông người sử dụng trong nước như hiện nay.