Không kể những vướng mắc cố hữu, chưa thể thay đổi như ách tắc giải phóng mặt bằng, thủ tục hồ sơ chậm..., thì vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát...) tăng giá đột biến đã khiến nhiều dự án ách tắc. Nguy cơ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ không như kế hoạch.
Ách tắc...
Hệ thống thoát nước các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn (giai đoạn 2) nối từ đường ĐT603B ra sông Cổ Cò chỉ có 2/6 tuyến hoàn thành. Các tuyến còn lại đều dở dang, ngổn ngang đất cát, bê tông, cống, hộp...
Thời gian dự kiến hoàn thành là ngày 4/5/2023, nhưng dự án có nguy cơ chậm tiến độ. Tương tự, dự án sửa chữa hoàn trả đoạn km0-km1+700 tuyến ĐT609 (Điên Bàn) vẫn còn 2 đoạn chưa có mặt bằng để thi công. UBND tỉnh đã 3 lần gia hạn cho dự án này, nhưng công trình đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2020 đến nay.
Ông Trần Duy Phúc - Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết, dự án này vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai xây dựng. Chủ đầu tư và nhà thầu đang thương lượng với người dân về bồi thường, giải phóng mặt bằng để tiếp tục thi công.
Hàng trăm dự án đầu tư khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, đến hết ngày 31/1/2023, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đối với các dự án do địa phương quản lý chỉ mới giải ngân đạt 3,7% (hơn 286/7.778 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (4%).
Tiến độ giải ngân ì ạch được lý giải không chỉ phụ thuộc vào một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công đình trệ. Thêm nhiều khó khăn cho việc giải ngân xuất hiện có thể kể đến là không ít hợp đồng xây lắp thực hiện giai đoạn 2021- 2022 bị giá vật liệu xây dựng, giá vận chuyển và nhân công tăng đột biến. Nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, hợp đồng thi công kéo dài.
Theo ông Nguyễn Hưng, giá nguyên liệu đất đắp công trình và cát xây dựng trên thị trường cao hơn nhiều so với giá báo liên sở. Nhưng, nan giải hơn là tình trạng không đủ nguồn cung, do các mỏ cát, sỏi tạm thời bị đóng cửa, nên nhiều công trình đã phải tạm dừng hay trì hoãn việc thi công, nhất là các công trình đã hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói.
Các nhà thầu càng thi công càng lỗ (cát từ 150 - 200 nghìn đồng/m3 đã lên 500 nghìn đồng/m3). Có nhà thầu công bố chỉ mỗi tiền mua đất đắp riêng cho dự án đã lỗ đến 7 tỷ đồng, mà muốn mua cũng không được, vì không có. Từ mặt bằng đến vật liệu đều “đứng bánh” thì khó đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trong một diễn biến khác, lãnh đạo các địa phương Tam Kỳ và Hội An đều cho biết doanh nghiệp chờ giá vật liệu xuống mới có thể tham gia đấu thầu. Họ thấy lỗ nên “lười” đấu thầu dự án.
Còn ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyên Tây Giang thì cho rằng chính hệ số giá, chi phí vận chuyển hay nhân công quá chênh lệch (từ 1,5 đến 3 lần so với đồng bằng), trong khi đó địa phương lại không có mỏ đất, đá để có thể cung cấp cho công trình thì doanh nghiệp không thể đủ sức thi công công trình.
Khó hấp thụ vốn
Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, sẽ tiến hành điều chỉnh giá vật liệu, nhưng chưa chốt ngày chính thức. Đồng thời cho rằng, khi quyết định đấu thầu dự án thì nhà thầu đã tính toán, dự lường đến các biến động.
Các chủ đầu tư, tư vấn dự án, nhà thầu phải khảo sát, biết được mỏ hay mua, thẩm định giá vật liệu xây dựng ở đâu để cân đối, tính toán thi công dự án, chứ không phải thấy biến động thì “kêu” hay than phiền.
Dù năm 2013 chỉ khởi công mới 13 dự án nhưng áp lực giải ngân vốn đầu tư rất lớn do lượng vốn đầu tư tăng, cộng thêm phần vốn của năm 2022 chuyển sang, nhất là việc giải ngân 3 nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (chưa kể lượng vốn từ Trung ương có thể sẽ phân bổ vào những tháng cuối năm 2023).
Khác biệt dễ nhìn thấy là năm nay chuyện phân bổ và giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 trước ngày 31/12/2022 và tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công trước ngày 10/1/2023.
Tính đến ngày 13/2/2023, UBND tỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cho các ngành và các địa phương hơn 6.136 tỷ đồng, đạt 79%.
Động thái này cho thấy tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án được nâng cao. Tuy nhiên, một khi không giải quyết được những vướng mắc phát sinh thì sẽ không dễ đẩy nhanh tỷ lệ hấp thụ vốn của các dự án.
Theo kế hoạch giải ngân, đến hết quý III/2023 đạt hơn 60%, hết quý IV/2023 hơn 90% và đến ngày 31/1/2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, các chủ đầu tư, cơ quan thẩm định phải rà soát kỹ ngay từ khâu chuẩn bị dự án. Sẽ tiến hành tháo gỡ tình trạng thiếu mỏ đất đắp, cát xây dựng, kiểm soát và quản lý nguồn cung vật liệu xây dựng để thực hiện dự án đầu tư.
Các cơ quan quản lý sẽ cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới để các chủ đầu tư cập nhật giá trước khi đấu thầu. Sẽ kịp thời điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân, không có khối lượng cho các dự án khác có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
“Quản lý dự án, chất lượng công trình, nghiệm thu công trình, đấu thầu sẽ được chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Sẽ phân cấp triệt để trong quản lý đầu tư, giao cấp huyện chịu trách nhiệm xác định danh mục, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư đối với công trình, dự án do cấp huyện quản lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân” - ông Quang nói.