Giá dầu hạ, ngư dân lợi

MINH ĐỨC 12/01/2015 09:49

Mùa biển động, ngư dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu nghề mành nhí và giã cào đôi. Hai loại nghề này đang cho sản lượng khai thác cao, trong khi giá dầu đang hạ nên ngư dân thu được hiệu quả kinh tế khả quan sau mỗi chuyến biển.

Vào mùa mành nhí

Những ngày qua, nhiều phương tiện làm nghề mành nhí (khai thác tôm hùm con) ở nhiều địa phương tập trung về bãi Bấc (thôn Thuận An, xã Tam Hải, Núi Thành) neo đậu, chờ thời tiết thuận lợi ra khơi khai thác. Hiện Tam Hải có khoảng 250 phương tiện làm nghề này, do mành nhí đánh bắt gần bờ nên hầu hết phương tiện ở địa phương đều có công suất nhỏ, một số thuyền thúng máy cũng tham gia sản xuất nên số lượng tàu thuyền đánh bắt tôm nhí tăng lên đáng kể so với các năm. Thêm vào đó, ở nhiều địa phương khác như Tam Hòa, Tam Quang, Tam Tiến (Núi Thành), các phương tiện làm nghề mành mùng, đặt rập, đánh lưới, rỗi cá… đã đầu tư ngư lưới cụ, vào mùa này cũng bắt đầu “xuống nước” nghề mành nhí và kết thúc vụ mùa vào tháng Hai âm lịch năm sau.

Ngư dân Tam Hải đưa ngư lưới cụ ra ghe để khai thác tôm nhí. Ảnh: M.Đ
Ngư dân Tam Hải đưa ngư lưới cụ ra ghe để khai thác tôm nhí. Ảnh: M.Đ

Anh Mai Tấn Quân (thôn Thuận An, Tam Hải) đã triển khai nghề mành nhí hơn nửa tháng nay và thực hiện được 5 chuyến biển. Anh cho biết mở đầu vụ mành nhí năm nay ngư dân phấn khởi vì giá dầu hạ và dự đoán sẽ khai thác được nhiều tôm nhí do năm ngoái sản lượng tôm nhí sụt giảm. “Thường thì năm được năm mất, có lẽ do quy luật sinh sản của tôm hùm. Có năm cả dạn biển đều thu nhập khấm khá, sau một đêm khai thác, có ghe trúng được cả nghìn con, nhưng cũng có mùa thất bát. Giá dầu đang xuống thấp khiến ai cũng phấn khởi” – anh nói. Theo tính toán của anh Mai, phương tiện của anh có công suất nhỏ (chỉ dưới 20CV), mỗi chuyến biển chỉ tiêu tốn khoảng 20 lít dầu, so với giá dầu thời điểm này năm ngoái (gần 450 nghìn đồng/20 lít), năm nay sau mỗi đêm khai thác, anh tiết kiệm được gần 150 nghìn đồng. Năm chuyến biển vừa qua, phương tiện anh Mai thu hoạch được khoảng 200 con tôm nhí, trừ chi phí mỗi lao động thu nhập gần 7 triệu đồng.

Trong khi đó, phương tiện của ông Nguyễn Thành Sỹ (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) có công suất lớn do chủ yếu khai thác nghề mành mùng vào mùa biển lặng, gần đây chuyển đổi qua nghề mành nhí nên giá dầu hạ đã làm cho phí tổn chuyến biển giảm đáng kể. Ông cho biết: “Hiện giá dầu chỉ còn khoảng 320 nghìn đồng/can 20 lít. Mỗi đêm khai thác mành nhí trung bình phương tiện chúng tôi có phí tổn khoảng 1,5 triệu đồng, chủ yếu là tiền dầu, trước đây giá dầu chưa hạ, có thể mỗi đêm phải tốn thêm 500 nghìn đồng nữa. Chi phí giảm nên thu nhập của ngư dân tăng lên, 3 chuyến mành nhí vừa qua, trừ chi phí mỗi người thu nhập được 3,5 triệu đồng”.

Giã cào… khá giả

Các phương tiện giã cào được xem là những “cỗ máy” tiêu tốn dầu nhiều nhất so với các nghề khai thác gần bờ. Phương tiện của nghề này thường có công suất lớn và hoạt động hết công suất để kéo giã liên tục. Lâu nay, trên địa bàn tỉnh chủ yếu khai thác nghề giã ở tuyến lộng với công suất máy 20 – 45CV, gần đây ở một số địa phương ngư dân đầu tư máy công suất đến 100CV nhưng vẫn khai thác nghề này. Nghề giã cào khai thác quanh năm, nhưng vào mùa đông ra khơi chủ yếu là phương tiện có công suất lớn. Đặc biệt, vào mùa này, ngư dân trên địa bàn Núi Thành phối hợp sản xuất loại hình giã cào đôi, khai thác vào ban ngày cho hiệu quả kinh tế cao.

Tôm nhí được giá
Ông Bùi Trọng Thuần (người mua tôm nhí ở thôn Thuận An, xã Tam Hải) cho biết, đầu mùa nên tôm nhí được giá, thương lái thu mua tại bãi Bấc giá mỗi con là 300 nghìn đồng. “Mình chỉ thu mua và tập trung cho một đầu nậu duy nhất ở xã Tam Quang đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, giá cả không quyết định được. Năm ngoái có đợt giá mỗi con tôm nhí chỉ còn hơn 100 nghìn đồng” – ông Thuần nói.

Anh Nguyễn Liêm (thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) là một trong 2 chủ tàu làm nghề giã cào đôi, cho biết ngư dân làm nghề giã cào sợ nhất là… giá dầu bởi thường chi phí loại nhiên liệu này chiếm đến 2/3 doanh thu mỗi chuyến biển. “Nếu một chiếc giã 45CV, một đêm ngư dân phải cào cho ra hơn 3 triệu đồng thì mỗi lao động mới thu nhập được 200 nghìn đồng bởi tiền dầu và chi phí khác ngốn hết. Đây thật sự là áp lực. Mùa biển lặng, nhiều phương tiện cùng khai thác trên một ngư trường nên nguồn lợi hạn hẹp, đôi khi ngư dân giã cào phải ăn “lẩu… dồ” (lỗ dầu). Được cái hải sản thu được của nghề này chủ yếu là ốc, cá to, tôm, mực tươi đặc sản… nên bán rất được giá, bù vào chi phí” – anh Liêm cho biết.

Cách đây hai năm, để mở rộng ngư trường, anh Liêm đã đầu tư cải hoán phương tiện, nâng công suất máy của tàu lên 100CV. Mùa biển động, anh lại chuyển sang hình thức giã cào đôi. Hiện mỗi ngày ra khơi khai thác, đôi tàu của anh phải tiêu tốn hết 14 can dầu (loại mỗi can 20 lít), chi phí tiền dầu hết gần 5 triệu đồng. Trong một tháng mùa đông vừa qua, nhờ phương tiện có công suất lớn, tranh thủ thời tiết thuận lợi là bám biển, đôi giã của anh thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh nói: “Giá dầu hạ đã “hỗ trợ” chúng tôi mỗi chuyến biển bình quân khoảng 1,5 triệu đồng nên anh em có dư. Trước đây dân mình không đầu tư loại giã cào cao tốc như Quảng Ngãi, Đà Nẵng vì không có vốn, hơn nữa loại nghề này phải chịu áp lực tiền dầu quá lớn. Tôi đổi máy có công suất lớn hơn để mở rộng thêm ngư trường nhưng vẫn là kiểu khai thác gần bờ, cũng may là gần đây giá dầu liên tục giảm. Gần đây nhiều ngư dân cùng nghề ở địa phương và các xã Tam Hòa, Tam Quang cũng đầu tư, cải hoán nâng công suất máy, sản xuất đạt hiệu quả. Đặc biệt vào mùa đông năm nay nhiều phương tiện có công suất máy lớn làm ăn khá giả”.

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá dầu hạ, ngư dân lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO