(QNO) - Giá dầu thế giới hiện tăng mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas tại dải Gaza.
Theo tờ Financial Times, giá dầu thế giới tăng hơn 90 USD/thùng do lo ngại về cuộc tấn công vào dải Gaza gây thêm căng thẳng mới cho thị trường hàng hóa.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/10 vừa qua, giá dầu Brent tăng 5,7% lên 90,9 USD/thùng. Dầu thô Mỹ WTI tăng 5,8% lên 87,6 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều ghi nhận mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2023. Đây là hai loại dầu được giao dịch nhiều nhất trên thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng, dù Israel không sản xuất nhiều dầu nhưng sự gián đoạn ở bất cứ nơi nào ở Trung Đông cũng có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa lớn.
Ông Joe DeLaura - chiến lược gia năng lượng toàn cầu tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho biết: "Chúng ta đang hướng tới mức 100 USD/thùng trong quý này". Tương tự, ông Magid Shenouda - Phó Giám đốc điều hành của Công ty Kinh doanh hàng hóa Thụy Sĩ Mercuria dự báo giá dầu thế giới có thể vượt mức 100 USD/thùng nếu tình hình chiến sự tại Gaza leo thang.
Chuyên gia Ole Hansen - người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) nói: "Giá dầu có thể dễ dàng trở nên tồi tệ hơn (cao hơn) trước khi chúng ta tìm thấy sự ổn định nào đó".
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường sẽ tiếp tục khó khăn khi cuộc khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh lo ngại xung đột có thể lan rộng hơn ở Trung Đông - khu vực chiếm hơn 1/3 giao dịch dầu mỏ bằng đường biển của thế giới.
Cạnh đó, chuyên gia Joe DeLaura của Rabobank cho biết giá dầu cũng bị đẩy lên cao hơn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ vừa áp đặt đối với 2 công ty chở dầu Nga do vi phạm quy định giá bán trần 60 USD/thùng mà G-7 áp với dầu Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới. Việc Mỹ siết kiểm soát có thể khiến nguồn cung dầu giảm sút.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, xung đột Israel - Hamas đặt ra một loạt rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có áp lực lạm phát cao hơn trong lúc nền kinh tế thế giới trải qua khó khăn do đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.
Bà Gita Gopinath - Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF lo ngại, nếu xung đột tại Trung Đông lan rộng hơn, khiến giá dầu tăng 10% thì GDP toàn cầu có thể giảm 0,15 điểm phần trăm trong năm 2024. Các quốc gia ở khu vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Tháng trước, Nga và Ả-rập Xê-út - hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới nhất trí tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu, giảm tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày - tương đương hơn 1% nhu cầu toàn cầu cho tới cuối năm nay.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024, thấp hơn so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm 2023.