Gia đình đại khoa ở Tuân Dưỡng

PHÚ BÌNH 16/08/2020 09:21

Ở thôn An Dưỡng, xã Bình An, huyện Thăng Bình hiện nay còn mấy tư liệu về một gia đình có nhiều người đỗ đạt từ thời Gia Long đến thời Thiệu Trị,  trong đó có một vị đỗ cử nhân sớm nhất và một vị đỗ tiến sĩ sớm nhất ở vùng nam Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Bông bên bàn thờ có tấm biển “Ân tứ vinh quy”.Ảnh: PHÚ BÌNH
Ông Nguyễn Văn Bông bên bàn thờ có tấm biển “Ân tứ vinh quy”.Ảnh: PHÚ BÌNH

Xã Tuân Dưỡng, vào thời các chúa Nguyễn, theo ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn soạn năm 1776) thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam. Đến đầu thời Gia Long, sau khi phân lại địa giới mới, xã Tuân Dưỡng thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam. Sách Đồng Khánh địa dư chí (soạn khoảng 1886 - 1888) ghi xã này thuộc tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Toàn bộ diện tích của xã ven đường thiên lý này nằm giữa hai đồi đất đỏ An Thái và Tuân Dưỡng (người dân thường đọc là Tuần Dưỡng) - nơi tìm thấy nhiều di tích Chăm và dấu vết của vùng rìa đầm Chiên Đàn trù phú xưa.

Gia đình nhiều người đỗ đạt

Theo hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Bảng (68 tuổi, ở tổ 6 thôn An Dưỡng, là hậu duệ thuộc phái 3 họ Nguyễn - tiền hiền làng Tuân Dưỡng), chúng tôi tìm đến nhà thờ phái 4 - họ Nguyễn kể trên (cùng tổ cùng thôn) để tìm hiểu về gia đình có nhiều người đỗ đạt thuộc phái này. Ông Nguyễn Văn Bông (58 tuổi) - hậu duệ lĩnh nhiệm vụ thờ tự giới thiệu tấm biển “Ân tứ vinh quy” do vua Thiệu Trị ban cho ông Nguyễn Bá Tuệ (đời thứ 8 - phái 4) lúc “vinh quy bái tổ” sau khi đỗ Tiến sĩ. Tấm biển này treo trang trọng trên bàn thờ.

Ông Bông mở cho xem hai tập tư liệu gia tộc - trong đó có bản gia phổ chép từ đời ông thủy tổ của tộc Nguyễn (đời thứ nhất) từ Thừa tuyên Nghệ An vào vùng nam Quảng Nam đã cùng một số vị thuộc các họ tộc đến sau khác lập nên làng Tuân Dưỡng. Trong bản gia phổ này có ghi một số chi tiết liên quan đến việc thi đỗ và làm quan của ông Nguyễn Văn Thư - đời thứ 7 phái 4 và ba người con trai. Đọc kỹ bản gia phổ này, đối chiếu với nội dung chữ Nho trên các tấm văn bia kể tên các người đỗ đạt ở phủ Thăng Bình xưa (hiện còn ở thị trấn Hà Lam,  Thăng Bình), thấy trùng khớp hoàn toàn.

Bản gia phổ cho biết ông Nguyễn Văn Thư, tên tự là Tử Chí, đỗ Tú tài. Chi tiết này trùng với một dòng trên tấm bia Văn thánh còn lưu ở Hà Lam,  Thăng Bình: “Sinh đồ Nguyễn Văn Thư người xã An Dưỡng, tổng An Thái Trung, là cha của Bá Tuệ, Vĩnh Trinh, Thế Bình. Ông là người đầu tiên trong tổng đỗ Sinh đồ - (học vị này sau đổi là Tú tài - NV)”. Khoa thi ông Thư đỗ Sinh đồ là khoa Kỷ Mão - mở năm Gia Long thứ 18 (1819).

Ông Nguyễn Vĩnh Trinh (con thứ của ông Thư - em kế ông Nguyễn Bá Tuệ) được ghi tên trong sách Quốc triều Hương khoa lục. Trong bia Văn thánh - Thăng Bình có hai chỗ ghi về ông này (dịch ra) như sau: “Khoa thi năm Đinh Dậu, năm Minh Mạng thứ 18 - 1837, Nguyễn Vĩnh Trinh đỗ Tú tài. Năm Canh Tý - 1840 tiếp tục dự thi nhưng cũng chỉ đỗ Tú tài” và “Khoa thi năm Quý Mão, năm Thiệu Trị thứ 3  -1843, Nguyễn Vĩnh Trinh đỗ Cử nhân. (Ông này) đang dự Hậu bổ ở Ninh Bình; là người đầu tiên trong tổng (An Thái Trung) đỗ Cử nhân”. Gia phổ còn lưu ghi ông là “Tri huyện Nguyễn (húy, tự) Trọng Trinh”.

Ông Nguyễn Thế Bình (em ông Vĩnh Trinh) đỗ Tú tài ở ba khoa thi Tân Sửu - 1841, Nhâm Dần - 1842 và Bính Ngọ - 1846. Gia phả còn lưu ghi tên hiệu ông này như sau: “Tú tài Nguyễn Văn (húy) Đống (tự) Thọ Hương”.

Tiến sĩ đầu tiên vùng nam Quảng Nam

Con trai đầu của Sinh đồ Nguyễn Văn Thư là Nguyễn Bá Tuệ. Hành trình thi cử của ông Tuệ có thể tóm tắt như sau: Đỗ Tú tài năm Tân Mão - 1831; đến năm Đinh Dậu - 1837 tiếp tục dự thi nhưng cũng chỉ đỗ Tú tài. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 - 1838 được sung làm Cống sinh. Trong khoa thi Hội rồi thi Đình vào năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu - 1841) ông đỗ Đồng Tiến sĩ Đệ Tam giáp. Ở văn bia Văn thánh - Thăng Bình đã dẫn có đoạn: “Hoàng triều Thiệu Trị nguyên niên - Tân Sửu - Hội thí (Ân khoa) - Đình thí: Sắc tứ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Nguyễn Bá Tuệ. Minh Mạng thập cửu niên sung Cống sinh. Thị khoa: Đồng Tiến sĩ đệ lục danh. Sĩ chí Tân Bình phủ Tri phủ đặc cách. Công vi bổn huyện đại khoa thủy”. Dịch: “Trong khoa thi Hội rồi thi Đình (ân khoa: khoa thi nhà vua ban ơn, mở không theo lệ - NV) vào năm Tân Sửu - 1841 niên hiệu Thiệu Trị nguyên niên, triều đình ban sắc công nhận Nguyễn Bá Tuệ là Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân. (Ông này) được sung vào diện Cống sinh vào năm Minh Mạng thứ 19; khoa thi ấy (Tân Sửu 1841 - NV) đỗ Đồng Tiến sĩ ở vị trí thứ sáu; được đặc cách làm Tri phủ ở phủ Tân Bình. Ông Bá Tuệ là người đầu tiên đỗ đại khoa của huyện (Thăng Bình) ta”.

Cuối hành trình làm quan của ông Nguyễn Bá Tuệ, theo sách Đại Nam thực lục (Bản dịch, tập 7, trang 53, 54, Nxb Giáo dục, 2002), trong một đoạn chép việc của năm Tự Đức thứ nhất - 1848, mùa xuân, tháng Giêng cho biết: “Tổng đốc Định - Biên Ngô Văn Giải sớ tâu hặc Án sát sứ Nguyễn Ba ăn nói khinh nhờn và thông đồng với Tri phủ Tân Bình là Nguyễn Bá Tuệ giấu cướp, tha kẻ phạm” (tr. 53). Còn ông Ba thì tố ông Giải tham nhũng. Triều đình cho điều tra rồi kết án như sau: “Bản án dâng lên, đều cho Ba và Giai đều vì sự trạng về việc riêng càn bậy phải cách chức về sổ dân chịu sai dịch; Nguyễn Bá Tuệ phạt trượng và đem đi đồ (Bị cách chức và buộc làm phu dịch từ 1 đến 3 năm - NV)” (tr. 54)

Gia phả gia tộc còn lưu ghi về ông Tuệ như sau: “Tri phủ Nguyễn (húy, tự) Bá Tuệ, mộ tại bổn xã Sầm Tây xứ”. Tìm đến mộ, người viết đọc được mặt trước văn bia như sau: “Đại Nam Thiệu Trị nguyên niên - Tân Sửu - Xuân - Đại tỉ/ Tứ: Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân - Vân Phong Chí Học - Nguyễn Hán Thụy phủ quân chi mộ/ Tự Đức tam niên, tuế thứ Canh Tuất, trọng Đông nguyệt (tháng 12.1851 dương lịch - NV), cát nhật lập”.

Trong văn bia trên, “Tứ” có nghĩa là “Triều đình công nhận”. “Đại tỉ” (tỉ thí lớn) có thể chỉ kỳ thi Đình? Hán Thụy có thể là tên đặt sau khi mất để thờ (?). Nhưng “Vân Phong Chí Học” không rõ chỉ điều gì? Bia này mặt trước không ghi tên người dựng. Mặt sau bia bị tô xi măng che khuất khi đời sau tu bổ nên không biết có ghi tên con cháu dựng bia? Văn bia này không ghi dòng “Hoàng Nam cáo thụ” cùng quan hàm được phong sau khi mất như vẫn thường ghi ở mộ các quan triều Nguyễn xưa? Không ghi có phải vì ông Nguyễn Bá Tuệ qua đời khi chưa được phục chức?

Trước mộ có câu đối đầy cảm hoài: “Tằng vu khoa giáp lưu thanh nhãn/ Ứng vị giang sơn tích bạch mi”. (Dịch ý: Từng dự vào hàng khoa giáp, được nổi tiếng/ Vì việc nước phải chịu đựng, tiếc cho người tài). Có phải  người viết câu đối cho rằng ông Nguyễn Bá Tuệ đã phải chịu án oan? Có lẽ còn cần tìm kiếm thêm các nguồn tư liệu khác để giải được thắc mắc này!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia đình đại khoa ở Tuân Dưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO