(QNO) - Gia đình tôi, trong số chín anh chị em, thì có đến sáu người lập nghiệp phương xa. Mỗi năm về quê giỗ ba mẹ, chúng tôi thường hẹn hò tập trung đông đủ. Ngoại trừ ba anh trai tôi, còn lại sáu chị em gái, gặp lại là dính như keo.
Ngày mẹ còn khỏe, hay khi mẹ ốm, về quê, chúng tôi cứ bu lấy mẹ, quây quần trong căn phòng mười sáu mét vuông. Từ ngày mẹ mất, chị em tôi không thay đổi thói quen ấy, vẫn quây quần trong căn phòng ấy. Chúng tôi, người ở ngoại quốc, người Sài Gòn, Đà Nẵng, Quảng Nam, hàng ngày gặp nhau qua mạng xã hội, qua điện thoại, nói đủ thứ chuyện mà chưa thỏa, cứ hẹn hò gặp gỡ bằng xương bằng thịt mới chịu.
Căn phòng hiện tại, chúng tôi thường gọi vui là “cái ổ”, dĩ nhiên khác xa với cái ổ thời bao cấp, thời ngôi nhà chưa được nâng cấp lại. Gọi là cái ổ, vì chín con người ta chen chúc nhau, buổi tối phải nằm dưới nền gạch mới đủ chỗ. Vậy mà vui quá chừng. Cái ổ hiện tại, vốn là căn phòng của mẹ, đã được sửa sang khá tiện nghi. Toàn bộ vật dụng của mẹ, từ ti vi, tủ, giường, vẫn không bị xê dịch, thật ra không ai muốn xê dịch.
Chị Hương hài hước, thích pha trò, chị ấy mà kể chuyện thì chỉ có cười bò lăn. Chị Hương lấy chồng gần nhà mẹ. Những ngày chị em tôi về quê, anh rể “nhường” chị cho chúng tôi. Chị Nguyệt cũng được chồng “nhường” như thế. Hai chị chủ xị bếp núc. Món ăn hai chị nấu dậy mùi quê hương, rất hợp khẩu vị, đều là những món chúng tôi mong chờ được thưởng thức.
Chỉ trừ khi ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp nhà cửa, toàn bộ thời gian còn lại, chúng tôi, từ trai đến gái đều chui vào “ổ”, kể chuyện xưa chuyện nay. Kỷ niệm, như thước phim quay chậm, rong rêu những vui buồn, gặp nhau là nhắc lại mà vẫn cứ tươi mới. Còn hiện tại, ai vui buồn sướng khổ gì cũng thoải mái bộc bạch. Mà chị Khánh tôi… ghê lắm, chị nhìn ai có tâm trạng là biết liền, khéo léo làm sao để người khác thổ lộ, rồi chị tìm cách chia sẻ. Ba mẹ tôi chín người con, mẹ hay nói “năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài”, bà luôn lo lắng cho những đứa chưa đủ đầy về vật chất. Nhưng chúng tôi từng động viên mẹ rằng, biết đủ là đủ, tiền bạc bao nhiêu cho vừa.
Mỗi năm, cái ổ chứa chị em tôi hai đợt, mỗi đợt chừng bốn - năm ngày. Thời gian không nhiều, mà yêu thương, trao gửi thì tràn trề, chẳng ai muốn rời ổ. Tôi nhiều lần tự hứa với lòng là, lần sau về quê sẽ dành thời gian cho bạn bè, nhưng tôi chưa làm được. Tôi cảm giác đi chơi riêng là có lỗi với anh chị, bởi hẹn hò trở về là để sum họp, đoàn tụ. Nên, muốn đi chơi riêng, thì về một mình là hợp lý hơn cả. Chị em tôi ai cũng thế, đã về với gia đình là dành trọn thời gian cho gia đình, cho hai tiếng yêu thương. Ở quê, thời gian trôi qua nhanh quá. Mới ngủ dậy, đã trưa; chưa kịp trưa, đã chiều. Tôi tin chắc không nơi đâu thời gian trôi nhanh như nơi mà những người con xa xứ trở về.
Chị em tôi, mười tám tuổi đã rời xa quê. Mười tám năm của một gia đình đông con, làm sao có thể gói hết trong bốn - năm ngày trở về! Ai nhớ gì, kể đó. Ai cũng có những khoảnh khắc đáng nhớ. Kể để cười, để khóc, để trân quý một thời gian khó mà đầy ắp kỷ niệm. Lần nào cũng vậy, rời quê mà cứ bịn rịn. Nhưng thương nhất là những anh chị ở quê. Chị Nguyệt, chị Hương đã được… trả về với chồng con, nhưng hai chị bảo phải mất mấy ngày mới cân bằng lại cảm xúc; còn anh Sơn là người “đăng cai”, nên anh vui vẻ với câu nói rất Quảng Nam: “nương đâu nát đó”.
Người tạo bất ngờ nhất, là chị Vân. Chị cải tạo một khoảnh vườn, tựa như quán cà phê, chị bảo có thế mới dụ mọi người chui ra khỏi ổ, vui vầy với khu vườn, có thảm cỏ ba trồng, có cây hoa quỳnh và mấy cây mãng cầu mẹ trồng. Đó là một không gian ấm cúng, được bài trí bằng những vật dụng của ba mẹ để lại, như cái cối xay bột, cối giã gạo, lu nước, cái vồ đập đất, đôi thúng đôi mủng, cái đòn gánh…, chị còn kể về những kỷ niệm của gia đình tôi bên các vật dụng ấy, khiến ai cũng rưng rưng.
Chị Vân còn bí mật làm clip dài mười lăm phút, tập hợp hình ảnh của cả nhà, hình ba mẹ tôi thời trẻ, tới lúc ốm đau; hình ngày chúng tôi còn bé, tới khi trưởng thành, chèn thêm những bài hát về tình mẹ, về gia đình, rồi mang ti vi ra vườn, mở cho cả nhà thưởng thức. Bữa đó, chị em tôi được sống lại ngày thơ, dạt dào kỷ niệm. Đúng là, chẳng đâu bằng gia đình. Đi đâu rồi cũng trở về nhà. Tôi vào Sài Gòn đã tuần nay, mà vẫn cứ lưu luyến những ngày ngắn ngủi với các anh chị của mình. Gia đình đã cho tôi nhiều điểm tựa, nhất là sự chở che.