Gia đình "hình mẫu"

C.B.L 02/08/2018 02:00

Đời sống của nhiều tầng lớp dân cư từ thành thị đến nông thôn đang ngày càng khá lên, nhưng sao vẫn nghe nhiều lời than vãn về chuyện cơm áo gạo tiền?

Đang vào mùa đám cưới, một thợ hồ than làm cả ngày tiền công không đủ đi một cái đám. Nếu dự đám mà chơi nhiệt tình thì lại mất một buổi làm việc, lại hao hụt thêm một trăm nghìn đồng tiền công. Tháng này nhiều người nhận cả chục thiệp mời, coi như làm cả tháng thì mới chỉ đủ tiền đi đám cưới. Còn một cô công nhân may thì than, tiền lương một tháng chỉ đủ lo tiền xăng xe và chi phí cho 2 đứa con học hè. Ngày hè gửi một đứa nhà cô giáo học từ sáng tới chiều, trung bình phải mất 1,5 triệu đồng, còn ăn sáng, sữa mang theo, mua sách vở... Nhưng không thể để con ở nhà vì không có người trông coi, và cũng vì phải học để bằng bạn bằng bè. Lấy ví dụ vui vui là nếu cô công nhân may làm vợ bác thợ hồ kia, mà ta tạm gọi là gia đình “hình mẫu” thì dễ hình dung tháng này gia đình họ khó khăn như thế nào.

Ví dụ đó không quá phi thực tế, mà thật ra Quảng Nam đang có hàng chục nghìn hộ dân kiểu như vậy. Nhà máy đang mở ra nhiều hơn, công trình xây dựng phát triển ào ạt... thì “nhân vật chính” trong nhiều gia đình là những  công nhân, hoặc những lao động chân tay làm công ăn lương là điều dễ thấy. Đáng quan tâm, những gia đình “hình mẫu” này gia tăng đáng kể do trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khu vực giải tỏa, số lượng lao động chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tăng cao; cùng với các chính sách dạy nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn đang được triển khai... Thậm chí, bổ sung cho lực lượng công nhân hiện nay còn có cả những người vừa rời ghế giảng đường, hoặc những lao động tha phương trở về quê...

Theo công bố của Bộ LĐ-TB&XH, so với bình quân của cả nước thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Quảng Nam còn cao. Cụ thể, năm 2017 toàn tỉnh có 38.112 hộ nghèo trên tổng số hộ dân là 410.644 (tỷ lệ 9,28%), trong khi tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%; số hộ cận nghèo của tỉnh là 18.590 hộ, tỷ lệ 4,53%. Đây là kết quả rà soát dựa theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó có hai kiểu nghèo là về thu nhập (chiếm tỷ lệ cao) và thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Các gia đình “hình mẫu” như đã nói ở trên thường đạt chuẩn nên không nằm trong diện hộ nghèo, vì vậy không nhiều hộ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong khi đó, đây là những hộ dễ bị tác động bởi giá cả thị trường do phải sử dụng nhiều dịch vụ xã hội và không tự cung tự cấp một phần sản phẩm làm ra như nông dân để giảm bớt gánh nặng chi phí cuộc sống.

Như ở vào thời điểm này, mùa mua sắm cho năm học mới bắt đầu; nắng nóng nên điện, nước được sử dụng nhiều hơn; gas, xăng, thậm chí một bó rau, miếng thịt cũng gánh thêm nhiều loại chi phí thì dễ thấu hiểu sự chật vật của những gia đình “hình mẫu”. Điều không thể lạc quan, trong xu thế phát triển công nghiệp, lao động giá rẻ được nhắc đến như một lợi thế, nhưng lợi thế đó không bớt đi nỗi chật vật cho những gia đình “hình mẫu” của chúng ta...

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia đình "hình mẫu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO