Gia đình neo lại bình an

LÊ QUÂN - HÀ SẤU - THÀNH CÔNG 27/06/2021 10:00

Dịch Covid-19 đẩy nhiều người vào cảnh khốn khó. Và gia đình là chốn neo đậu cuối cùng để mỗi người đi qua cơn xáo động... Đoàn kết chính là điểm chung giúp các gia đình - hạt nhân của xã hội vượt qua khó khăn.Những câu chuyện ghi nhặt như những lát cắt trong bức tranh gia đình mùa Covid-19 của Quảng Nam... 

Gia đình hạnh phúc, giữ lửa yêu thương trong cơn đại dịch. Ảnh: L.T.K
Gia đình hạnh phúc, giữ lửa yêu thương trong cơn đại dịch. Ảnh: L.T.K

GẮN KẾT GIỮA BÃO GIÔNG

Cơn đại dịch Covid-19 buộc người ta phải thiết lập trở lại cuộc sống của mình, từ những gia đình lớn với nhiều thế hệ, đến những căn nhà nhỏ vừa kịp đón trẻ thơ... 

1. Chị Hồng (khối phố Trường Đồng, Tân Thạnh, Tam Kỳ) từ năm ngoái đến nay, mỗi tháng đi làm áng chừng chỉ được hơn 10 ngày. Là công nhân của một xưởng làm bánh dừa nướng tại địa phương, khi dịch ập đến, hàng không bán được, sản xuất cầm chừng, do vậy chủ xưởng phải chia ca ra làm. Chồng chị là lái xe của một cửa hàng gia dụng, thu nhập hai vợ chồng vì thế cũng bấp bênh từng ngày. Tình cảnh này, rất dễ gặp ở các khu dân cư của Quảng Nam. 

Gia đình hạnh phúc, giữ lửa yêu thương trong cơn đại dịch. Ảnh: L.T.K
Gia đình hạnh phúc, giữ lửa yêu thương trong cơn đại dịch. Ảnh: L.T.K

Đón đứa con đầu gần 30 tuổi về làm việc tại nhà hơn một năm nay, bà Trần Thị Hà (Quế Trung, Nông Sơn) nói, dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch lên bờ xuống ruộng, vì vậy con trai nói mình về quê ở với ba mẹ.

“Không dưng gia đình lại trở nên đông đủ như những ngày mình còn nhỏ” - Hùng, con trai bà Hà nói. Ở nhà, anh với cha dựng một quán cafe ngay góc ngã ba. Mẹ vun vén từng buổi chợ để cả nhà chia sẻ cùng nhau. Hùng nói, dù đây chỉ là cảnh huống tạm thời trong lúc anh chờ việc nhưng có những bữa cơm, anh nghĩ nó giống như một quãng lặng hạnh phúc để anh “sạc” năng lượng cho mình. 

“Nhà hàng nghỉ. Tôi trở thành người thất nghiệp ngoài xã hội, nhưng lại được trở về làm một thành viên trong gia đình đúng nghĩa” - tâm sự của anh Ngọc, từ TP.Đà Nẵng về ở hẳn tại quê mấy tháng nay.

Ngọc kể, anh đi làm xa nhà liên miên, hiếm khi có được những khoảnh khắc cùng gia đình quây quần bên mâm cơm, lắng nghe tiếng cười tiếng khóc của con, ngắm nhìn vợ tất bật với những việc lặt vặt không tên, nghe tiếng ru à ơi của bà… Nay, anh lại được tận hưởng trọn vẹn cảm giác gia đình thân thuộc ấy, nhờ… dịch.

Thử quên đi những khó khăn do Covid-19, nhìn ở góc độ lạc quan, cơn đại dịch này vô tình gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Khi họ được ở bên nhau nhiều hơn, có nhiều cơ hội để gắn bó, sẻ chia với nhau hơn, bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên được duy trì thường xuyên hơn và cha mẹ có cơ hội để quan tâm, gần gũi với con cái nhiều hơn.

Điều dưỡng Ánh Dương - Khoa Y học Nhiệt đới, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam kể lại câu chuyện khi chị tác nghiệp trực tiếp ở “vùng đỏ” - tức khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Quảng Nam gần cả tháng trời: “Tôi nhớ lúc đó là tết, người mẹ nào cũng mong muốn được trở về gia đình, được ở bên những người thân yêu nhất, hai đứa con thì mong có mẹ mua sắm áo mới. Tuy nhiên, tôi hiểu và cảm nhận được nhiệm vụ vừa là trọng trách, vừa là vinh dự của những người chiến sĩ áo trắng như chúng tôi. Đặc biệt, tôi đã nhận được sự động viên, sẻ chia từ chồng và người thân trong gia đình, điều đó làm tôi thấy quyết tâm và lạc quan hơn rất nhiều khi bước chân vào tâm dịch”.

2. Ngoài áp lực về kinh tế, trong cơn khốn đốn từ dịch bệnh, nhiều hệ lụy khi phải gánh gồng quá nhiều khó khăn đã xảy ra với những gia đình.

Thống kê từ Hội LHPN Việt Nam, trong thời gian giãn cách xã hội, tình trạng bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em. Số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội LHPN Việt Nam đã tăng 50%, đồng thời có tới 48% trẻ em bị la mắng, 8% trẻ em bị đánh, 32% trẻ em có cảm nhận cha mẹ không quan tâm…

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, do tác động của dịch Covid-19, việc tổ chức các hoạt động về lĩnh vực gia đình bị hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tuyên truyền.

"Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan trong mùa dịch đã và đang giúp nhiều gia đình cập nhật đầy đủ thông tin. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi người trong mùa dịch; đồng thời đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra trong tình hình mới, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam và xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" - ông Hải nói.

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc", Bộ VH-TT&DL yêu cầu các địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh Covid-19, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe bản thân và gia đình. Sự bình dị, ấm áp, giữ lửa yêu thương trong gia đình là điều tối cần để giữ cho mỗi người và cả xã hội bình an trong cơn đại dịch.

XOAY XỞ Ở PHỐ

Trong dịch bệnh, phố có lẽ là nơi ghi dấu những biến động mạnh mẽ nhất, khi có quá nhiều lao động thất nghiệp. Chính từ giữa những chông gai ấy, nhiều gia đình thành thị phải tìm kiếm cách xoay xở để bám trụ, chờ ngày phục hồi.

Hội An thưa vắng. Ảnh: T.C
Hội An thưa vắng. Ảnh: T.C

1. Thanh Tuyết (phường Tân An, Hội An) - quản lý nhà hàng của một khách sạn lớn trên đường Cửa Đại mất việc từ khoảng giữa năm ngoái, sau đợt dịch thứ hai của cả nước. Chồng của Tuyết cũng phải nghỉ ngang công việc đầu bếp. Nghỉ và chờ đợi.

Khách sạn tạm dừng hoạt động, không có nghề “tay trái”, từ chỗ lương cố định hơn mười triệu đồng/tháng, cả hai vợ chồng phải cố xoay xở cuộc sống. Hai vợ chồng đành “dạt” ra vỉa hè, dựng vài ba bộ bàn ghế, bán đồ ăn sáng mang đi. Nhưng cầm cự không được lâu, người bán nhiều hơn người mua, không có lãi, quán cũng dẹp.

“Khoảng thời gian trước, thu nhập của cả hai vợ chồng đủ để trang trải cuộc sống và dành dụm trả nợ tiền vay ngân hàng để mua nhà. Nhưng rồi dịch ập đến, mất việc, xoay xở để có cái ăn đã là một nỗi lo, chưa dám nói đến chuyện trả nợ. Chật vật và ngột ngạt.

Mình đã 33 tuổi, rất khó đi xin việc vì chỗ nào cũng ưu tiên tuyển lao động dưới 30, phần vì không có nghề nào khác ngoài phục vụ du lịch. Chồng mình thì dễ hơn, có thể xin làm việc chân tay, kiểu lao động phổ thông, nhưng mức lương chỉ bằng một nửa so với trước đây. Anh ấy xin vào làm bảo vệ cho một dự án bất động sản, thường xuyên tăng ca đến 12 tiếng mỗi ngày nhưng lương chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng” - Tuyết kể.

Câu chuyện của Thanh Tuyết hẳn sẽ là một lát cắt chung của nhiều gia đình mà nguồn sống phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch ở Hội An. Con số từng khiến không ít người phải giật mình, là thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của Hội An giảm đến 14 triệu đồng, đưa Hội An tụt xuống thấp hơn nhiều so với vị trí nhiều năm trước đó trên “bảng tổng sắp” toàn tỉnh.

Trong nhiều hội nghị, có ý kiến từng đề xuất việc sẵn sàng… cứu đói cho dân Hội An, câu chuyện như đùa mà đang rất thật, nhiều đơn vị chỉ còn vài hợp đồng để duy trì ở vai trò hành chính, còn việc hoạt động trên thực tế gần như đã đứng bánh suốt hai năm ròng.

2. Không có nhiều lựa chọn cho những gia đình ở phố, giữa những khốn khó, cư dân thành thị buộc phải tìm lối mưu sinh cho mình. Làm công nhân ở các xưởng may, quay về với ít ỏi ruộng vườn còn lại, hay lao ra vỉa hè nhặt từng đồng bạc lẻ nhờ những gánh xôi, quán cóc, trà đá…

Dịch giã vẫn là nỗi ám ảnh quá lớn khi cứ hễ Hội An “thở ra” được vài ba ngày là y như rằng lại đụng một đợt dịch mới, lại đóng cửa. Nhưng, thay cho những lo lắng thường trực suốt hơn một năm qua, hình như người ta đã bắt đầu quen, hay buộc mình phải quen với đại dịch.

Thanh Tuyết nói, dạo này đầu óc cô nhẹ nhàng hơn lúc trước, có lẽ vì biết không thể thay đổi được gì nhiều ngoài việc phải tìm cách thích nghi và chấp nhận. Tới đâu hay tới đó, kiểu “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi” như nhiều người trẻ vẫn bông đùa trên mạng xã hội.

Sẽ không hề dễ chịu với việc phải chấp nhận những thay đổi tới mức chóng vánh của cuộc sống trong đại dịch. Nhưng cũng chính từ bộn bề buồn lo đó, người ta vẫn thấy hiện hữu nhiều niềm tin yêu, để tiếp tục sống, để chiến đấu với đại dịch, và cũng để chờ đợi cơ hội mới, ở ngày mai.

Mới thấy rộn ràng khách khứa dăm ngày đấy thôi, nhưng hễ nghe tin dịch bùng phát, lại thấy phố xá nghiêm cẩn chấp hành các quy định về tạm dừng hoạt động để phòng dịch, thấy những tình nguyện viên sẵn sàng mang xe cá nhân của mình để làm phương tiện chở người đi cách ly mà không lấy một đồng thù lao, rồi lại thấy người dân cùng nhau nấu những suất ăn mang vào khu cách ly tập trung…

Giữa sóng gió đại dịch, niềm tin vẫn là thứ hiện hữu, để neo trú cho hy vọng về ngày mai thôi ảm đạm. Họ về, nương tựa vào nhau, vào gia đình nhỏ của mình, dù chật vật, chờ đợi một tương lai mới lạc quan hơn, cho mình…

NỖI NIỀM CÔNG NHÂN

Nhiều công nhân vốn đã eo hẹp về kinh tế, nay lại càng khó khăn hơn trong đại dịch. Niềm vui đơn giản của họ bây giờ là giữ được công việc với mức thu nhập không quá thấp và sum họp cùng gia đình trong những khoảng thời gian rảnh rỗi khi trở về từ công xưởng. 

Quây quần chế biến bữa liên hoan nhỏ là niềm vui hiếm hoi của người lao động, công nhân ở trọ trong mùa dịch hiện nay. Ảnh:H.S
Quây quần chế biến bữa liên hoan nhỏ là niềm vui hiếm hoi của người lao động, công nhân ở trọ trong mùa dịch hiện nay. Ảnh:H.S

Chi tiêu dè sẻn

Cũng hơn một tháng rồi chị Võ Thị Liệu (quê Quế Ninh, Nông Sơn) chưa về thăm nhà. Dịch bệnh và cuộc sống nhọc nhằn khiến họ hiếm khi để ý đến “Ngày Gia đình 28.6”. Giữ được công việc chuyền may đã gắn bó hơn 5 năm nay tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc giữa lúc nhiều người khác bị giảm lương, thất nghiệp do khan hiếm đơn hàng đã là một niềm vui với chị Liệu.

“Đang nghỉ hè, con cái gửi về quê ngoại nên dạo này thơi thơi một chút. Mấy hồi con đi học ở đây nhiều chi phí đắt đỏ lắm nhưng hai vợ chồng ráng dè sẻn lo cho tụi nhỏ. Lâu lâu mấy đứa hắn cũng đòi đi ăn cái này cái kia thì cả nhà đi thôi chứ thật ra cũng không để ý ngày lễ này nọ” - chị Liệu bộc bạch.

Những gia đình công nhân bình thường vốn đã không mấy dư dả giờ càng phải “thắt lưng buộc bụng” trong đại dịch. Đã từng trải qua mấy tháng liền phải tạm nghỉ việc trong năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Công (trú phường Điện Ngọc) thấm thía cảnh khó khăn khi phải thắt chặt chi tiêu để trang trải các loại phí sinh hoạt hằng ngày.

Khi được hỏi về địa điểm thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng trong mùa hè oi bức, anh Công chia sẻ: “Gia đình tôi hay đi tắm biển vì chỗ trọ chỉ cách biển chừng 5km. Chỉ tốn mấy ngàn đồng gửi xe là mấy đứa nhỏ đã có thể nô đùa thỏa thích cả tiếng đồng hồ rồi”.

Còn anh Hòa - một lao động từng làm việc trong một công ty giặt ủi ở Cụm công nghiệp An Lưu (Điện Bàn) trầm ngâm: “Gần hai năm trời khách sạn ở Hội An không có khách thành ra nhân viên giặt ủi như chúng tôi buộc phải thông cảm cho công ty và tìm công việc khác thôi. Khó thì tất nhiên khó hơn, nhưng mà từ lúc dịch cũng ít cà kê quán xá hẳn thành ra chi tiêu lặt vặt cũng giảm đáng kể”.

Với những người lao động còn độc thân, áp lực về chi tiêu của họ nhẹ nhàng hơn tuy nhiên tiện ích sinh hoạt, giải trí gần như bó hẹp bởi khó khăn kinh tế. Anh Trần Hữu Phương (quê Quảng Trị) cũng như những người bạn của mình được công ty chủ quản khuyến cáo không nên rời khỏi nơi cư trú sau giờ làm việc để phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, những “sân chơi” lành mạnh tại chỗ vô cùng ít ỏi khiến người lao động gần như giam mình trong phòng vào mỗi tối với chiếc điện thoại thông minh để giải khuây. 

San sớt nhọc nhằn

Mọi năm cứ đến ngày gia đình 28.6, không khí tại các khu vực có nhiều công nhân sinh sống luôn sôi nổi với ngày hội thanh niên công nhân được tổ chức ở 5 phường vùng đông và khu vực ba xã Điện Thắng (Điện Bàn). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh và Liên đoàn Lao động thị xã Điện Bàn đều phải hủy hết các sự kiện này.

Ông Trương Đắc Hưng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Điện Bàn cho hay, do không thể tổ chức sự kiện nên chúng tôi tập trung các nguồn lực để hỗ trợ kinh phí, quà để chia sẻ khó khăn với các gia đình công nhân. Cụ thể, đơn vị đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 3 nhà “Mái ấm công đoàn”, trao 100 suất quà cho đoàn viên bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, gặp khó khăn do dịch Covid-19.   

Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Liên đoàn Lao động cơ sở cũng đã triển khai thông tin đến doanh nghiệp về chế độ hỗ trợ cho các đoàn viên thuộc đối tượng F0, F1 phải cách ly tập trung và người lao động nằm trong khu phong tỏa không thể đến công ty làm việc. Hy vọng những hỗ trợ này sẽ sớm đến với gia đình các lao động nghèo như sự niềm sẻ chia, động viên trong mùa dịch bệnh gian khó.

“Trách nhiệm, sẻ chia để gia đình bình yên”

Ông Hoa Hữu Vân - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL cho rằng:

“Trong cơn bão Covid-19 này, những gia đình trẻ thường phải chịu nhiều áp lực hơn. Với gia đình công nhân, có những đặc điểm chung là hai vợ chồng còn trẻ tuổi, thường cùng làm ở một công ty, phải chịu áp lực cao trong môi trường làm việc công nghiệp. Họ có con nhỏ, kinh tế không dư dả, thu nhập chủ yếu dựa vào lương và tiền làm tăng ca. Họ cũng thường phải thuê trọ trong những căn phòng nhỏ, đời sống không cao.

Chính vì vậy, khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã có những tác động rất lớn tới đời sống của gia đình họ: Con cái phải nghỉ học, không gửi trẻ được, vợ, chồng phải thay nhau nghỉ ở nhà chăm sóc con (điều này chỉ có thể làm được nếu dịch chỉ kéo dài trong thời gian ngắn nhưng thực tế, thời gian dịch bệnh kéo dài tính bằng tháng, bằng năm), dẫn đến họ không có khả năng tiếp tục nghỉ làm mà buộc phải lựa chọn gửi con về quê cho ông bà, thậm chí là mỗi con gửi một quê nội, quê ngoại. Hơn thế, bản thân họ còn có thể bị mất việc, thu nhập của gia đình không còn. Đó chính là những áp lực đang hàng ngày đè nặng lên gia đình họ.

Để giữ lửa hạnh phúc gia đình, giúp gia đình vượt qua thời đại dịch an toàn và bình yên, bên cạnh sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm, tình cảm yêu thương, chia sẻ của mỗi thành viên trong gia đình thì những giải pháp căn cơ vẫn là: Nhà nước tiếp tục quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhằm đảm bảo đời sống cho người dân, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch; phấn đấu hướng tới mọi người dân được tiêm phòng vắc xin; chú trọng trang bị thêm kỹ năng sống nhằm giúp các gia đình có thể giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột”.(XUÂN HIỀN)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia đình neo lại bình an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO