Năm nay, tròn 20 năm ngày Gia đình Việt Nam ra đời (28.6.2001 - 28.6.2021). Nếu không có dịch Covid-19, trong cả tỉnh ắt sẽ rộn ràng với rất nhiều hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước.
Ở các cơ quan, đơn vị, ngày Gia đình là dịp để gặp gỡ và chia sẻ chuyện gia đình. Tại các khu công nghiệp, mọi năm, ở nhiều công ty, xí nghiệp, công nhân lao động được nghỉ làm ngày Gia đình Việt Nam và đưa các thành viên trong gia đình đến cùng tham gia các hoạt động do công ty, doanh nghiệp tổ chức. Nhưng năm nay, mọi nơi đều im vắng.
Dịch bệnh Covid-19 đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm, thu nhập bấp bênh. Con số đáng lưu ý từ Ban quản lý Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), có đến hơn 2.640 lao động của khối sản xuất kinh doanh bị giảm thu nhập hoặc thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp do có lực lượng nhân lực tay nghề cao nên buộc phải duy trì mức lương tối thiểu vùng để giữ chân lao động mặc dù doanh thu không đủ bù cho việc vận hành.
Tại Hội An, thống kê của Phòng LĐ-TB&XH thành phố cho thấy, từ giữa tháng 2.2020 đến nay đã có hơn 14 nghìn lao động trên địa bàn thành phố bị mất việc làm.
Nếu Hội An ở cơn tâm chấn của những tác động từ dịch bệnh Covid-19, thì những khu vực ngoại vi cũng “thấm đòn”. Như xã Duy Hải (Duy Xuyên) năm 2020 có đến gần 1.000 lao động thất nghiệp, và hơn một nửa trong số này mượn lại đất canh tác từ những dự án chưa khởi động tại vùng này để sản xuất mưu sinh…
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng có thể đoán định được phần lớn lao động bị mất việc làm, bấp bênh thu nhập do ảnh hưởng của Covid-19 là trụ cột gia đình. Khi kinh tế khủng hoảng, sinh hoạt rơi vào cảnh túng thiếu sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ. Nhiều chuyên gia nhìn nhận đây chính là nguyên nhân của các vụ bạo lực gia đình liên tục gia tăng từ khi đại dịch xảy ra.
Vụ Gia đình thuộc Bộ VH-TT&DL cho biết, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tăng 50%; số lượt người được tham vấn tại “Ngôi nhà bình yên” do tổ chức này quản lý tăng 7 lần; số nạn nhân được hỗ trợ, giải cứu tiếp cận “Ngôi nhà bình yên” tăng 80%.
Vụ này cũng nhận định rằng, nhiều người sống trong những khu vực bị phong tỏa vì Covid-19 đang phải đối mặt hoặc nguy cơ đối mặt với nạn bạo lực gia đình ở ngay nơi mà lẽ ra phải là nơi an toàn nhất: trong chính ngôi nhà của họ.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh xảy ra gần 1.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 639 vụ nạn nhân là nữ, 17 vụ nạn nhân là trẻ em. Giai đoạn 2018 - 2020, trong tổng số vụ án ly hôn toàn tỉnh, nguyên nhân ly hôn liên quan đến hành vi bạo lực gia đình chiếm gần 20%, với hơn 1.000 vụ...
Trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay, việc đưa ra các giải pháp để ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em càng trở nên cần thiết. Song song với cuộc chiến chống Covid-19, cuộc chiến chống bạo lực gia đình cũng cần sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân phải nâng cao nhận thức về quyền được bảo vệ và tôn trọng của con người để có biện pháp phòng ngừa hành vi và không có hành vi bạo lực gia đình.
Mỗi thành viên trong gia đình hãy yêu thương, tôn trọng nhau để gia đình - tổ ấm luôn hạnh phúc và mãi là nơi trở về. Như lời bài hát thời gian gần đây hầu như đi đâu cũng nghe: “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát, vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà...”.