Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá heo hơi liên tục tăng nhưng ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đón được thời điểm giá cao, do không đủ sức trụ vững. Ngược lại, thành phần chăn nuôi lớn theo kiểu trang trại có sự liên kết về đầu ra vẫn “sống khỏe” giữa biến động. Hiện nhiều người chăn nuôi nhấp nhỏm tái đàn...
Giá các sản phẩm thịt heo tăng trong những ngày qua. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Nguồn cung khan dần
Ông Nguyễn Văn Đổng (thôn Lạc Thành Nam, xã Điện Hồng, Điện Bàn) từng chăn nuôi heo với số lượng lớn nhưng do ảnh hưởng của thị trường, ông giảm mạnh tổng đàn, chỉ còn vỏn vẹn 20 con heo. Trước Tết Nguyên đán, giá heo hơi rớt còn 30 nghìn đồng/kg hơi, sau đó tăng lên 35 nghìn đồng/kg, có thời điểm 38 - 40 nghìn đồng/kg hơi nên những người chăn nuôi nhỏ lẻ như ông phấn khởi. Theo ông Đổng, chi phí đầu tư cho mỗi con heo trong vòng 3 - 4 tháng tầm 1,2 - 1,4 triệu đồng, với mức giá 40 nghìn đồng/kg hơi, mỗi con heo có thể lãi 1,5 triệu đồng. Người nuôi với tổng đàn nhiều, gặp thời điểm thuận lợi về giá này cũng phấn khởi không kém. Bà Phạm Thị Hồng (thôn Lạc Thành Nam) cho biết, giá heo hơi phải từ 35 nghìn đồng/kg trở lên thì người chăn nuôi đã có lãi rồi, chứ dưới mức này thì sẽ lỗ bởi chi phí thức ăn, giống, vắc xin phòng bệnh rất cao. Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Đại Khương, xã Đại Chánh, Đại Lộc) đang nuôi 30 con heo, trong đó có 8 heo nái F2 để tự phối giống. Nhờ chăn nuôi theo phương thức truyền thống, tận dụng nông phụ phẩm nên đàn heo thịt của anh Sơn có chất lượng thịt vượt trội, được thương lái lùng mua với giá cao hơn các loại heo khác. Sau một thời gian dài heo rớt giá, gia đình anh Sơn phải cầm cự đàn heo chờ qua cơn biến động giá, thời điểm này, nhiều người nuôi như anh Sơn cũng tranh thủ xuất chuồng và có lãi khá.
Theo bà Lê Thị Thế, một tiểu thương mua heo ở thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), sau thời gian ảm đạm, giá heo hơi đang tăng cao. Bà Thế chuyên thu mua heo nuôi theo phương thức truyền thống để bán cho mối lái ưa chuộng có sẵn. Heo đang tăng giá và số lượng còn lại trong dân không nhiều nên các tiểu thương phải bỏ thời gian đi lùng sục gom hàng. Còn bà Lê Thị Hồng, tiểu thương chợ Ái Nghĩa cho rằng, so với heo ở các vùng Bình Định, Quảng Ngãi… thì heo thịt ở vùng Quảng Nam được ưa chuộng hơn, có giá cao 4 - 5 nghìn đồng/kg hơi so với các loại heo ở vùng khác. Giá heo hơi đã tăng cao, các tiểu thương cũng lấy hàng với giá cao và bán các sản phẩm từ heo đều tăng đến 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước và sau tết.
Theo các thương lái, nguyên nhân chủ yếu khiến giá heo hơi hiện nay tăng cao là tổng đàn giảm mạnh vì sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trang trại tư nhân phải bỏ chuồng, hoặc giảm đàn. Hiện nguồn heo cung ứng ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, nguồn cung về thịt heo ở thị trường Campuchia gần đây tăng do nước này đón tết cổ truyền. Suốt một tuần qua, theo dõi bản tin giá cả thị trường trong nước, giá thịt heo hơi ở các vùng Đông Nam Bộ, Nam Bộ liên tục tăng cao, dao động 35 - 38 nghìn đồng/kg hơi và có thời điểm lên tới 40 nghìn đồng/kg hơi. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi cũng đang ở mức khá, dao động 35 - 40 nghìn đồng/kg hơi...
Liên kết để chủ động đầu ra
Theo ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn (Đại Lộc), do ảnh hưởng của tình hình thị trường chung, giá cả giảm sâu vào năm 2016 - 2017, nhiều trang trại cũng ảnh hưởng theo. Dù có liên kết với các công ty nhưng do ảnh hưởng của thị trường chung, người chăn nuôi thua lỗ là không tránh khỏi. Để có thể trụ vững, cả năm qua, HTX đã giảm tổng đàn còn một nửa, lứa heo cuối năm 2017 và đầu năm 2018 này, HTX chỉ còn 400 heo nái và 2.000 heo thịt. “Giá cả tăng vọt cũng là tín hiệu đáng mừng. Heo tại trang trại tôi hiện đạt trọng lượng cả tạ, đang trong giai đoạn xuất chuồng, hy vọng có thể bù lỗ cho thời gian qua” - ông Sơn nói.
Ông Dương Mười - Giám đốc HTX Tân Hưng Phát (Đại Sơn, Đại Lộc) cho hay, HTX đang thả nuôi theo hình thức gia công cho công ty với tổng đàn 1.000 con heo thịt. Hiện lứa heo này khoảng 2 tháng nữa là tới thời điểm xuất chuồng, theo quy định trọng lượng phải đạt 1 tạ/con nên thời gian nuôi phải kéo dài 5 tháng. Giá cả thị trường tăng vọt thời gian gần đây làm cho người chăn nuôi tỏ ra phấn khởi, song giá cả thị trường luôn diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi người nuôi lớn phải chủ động về đầu ra, thị trường cũng như xây dựng chuỗi sản phẩm sạch để có thể đứng vững trước sự bất ổn của thị trường. Theo một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tổng đàn heo cơ bản đáp ứng nhu cầu nội địa, không dư thừa suốt hơn một năm qua. Cung cầu ổn định là yếu tố giúp heo hơi trong năm 2018 giữ mức ổn định, giúp người nuôi có lãi.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, giá heo hơi tăng trong thời gian gần đây là do hai yếu tố, một là người chăn nuôi giảm đàn mạnh sau thời gian dài hạ giá, riêng tổng đàn ở Quảng Nam có giảm nhẹ. Về cầu, từ sau tết, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có tăng, song Cục Chăn nuôi vẫn đang khuyến cáo không nên tăng đàn heo. Cũng theo ông Muộn, trong 5 năm trở lại đây, Sở NN&PTNT định hướng tập trung phát triển mạnh loại hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, chăn nuôi lớn theo hình thức liên kết để sản phẩm có đầu ra và giá cả ổn định. Thực tế cho thấy, trong khi người chăn nuôi nhỏ lẻ phải bỏ đàn thì loại hình chăn nuôi lớn vẫn có thể trụ được trong khó khăn.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG BA