Từ đầu mùa đến nay, giá lúa khô thương phẩm liên tục tăng. Đến thời điểm này đã ở mức 6.400 - 7.000 đồng/kg tùy từng loại. Giá lúa cao nhưng rất ít nông dân được hưởng lợi do đã bán ngay từ đầu mùa vụ, hoặc phải tích trữ để làm lương thực cho cả năm.
Vụ đông xuân vừa qua, gia đình bà Huỳnh Thị Hồng (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh, Thăng Bình) thu hoạch gần 1,5ha lúa với sản lượng gần 5 tấn. Năm nay, bà Hồng chỉ bán khoảng 1,7 tấn lúa Q.Nam 9 với giá 5.500 đồng/kg, thu về gần 9 triệu đồng (sau khi đã trừ hạt lép).
Thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân 2019 - 2020, cũng là lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, nên bà Hồng có ý định tích trữ số lúa khô còn lại để bán vào dịp khác. Đầu tháng 5 vừa qua, khi nghe thông tin giá lúa tăng, bà đã bán 3,3 tấn lúa còn lại với giá 6.200 đồng/kg.
“Chưa bao giờ giá lúa liên tục tăng như vậy. Mọi năm nếu tăng cao lắm cũng chỉ ở mức 6.000 đồng/kg đối với giống lúa 13/2. Còn bây giờ, lúa gì cũng có giá gần ngang nhau. Gia đình tôi tích trữ lại chút ít mới bán giá cao như vậy, chứ không đã bán ngay từ đầu vụ để trang trải chi phí khác” - bà Hồng chia sẻ.
Không phải nông hộ nào cũng giống bà Huỳnh Thì Hồng. Bởi thời điểm đầu vụ, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình đã bán lúa khô thương phẩm với giá thấp để chi phí các dịch vụ khác. Bây giờ, giá lúa tăng lên, nông dân lại tiếc rẻ.
Từ đầu vụ đông xuân đến nay, cơ sở của anh Huỳnh Văn Minh (thôn Mỹ Trà, xã Bình Chánh) đã thu mua của nông dân hơn 100 tấn lúa các loại. Tuy nhiên, kho chứa hiện nay của cơ sở không dự trữ được nhiều, bởi sau khi thu mua, anh Minh liền bán lại cho thương lái khác để có tiền thanh toán cho bà con.
Anh Minh nói: “Giá lúa tăng liên tục từ đầu vụ đến nay. Nhiều nông dân bán lúa để lấy tiền trang trải chi phí đầu tư nên buộc lòng tôi phải thanh toán tiền mặt tại chỗ. Do đó, cơ sở thu mua bao nhiêu lúa về thì lập tức bán lại cho thương lái khác. Vì vậy, hiện trong kho nhà không trữ được bao nhiêu. Hiện giá lúa khô thương phẩm cao nhưng cơ sở của tôi không còn nhiều để bán cho các mối khác. Trong khi đó, ngay từ đầu vụ dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh nên cũng không dám trữ nhiều vì sợ lỗ như mọi năm”.
Vụ đông xuân 2019 - 2020 vừa qua, toàn huyện Thăng Bình xuống giống gần 8.365ha, năng suất bình quân ước đạt 58,56 tạ/ha, sản lượng 48.987 tấn. Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, đông xuân là vụ chính trong năm, do đó người nông bán đi khoảng một nửa sản lượng lúa làm ra để chi trả các khoản đầu tư trước đó, còn lại vẫn tích trữ để làm lương thực cho cả năm. Bởi, theo dự đoán của nhiều người, thường thì vụ hè thu đến, nhiều hộ vẫn bỏ ruộng hoang vì thiếu nước. Nông dân thường có thói quen sau thu hoạch lúa là bán ngay, thậm chí nhiều nông dân trên địa bàn huyện còn bán lúa tươi tại ruộng. Do vậy, hiện giá lúa lên mức cao nhưng rất ít nông dân còn lúa để bán vào thời điểm này.