Giá lương thực giảm

NAM VIỆT 04/12/2013 14:21

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố chỉ số giá thực phẩm thế giới trong giao dịch quốc tế đã giảm 6% liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt tại các nước đang phát triển.

Cụ thể, chỉ số giá thực phẩm của WB giảm 12% so với năm trước và giảm 16% so với mức cao kỷ lục nhất hồi tháng 8.2012. Tình hình thời tiết thuận lợi và điều kiện sản xuất được cải thiện đã đóng vai trò nhất định trong xu hướng giảm giá lương thực thế giới. Trong đó, dự báo vụ thu hoạch kỷ lục của lúa mì, ngô và gạo đang tiến triển khá tốt. Số liệu từ WB cho thấy, giá ngũ cốc giảm mạnh, tới 19% trong giai đoạn trên là một trong các yếu tố chính dẫn dắt xu hướng giảm giá thực phẩm. Bên cạnh đó, giá phân bón trong vài tháng qua đã không tăng, cho dù trung bình giá dầu thô, theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 6%.

Giá gạo giảm trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10.2013 do nguồn cung dự báo thuận lợi.
Giá gạo giảm trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 10.2013 do nguồn cung dự báo thuận lợi.

Dù vậy, WB khuyến cáo, điều kiện thời tiết bất lợi do diễn biến khí hậu khắc nghiệt đang diễn ra chắc chắn ảnh hưởng đến vụ thu hoạch sắp tới tại các nước sản xuất lương thực hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, các nước vùng Nam Mỹ… Hơn nữa, những bất ổn về địa - chính trị tại một số khu vực có khả năng đẩy giá cả lương thực tăng cao trở lại. Nhiều chuyên gia kinh tế của WB đánh giá, thu nhập tăng cao khiến nhu cầu lương thực thực phẩm cao cấp tăng lên. Ví như, mức tiêu thụ lương thực ở các nước đang phát triển đã tăng 30%/năm trong suốt thập niên qua nhờ thu nhập người dân tăng lên. Hơn nữa, dân số thế giới tăng nhanh sẽ đẩy giá lương thực tăng thêm 10 - 40% trong thập niên tới.

Báo cáo kỳ này của WB đề cập vai trò của các trang trại với quy mô cực lớn, còn gọi là “siêu trại” (super-farms). Các siêu trại có thể trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo. Xu hướng này vẫn đang được theo dõi và đánh giá rất thận trọng xem liệu sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực trong việc thúc đẩy thịnh vượng chung. Đặc biệt tại các quốc gia có thể chế và an sinh xã hội còn yếu kém, những lo ngại về môi trường và động vật cần được cân nhắc, trong khi tính đến những lợi ích hứa hẹn như công ăn việc làm và hiệu quả lợi nhuận.

Ở phần lớn các nước châu Á - Thái Bình Dương, nông nghiệp - ngành sản xuất lương thực có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, luôn gắn liền với an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn. Thời gian qua, nhiều quốc gia trong vùng đã nỗ lực vượt qua khó khăn phát triển nông nghiệp, đặc biệt sản xuất lương thực. Trong “Tầm nhìn nông nghiệp 2013 - 2022” vừa công bố, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cùng tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khuyến nghị, các chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư để gia tăng sản xuất lương thực. Theo đó, chính phủ cần tìm cách cho nông dân có thể tiếp cận được với công nghệ, giúp gia tăng sản lượng và đưa nông sản ra thị trường nhiều hơn. Các nước cần nhanh chóng chuyển từ chính sách lạc hậu sang tập trung vào sản xuất và sáng tạo. Giá lương thực cao hơn ảnh hưởng lớn nhất ở thế giới đang phát triển, nơi nhiều gia đình phải chi tới 60% thu nhập cho lương thực. Bởi vậy, ổn định giá cả lương thực là điều mà mọi người luôn quan tâm.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá lương thực giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO