(QNO) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa thông tin, lạm phát giá lương thực từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 tại hầu hết quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vẫn ở mức cao.
WB nêu chi tiết, mức lạm phát giá lương thực cao hơn 5% ở 70,6% quốc gia có thu nhập thấp và 90,9% ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ lạm phát cũng ở mức hơn 5% tại 87% quốc gia có thu nhập trung bình cao.
WB cũng nhấn mạnh khoảng 84,2% quốc gia có thu nhập cao đang trải qua lạm phát giá lương thực tăng.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á.
WB cho biết, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) đạt trung bình 126,9 điểm vào tháng 3/2023, giảm nhẹ 2,1% so với tháng 2/2023 và giảm 20,5% so với mức cao nhất vào tháng 3/2022, nhưng giá lương thực thế giới hiện vẫn ở mức cao.
Vào năm 2019 và trước COVID-19, chỉ số giá lương thực của FAO đứng ở mức 95,1 điểm.
Cũng theo WB, sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine - Nga bùng phát vào tháng 2/2022, cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do ngày càng có nhiều quốc gia áp đặt các hạn chế thương mại lương thực.
Tính đến ngày 13/3/2023, 23 quốc gia thực hiện 29 lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 10 quốc gia thực hiện 14 biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Là một phần trong nỗ lực ứng phó toàn cầu với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, vào tháng 4 năm ngoái, WB thông báo rằng cung cấp tới 30 tỷ USD trong 15 tháng, như hỗ trợ các nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện tăng cường thương mại thực phẩm, hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương và đầu tư vào an ninh lương thực và dinh dưỡng bền vững.