Huyện Nam Trà My đã sắp bước vào tuổi 15 kể từ ngày tách ra từ huyện Trà My cũ. Và cũng chừng ấy thời gian, những công dân mới lên cùng thời gian lập huyện, vẫn đều đặn thấy một phụ nữ Ca Dong dáng thấp, nước da bánh mật, thong dong cõng gùi rau, chuối trên những con đường trung tâm huyện bán cho người qua lại. Nhưng thực ra, gùi rau, chuối ấy đã trên đôi vai chai sạm và theo đôi chân trần của già Hồ Thị Nam (làng Tăk Ri, xã Trà Tập) rong ruổi bán dạo dọc đường từ những ngày huyện còn chưa thành lập, và dần mở ra thói quen bán - mua cho người trong làng.
Già Hồ Thị Nam trên đường về sau chuyến đưa rau ra trung tâm huyện bán. Ảnh: NGÔ TRẦN |
1. Già Nam ở tuổi gần 70, tôi đoán vậy vì năm sinh già không nhớ rõ. Già bảo “hình như sinh năm 50 gì đấy, lâu rồi”, khi tôi hỏi đã được bao nhiêu tuổi. Đôi mắt tinh tường, ánh nhìn sắc sảo, đôi gò má cao và mái tóc vẫn còn đen nhánh, cho thấy già còn khỏe lắm. Gương mặt, đôi mắt, nước da ấy, cùng với những chuỗi vòng hạt đeo ở cổ, vòng kiềng đeo ở tay…, toát lên nét đặc trưng của người phụ nữ thiểu số miền núi cao: dung dị, chân chất trong lối sống, ngôn từ; rắn chắc, dẻo dai trong hình thể thấp nhỏ; nhẫn nại, bền bỉ trong cuộc mưu sinh gắn với núi rừng từ bao đời…
“Hôm nay già không lên rẫy à?”. “Già mới đi bán về, nghỉ ngơi, cho heo ăn”. Già Nam trả lời tôi, vừa lui cui quét dọn nhà bằng cây chổi đót tự làm. “Được bao nhiêu ạ?”. “Ui, bữa ni được có 50 nghìn thôi! Bắp chuối ít tiền quá!”. Giọng già Nam thoáng chút tiếc rẻ… “Già mua gì mang về không ạ!”. “Thì mua nước mắm, bột ngọt, ít cá mang về cho nhà ăn hôm nay”. Già Nam thư thả nói, tay vẫn không dừng quét. “Già có mệt lắm không? Tuổi này già nghỉ ngơi để con cháu nuôi cho khỏe!”. Tôi không nhìn, nhưng biết già đang nhìn về phía tôi, vẫn giữ giọng từ tốn: “Già quen rồi, mấy chục năm cõng gùi bán dạo. Ngày xưa đường đất, giờ đường nhựa, đường bê tông, lại đông người mua, mình đi nhanh, bán nhanh hơn. Ngày mới đi bán, cách đây rất lâu, người ngoài chưa quen mua, người làng chưa quen bán, ai cũng cười già. Nhưng già không ngại mô… Mình có rau, có chuối, không dùng hết thì cứ bán thôi…, đâu trộm cắp của ai mà sợ…”.
Già Nam không nhớ hết mình đã trèo bao nhiêu con dốc, lội bao nhiêu con suối, đã đi bao nhiêu quãng đường trong suốt cuộc mưu sinh mấy mươi năm cõng gùi bán dạo. Có điều bây giờ già không còn độc hành nữa, mà có cả những chị em khác, là lớp con cháu trong làng học theo già cõng gùi ra huyện, đưa rau, chuối đến tận tay người dùng…
2. “Từ ngày huyện thành lập, người lên ở đông hơn. Cái rau, cái chuối cũng được nhiều người mua hơn. Già siêng đi rẫy, siêng chăm vườn… Rồi nhiều người trong làng cũng làm theo già, lên rừng, làm rẫy, trồng rau…, để có thứ bán mỗi ngày. Ngày trước nhiều loại rau rừng lắm, vì cây còn nhiều, rau cũng chen mọc được. Rau lủi, rau má mọc hoang; rau cải, rau bí, chuối mốc mình tự trồng… Ngày nào cũng có rau để bán. Mỗi ngày già bán được hơn trăm nghìn” - già Nam kể. “Già có để dành được nhiều tiền bán rau không ạ?”. “Cũng có để dành được ít chứ. Tiền đó già nuôi mấy đứa con ăn học và mua sắm trong gia đình. Nói chung cũng đỡ hơn nhiều nhà khác trong làng”. “Giờ nhiều người cũng đi bán, già có lo bán được ít tiền hơn không?”. “Ui, lo chi. Nhiều người mua lắm, chỉ sợ không có rau, không có chuối bán thôi… Có con cháu trong làng trong xã cùng đi bán, cùng biết làm ăn, thì già vui chứ lo gì”. Già Nam vừa đẩy mấy thanh củi cháy lan vào bếp, vừa nói mà giọng như phấn khởi hẳn lên.
Già Nam không nhớ hết mình đã trèo bao nhiêu con dốc, lội bao nhiêu con suối, đã đi bao nhiêu quãng đường trong suốt cuộc mưu sinh mấy mươi năm cõng gùi bán dạo. Có điều bây giờ già không còn độc hành nữa, mà có cả những chị em khác, là lớp con cháu trong làng học theo già cõng gùi ra huyện, đưa rau, chuối đến tận tay người dùng… |
Quả thật như thế, huyện càng ngày càng đông dân hơn, ai cũng lo thực phẩm bẩn, thì những gùi rau không phân bón, không thuốc trừ sâu như của già Nam mỗi khi ra đến đường chính của huyện là các hàng quán và cán bộ, người dân tranh nhau mua hết. Mùa nào thức nấy, rau lủi, ớt xiêm, măng nứa, rau má, bắp chuối rừng, chuối mốc, ngọn bí, ngọn lang…, cứ theo gùi già Nam và con cháu trong làng đều đặn xuống huyện mỗi ngày. Vào mùa cao điểm măng nứa, có hôm cả sáng lẫn chiều, những chiếc gùi trên vai đi gần 3 cây số từ nhà ra trung tâm huyện, kịp bán cho các hàng quán và tiểu thương mua gom về xuôi. Và theo nhu cầu, cũng như cách định lượng mua bán bây giờ, các thứ rau, ớt, chuối ấy cũng được bó thành lọn, hoặc đóng gói trong từng bì nhỏ…, với giá hợp lý cho người mua. Việc đó cũng giúp già Nam và những chị em cõng gùi bán dạo dễ định lượng số tiền mình sẽ kiếm được trong mỗi chuyến đưa gùi ra phố, để chủ động tính toán những thứ thực phẩm, vật dụng khác cần mua về dùng trong gia đình.
3. “Già được huyện cho đi tham quan, thấy người đồng bằng làm nhiều rau, nuôi nhiều gà vịt..., đất rộng dùng máy cày xới có thêm phân bón nữa, già thèm lắm! Đất mình dốc quá, lại không có phân bón, rừng cũng cạn dần, con nước cứ lên cao mãi đỉnh đồi, nên trồng rau giờ cũng khó hơn”. Giọng già Nam như chùng xuống, mắt đượm buồn nhìn xa xa nơi phía ruộng lúa bậc thang đang đứng đòng phất phơ trong nắng ban trưa cùng vài cây quế đơn độc trên triền đồi.
Tôi bỏ ngang câu chuyện, dợm người bước ra phía sau căn bếp, dòm vào chuồng heo được che chắn khá kỹ bằng những tấm ván bìa. Hai chú heo đen múp míp nằm lim dim mắt, bụng căng tròn. Bên ngoài, một chú heo đực giống nằm phơi nắng bên vách. “Già che chắn vậy mà nó cũng nhảy ra được đấy” - tiếng già Nam vọng ra qua khe ván. “Thế các con không giúp già bắt nó vào à?”. “Chúng nó ở nhà mới trên làng, nhưng đi phát rẫy cả rồi”.
“Nhà mới trên làng” mà già Nam nói là căn nhà tình nghĩa được Cơ quan Quân sự huyện trao tặng hồi trước tết vừa rồi. Già Nam cũng là hộ chính sách, đợt mưa lũ vừa rồi nhà già có nguy cơ sạt lở do nằm bên vách đồi nên được xã chọn đề nghị hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Thế nên nhà cũ giờ chỉ còn gian bếp và chuồng heo, nơi già nuôi heo và làm chỗ cất rau, chuối hái được mỗi khi ra vườn, ra rẫy, để cõng đi bán. Trong gian bếp ấy, bên những bao lúa rẫy còn lại của vụ trước chưa dùng hết là mấy chiếc gùi cũ và mới đặt cạnh nhau, những vật dụng quen thuộc đã theo già Nam trong hành trình mưu sinh mấy chục năm qua.
Tôi tin, với sức khỏe ấy, già Nam sẽ vẫn còn những tháng năm đeo gùi lên rẫy, rồi lại xuống huyện, mang theo những sản phẩm sạch của rừng và từ đôi tay tự mình trồng, cấy. Và nối tiếp cùng bước chân của già Nam bây giờ là những đôi chân của lớp cháu con trong làng đã dần quen với chuyện mua bán. Họ mang theo gùi rau, chuối trên vai, đến từng ngõ, từng hàng quán, nơi luôn có người vẫn chờ mỗi ngày để được mua những bó rau xanh mướt, những bì ớt xiêm cay nồng, đượm cả vị mồ hôi…
Ghi chép của NGÔ TRẦN