Hiện nay, huyện Thăng Bình đã hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Điểm giết mổ gia súc tập trung của xã Bình An (Thăng Bình) do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình An 2 (HTX Bình An 2) triển khai xây dựng vào năm 2013 với nguồn vốn đầu tư hơn 240 triệu đồng, trong đó UBND huyện Thăng Bình hỗ trợ 85 triệu đồng. Cơ sở giết mổ tập trung này xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn quy hoạch với số lượng nhốt tập trung khoảng 200 con heo. Theo đó, các chủ lò giết mổ riêng lẻ phải tập trung về điểm giết mổ theo quy định với mức phí là 28 nghìn đồng/con heo (trong đó nộp lại UBND huyện Thăng Bình là 7 nghìn đồng, còn lại HTX chi phí tiền điện, nước, củi, bảo vệ và vệ sinh môi trường). Theo thống kê, trong vòng 3 tháng đầu thành lập, HTX mổ tập trung mỗi đêm 20 - 25 con heo, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, mỗi đêm HTX chỉ mổ được 2 - 5 con. Ông Nguyễn Lực - Phó Chủ nhiệm HTX Bình An 2 nói: “Trên địa bàn xã có 5 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ mà mỗi đêm, cơ sở tập trung chỉ mổ được 2 - 5 con heo. Trong khi đó, mỗi buổi sáng tại các chợ trên địa bàn xã thì thịt bán tràn lan. Có thể một số điểm giết mổ nhỏ lẻ không dám đến cơ sở giết mổ tập trung do nhập heo về không rõ nguồn gốc. Ban đầu, UBND xã cùng với HTX quản lý rất tốt khâu giết mổ tập trung, tuy nhiên càng về sau do thiếu sự quản lý nên điểm giết mổ ế ẩm”.
Điểm giết mổ tập trung của HTX Bình An 2 rơi vào ế ẩm. Ảnh: GIANG BIÊN |
Theo ông Phan Công Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, thời gian tới Đội kiểm tra liên ngành huyện Thăng Bình phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh tổ chức kiểm tra các chợ, điểm bán thịt và các hộ giết mổ nhỏ lẻ và xử lý kiên quyết, xóa bỏ những điểm không đảm bảo. |
Ông Ngô Hường - Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, để dịch vụ khỏi rơi vào bế tắc, UBND xã Bình An đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử phạt việc giết mổ tùy tiện không theo quy định chung, siết chặt khâu quản lý. Thế nhưng, tình trạng gia súc không được đưa vào cơ sở giết mổ tập trung vẫn còn xảy ra. Trước thực trạng đó, đầu tháng 10.2014, HTX Bình An 2 có tờ trình xin ngừng hoạt động cơ sở giết mổ, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Theo Ban HTX Bình An 2, ngày 10.9.2014 UBND huyện Thăng Bình ra thông báo về việc sắp xếp lại điểm giết mổ gia súc, gia cầm tại các xã Bình Quế, Bình An và Bình Nam. Theo đó, thống nhất điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các xã Bình Quế, Bình An và Bình Nam tại cụm điểm HTX Bình An 2. UBND huyện chỉ đạo UBND các xã phải họp các hộ kinh doanh giết mổ, quán triệt chủ trương và buộc các hộ thực hiện đúng địa điểm quy hoạch, tuyệt đối không được kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm tại nhà và các điểm khác trái với quy định. Bên cạnh đó, UBND huyện đề nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh giết mổ của các hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn các xã và thu hồi dấu kiểm soát giết mổ đối với xã Bình Quế và Bình Nam. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn không chấp hành. Ông Trần Vũ Bảo - Phó phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết đã nhiều lần đơn vị phối hợp với địa phương và Trạm Thú y huyện họp dân tại các xã Bình Nam và Bình Quế. Các hộ dân cam kết vào điểm giết mổ tập trung, tuy nhiên tình hình đâu vẫn vào đấy. “Qua tìm hiểu nguyên nhân, nhiều hộ giết mổ cho rằng quá xa, nhưng theo tôi đó là do chưa có sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương Bình Nam và Bình Quế” - ông Bảo nói.
Hiện nay trên địa bàn huyện Thăng Bình có 29 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được phép hoạt động. Đặc biệt, điểm giết mổ tập trung tại xã Bình Phục do Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam thực hiện đã đi vào hoạt động vào tháng 11.2014, phục vụ cho 8 địa phương gồm thị trấn Hà Lam, xã Bình Quý, Bình Nguyên, Bình Phục, Bình Triều, Bình Đào, Bình Giang và Bình Dương. Cơ quan chức năng của huyện đã tịch thu 8 con dấu kiểm soát giết mổ tại 8 xã, thị trấn nói trên nhưng đến nay vẫn chỉ có 15/40 hộ tham gia vào điểm giết mổ tập trung Bình Phục. Ông Trần Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Thực hiện theo chủ trương của huyện, địa phương đã nhiều lần vận động các hộ dân giết mổ nhỏ lẻ vào khu vực tập trung. Tuy nhiên, người dân phản ánh từ Bình Đào chuyển lên điểm Bình Phục giết mổ thì quá xa, không có phương tiện chuyên chở, trong khi đó lên điểm giết mổ phải chờ đợi, tranh giành”. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Vũ Bảo cho biết thêm, việc phản ánh ở các địa phương đưa ra là không hợp lý. Hiện nay, điểm giết mổ tại xã Bình Phục có công suất giết mổ 200 - 500 con gia súc, gia cầm mỗi đêm, đảm bảo đầy đủ các điều kiện giết mổ. Tuy nhiên, các điểm giết mổ nhỏ lẻ không vào là do chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Phòng NN&PTNT nhiều lần phối hợp với đội liên ngành đi kiểm tra tại các địa phương. Nhưng nếu chỉ có đội liên ngành thì không thể kiểm tra, tiếp cận với các hộ giết mổ kín cổng cao tường mà cần phải có sự hỗ trợ của lực lượng công an địa phương. Bên cạnh đó, địa phương phải có biện pháp mạnh, kiên quyết thu hồi gia súc, gia cầm đối với sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.
GIANG BIÊN