Cùng với dịch sốt xuất huyết, các bệnh lý theo mùa ở trẻ em cũng như nguy cơ đột quỵ ở người lớn vào mùa nắng nóng... đang có dấu hiệu gia tăng.
Nguy cơ đột quỵ
Liên tục từ đầu mùa hè đến nay, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam đã cấp cứu nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, giành lại sự sống cho người bệnh.
Cụ thể, khuya 4.7, bệnh nhân T.Q (66 tuổi, ở xã Tam Anh Nam, Núi Thành) nhập viện trong tình trạng đột ngột liệt người phải, nói ngọng, nhập viện vào Khoa Cấp cứu của BV.
Bác sĩ Trần Văn Phúc và ê kip trực cấp cứu khởi động quy trình báo động đỏ toàn viện sau khi phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ não giờ thứ 3. Bệnh nhân được chỉ định dùng tiêu sợi huyết, sau 15 phút các triệu chứng dần được cải thiện. Sau đó, các triệu chứng đột quỵ ban đầu gần như không còn.
Trước đó, các trường hợp nhập viện và được phát hiện nhồi máu cơ tim cấp thành trước... cũng được y bác sĩ Khoa Cấp cứu - BV Đa khoa Quảng Nam xử lý kịp thời.
Theo thống kê y học, số người bị đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè, cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Với thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị đột quỵ thường xảy ra khi nhiệt độ ngoài trời dao động từ 32 độ C trở lên. Người già và trẻ em là những đối tượng dễ gặp phải biến cố đột quỵ do nắng nóng.
Các nghiên cứu y khoa cho biết, vì nhóm đối tượng này thích nghi với sự tăng nhiệt chậm hơn so với những người khác. Ngoài ra, người sống trong khu vực đô thị thường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người ở vùng nông thôn.
Nguyên nhân ban ngày trời nóng, những người ở thành phố chịu hiệu ứng đô thị, dẫn đến nhiệt độ môi trường đô thị thường tăng cao hơn mức nhiệt thời tiết. Trong khi đó, vào ban đêm lại xảy ra hiện tượng “đảo nhiệt”, tức là nhiệt độ từ đường nhựa, bê tông phả ra ngoài, khiến cho nhiệt độ buổi tối giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.
Bác sĩ Trần Văn Phúc - Khoa Cấp cứu, BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, cùng với việc bị sốc nhiệt mùa nắng nóng thì nguy cơ đột quỵ xảy ra trong giai đoạn này cũng khá cao. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tiến triển từ nhẹ đến nặng.
Nhiều người có triệu chứng ban đầu kiệt sức do nắng nóng, sau đó tiến triển dần. Theo đó, nhiều bệnh nhân có những dấu hiệu này dễ nghĩ rằng chỉ là say nắng, cảm nắng nên chủ quan bỏ qua. Điều này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nhanh chóng rơi vào hôn mê chỉ trong vài phút, thậm chí tử vong.
Nhiều bệnh mùa hè
Bệnh mùa hè ở trẻ nhỏ cũng đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt ở trẻ mầm non. Quan sát tại các phòng khám nhi khoa trên địa bàn TP.Tam Kỳ, số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp, viêm ruột ngày càng nhiều.
Trong khi đó, tại BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam, những ngày vừa qua, nhiều trường hợp trẻ em nhập viện với các bệnh thường gặp mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thời tiết. Viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột, tiêu chảy, tay chân miệng… là những bệnh lý thường gặp ở đối tượng trẻ nhỏ. Mỗi ngày BV tiếp nhận và điều trị cho hơn 10 bệnh nhân và đến thời điểm này các bệnh nhi vẫn gia tăng chưa có xu hướng giảm.
Đại diện BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, cơ sở này đã chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị để điều trị tích cực ngay từ khi trẻ vào viện. Dù số trẻ nhập viện có tăng nhưng chưa xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh cần chủ động phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm, tránh những nơi đông người...
Trong khi đó, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ghi nhận tại Quảng Nam vẫn chưa hạ nhiệt. Tính đến ngày 30.6, Quảng Nam đã ghi nhận 2.231 ca mắc SXH tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố, cao hơn so với năm 2019 và tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 246 ca.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận định, SXH bắt đầu tăng nhanh từ tuần thứ 21 (hơn 100 ca/tuần), tăng đột biến bắt đầu từ tuần thứ 24 (hơn 300 ca/tuần) và chưa có xu hướng giảm.
Đây là thời điểm thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH là muỗi và bọ gậy phát triển, nguy cơ gia tăng ca bệnh và lan rộng ra nhiều địa phương nếu không có biện pháp chủ động phòng chống dịch.
UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu các địa phương triển khai vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, các địa phương tăng cường kiểm tra các hoạt động phòng chống dịch, bổ sung kinh phí, cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân sự sẵn sàng phục vụ công tác chống dịch. Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện thông tin báo cáo khi phát hiện người mắc SXH theo quy định...