(QNO) - Theo Reuters, người dân Anh đang quay cuồng vì giá lương thực tăng mạnh nhất kể từ năm 1977.
Salad là món ăn phổ biến của người dân tại Vương quốc Anh. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu làm salad bao gồm cà chua, dưa chuột và ớt trong những tuần gần đây sau khi vụ thu hoạch bị gián đoạn ở Bắc Phi làm giảm nguồn cung, sản xuất rau xanh tại Anh cũng giảm.
Lạm phát buộc người thu mua đầu mối phải chi tiêu nhiều hơn nhưng cũng chỉ mua ít hơn từ các thị trường trọng điểm như Tây Ban Nha để cầm chừng nguồn cung đến người tiêu dùng Anh.
Dữ liệu của cơ quan thuế cho thấy Anh nhập khẩu hơn 266 nghìn tấn rau vào tháng 1/2023 - số lượng nhỏ nhất trong bất kỳ tháng 1 nào kể từ năm 2010 trong khi dân số ít hơn khoảng 7% so với hiện tại.
Reuters cho rằng, vấn đề phức tạp hơn là sản lượng nguyên liệu salad của Anh dự kiến sẽ đạt mức thấp kỷ lục trong năm nay do giá năng lượng tăng cao ngăn cản các nhà sản xuất Anh trồng trọt trong nhà kính.
Ngoài ra, các điều kiện thắt chặt khác góp phần đẩy lạm phát giá lương thực của Anh lên mức chưa từng thấy trong gần 50 năm qua.
Dữ liệu từ nhà nghiên cứu thị trường Kantar vừa thông tin, lạm phát giá hàng tạp hóa ở Anh đạt mức kỷ lục 17,5% trong 4 tuần tính đến ngày 19/3 vừa qua nhấn mạnh vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách.
Nhiều nhà bán lẻ thực phẩm ở Anh đang mua ít hơn khi biết rằng nhiều khách hàng không đủ khả năng chi tiêu cao hơn, khiến lợi nhuận của các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng.
Những người trồng trọt, hiệp hội nông nghiệp và chủ cửa hàng tại Anh cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nhiều hơn ở phía trước, có thể sớm lan sang các loại cây lương thực chính khác như tỏi tây, súp lơ và cà rốt vì hạn hán vào mùa hè và sương giá mùa đông.
Vào tháng 3 hằng năm, Anh thường nhập khẩu khoảng 95% cà chua nhưng tỷ lệ này giảm xuống 40% từ tháng 6 đến tháng 9.
Trong khi Chính phủ và các siêu thị tại Anh nói rằng vẫn tự tin về nguồn cung, nhưng cuộc khủng hoảng salad càng làm sáng tỏ tình trạng bấp bênh của ngành sản xuất thực phẩm tươi sống của Anh.
Các chuyên gia phân tích, việc Anh rời khỏi khối Liên minh châu Âu cũng đóng một phần vai trò gây ra cuộc khủng rau quả tại Anh bởi việc gia tăng các thủ tục giấy tờ khiến các tài xế không muốn thực hiện chuyến đi đến Anh. Điều này cũng có thể giải thích tại sao các kệ siêu thị ở lục địa châu Âu nhìn chung vẫn còn đầy hàng.
Tuy vậy, ông Andrew Opie - Giám đốc thực phẩm và tính bền vững của Hiệp hội Bán lẻ Anh - cơ quan đại diện cho các nhà bán lẻ thực phẩm lớn cho biết các siêu thị tự tin về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thực phẩm khi mùa thu hoạch ở Anh đang đến gần.