Gia tăng nạn bẫy thú rừng

TRẦN NGUYỄN 07/01/2015 09:25

Tình trạng săn bắn, bẫy động vật hoang dã quý hiếm ở miền núi trở nên khá phổ biến, trong khi lực lượng chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Cánh rừng Trường Sơn dọc biên giới giữa Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) luôn là “điểm nóng” của nạn bẫy thú rừng. Tại xã La Dêê, Chà Vàl, Đắc Tôi (Nam Giang)… xuất hiện nhiều “làng chó cụt chân” do dính phải bẫy của giới thợ săn trong rừng. Theo Thượng úy Trịnh Thanh Bình – Đội trưởng đội trinh sát (Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), trong đợt truy quét cuối năm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lực lượng chức năng đã phá hủy 1.500 cái bẫy thú rừng. Sát cửa khẩu có một nhóm khoảng vài chục người quê ở Quảng Bình chuyên sống bằng nghề bẫy thú rừng, hoạt động rất tinh vi và chuyên nghiệp. “Gần như chuyến tuần tra, truy quét nào chúng tôi cũng tịch thu và tự phá hủy bẫy của thợ săn, ít nhất vài trăm chiếc. Nhiều con chó nuôi tại đơn vị bị cụt chân do mắc bẫy” – Thượng úy Bình cho biết.

Giới thợ săn tự chế dụng cụ bẫy, chủ yếu để bắt nai, heo rừng. Bẫy đặt càng nhiều thì khả năng bắt được thú rừng càng lớn. Dọc vùng biên giới từ xã Chà Vàl lên La Dêê, xuất hiện nhiều điểm cung ứng thịt rừng. Một tay thợ săn ở làng Đắc Tà Oóc (xã La Dêê) tiết lộ, công đoạn bẫy heo rừng, nai, hoẵng rất đơn giản, khó nhất là bẫy những động vật như voọc, chồn hương, báo lửa. Với hổ, báo, chồn hương nếu phát hiện, chỉ có cách dùng súng sát hại. Thợ săn cũng lén lút sử dụng súng săn bắn. Năm 2014, riêng xã Cà Dy (Nam Giang), lực lượng kiểm lâm đã tháo dỡ và tiêu hủy hơn 5.000 bẫy thú rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm 2014 lực lượng chức năng đã phát hiện, hủy hơn 10 nghìn bẫy thú rừng tại miền núi, tịch thu hơn 400kg thịt rừng vận chuyển, tiêu thụ trái phép.

Theo tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tại Việt Nam, trước kia loài hổ phân bố ở dãy rừng Trung Trường Sơn chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, ước có số lượng hổ trên 7 cá thể, nhưng hiện tại ước còn vài cá thể. Khoảng 10 năm trước đây, loài voọc chà vá chân xám, linh trưởng được phát hiện với hàng chục cá thể ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thì 4 năm trở lại đây gần như kiểm lâm và người dân chưa phát hiện được cá thể nào sinh sống ở dãy rừng này. Các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã trong nước lẫn quốc tế dự báo, nếu không ngăn chặn kịp thời thì sớm muộn gì rừng Trung Trường Sơn qua Quảng Nam sẽ bị tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm. Những năm qua, các tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương có nhiều cố gắng trong phục hồi “ngôi nhà chung” cho muông thú sinh sống bằng cách hành động bảo tồn đa dạng sinh học. Đáng chú ý, UBND tỉnh quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 133.722ha, bao gồm các Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao La, Ngọc Linh, Voi Nông Sơn, Cù Lao Chàm… Đặc biệt, chính quyền 2 huyện Phước Sơn, Nam Giang đã có động thái tích cực trong kiểm soát chặt chẽ các hoạt động săn bắn, buôn bán động vật hoang dã; phân loại các vùng rừng ưu tiên để có kế hoạch bảo tồn sinh thái. Thêm vào đó, bắt buộc hàng nghìn hộ dân sinh sống gần khu vực rừng đặc dụng và các nhà hàng, quán ăn cam kết không khai thác, mua bán, kinh doanh, chế biến động vật rừng và các sản phẩm của chúng khi không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy vậy, các chế tài xử lý của lực lượng chức năng vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để nạn sát hại muông thú ở miền núi.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gia tăng nạn bẫy thú rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO