Giá thức ăn chăn nuôi gần đây tăng cao khiến nhiều mô hình kinh tế của nông dân đứng trước nguy cơ mất lãi. Dù vậy, tình trạng này khó thể có giải pháp điều chỉnh, bởi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu.
Giá “nhảy múa”
Những ngày qua, hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò, TP.Hội An mang tâm trạng bất an khi giá bột cám liên tục tăng.
“Tuần trước chỉ 385 nghìn/bao (25 ký) nhưng bây giờ đã tăng lên 400 nghìn đồng, riêng với bột cho cá dìa, cá nâu giá đã lên 450 nghìn đồng/bao. Đại lý báo giá sao mình hay vậy chứ cũng không biết vì sao tăng” - ông Nguyễn Duy Phương (khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết.
Theo ông Phương, từ đầu năm đến nay, giá bột cám cho cá ăn tăng 4 lần, trong khi cá xuất bè giảm giá 3 - 4 nghìn đồng/kg. Mùa này ông Phương nuôi 12 bè cá diêu hồng, dự kiến sau 6 tháng sẽ xuất. Bình quân mỗi ngày các bè cá tiêu thụ 3 - 5 bao bột cám, tùy theo thời kỳ phát triển.
Mặc dù nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò không được TP.Hội An khuyến khích nhưng số lượng vẫn còn khá lớn, ước khoảng 300 bè, tập trung nhiều nhất tại 2 phường Cẩm An và Cửa Đại.
Ông Trần Kim Quý (khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại) chia sẻ, nuôi cá lồng bè đang là sinh kế của nhiều hộ dân, vốn sống bám vào nghề sông nước. Tuy nhiên, với những biến động về giá cả, thời tiết, đặc biệt thức ăn tăng cao, người dân hầu như không có lãi.
“Nếu thời điểm tết giá cá diêu hồng thịt 48 nghìn đồng/ký thì nay chỉ còn 44 nghìn đồng, nếu tính cả hao hụt do cá chết từ 10 - 15% thì lời lãi không còn bao nhiêu” - ông Quý bộc bạch.
Không chỉ bột cám cá tăng giá mà các loại thức ăn gia súc, gia cầm cũng biến động mạnh. Qua khảo sát thị trường, hầu hết thức ăn chăn nuôi đều tăng giá mạnh, trung bình từ 3 - 5 lần, có loại tăng 6 - 7 lần. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán đồng loạt giảm khiến người chăn nuôi gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Cường – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 3 giá thức ăn cho heo đã tăng 2 - 4 nghìn đồng/kg, trong khi giá heo hơi giảm 1 - 3 nghìn đồng/kg, còn 64 - 70 nghìn đồng/kg.
“Do công ty nhập trực tiếp nguyên liệu thô về chế biến nên cũng phần nào hạn chế tác động của giá, tuy vậy hoạt động kinh doanh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều” - ông Cường xác nhận.
Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng đang tổ chức nuôi tập trung 18 nghìn con heo thịt tại phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn), bình quân mỗi con heo sau 5 tháng nuôi, xuất chuồng tiêu thụ gần 300kg thức ăn.
Phụ thuộc thị trường thế giới
Báo cáo của Sở NN&PTNT cho biết, đến tháng 4.2021, tổng số gia súc trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 515 nghìn con, gia cầm đạt 8,5 triệu con, riêng tổng đàn heo ước đạt hơn 290 nghìn con, tăng khoảng 36% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán, giá thành sản xuất 1kg heo hơi từ 50 - 55 nghìn đồng, chi phí phát sinh từ thức ăn chăn nuôi cũng tăng khá cao.
UBND tỉnh đã có văn bản gửi Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng xem ra cũng rất khó khăn vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn thừa nhận, thức ăn công nghiệp chiếm chi phí khá lớn trong chăn nuôi nhưng người chăn nuôi không thể chủ động được, đa số phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung thị trường.
“Sau khi dịch tả lợn châu Phi đi qua, ngành chăn nuôi Điện Bàn mới tạm phục hồi nhưng lại đối diện với giá thức ăn tăng nên càng thêm khó, bây giờ chủ yếu lấy công làm lời” - ông Chơi chia sẻ. Điện Bàn hiện có khoảng 85 nghìn con heo, khoảng 22 nghìn con bò và 1 triệu gia cầm, phần lớn chăn nuôi gia trại.
Theo đại diện Sở Công Thương, nguyên nhân thức ăn chăn nuôi tăng giá do ngành chế biến thức ăn chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, khi giá nguyên liệu thị trường thế giới tăng đã ảnh hưởng lớn đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.
Báo cáo thường kỳ của Tổng Cục Thống kê tháng 4 cho biết, giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên từ giữa năm 2020. Đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như bắp, đậu tương chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; biến đổi khí hậu làm mất mùa...
Bên cạnh đó, một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng, trong khi đó, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80 - 85%).