Người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang lo lắng, bỏ hoang ao hồ vì giá tôm giảm mạnh và dịch bệnh hoành hành.
Giá tôm giảm mạnh
Ông Đặng Văn Tùng (thôn Phước An 2, xã Bình Hải, Thăng Bình) là một trong những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát kỳ cựu của xã Bình Hải trong nhiều năm qua. Với tổng diện tích ao lên đến 3.000m2, vụ vừa qua gia đình ông đầu tư nuôi tôm trên 15 ao nuôi. “Hiện tại chúng tôi có khoảng 10 ao tôm đến vụ thu hoạch nhưng đành để lại nuôi thêm một thời gian nữa mới xuất bán” - ông nói. Nguyên nhân khiến gia đình ông Tùng chưa xuất bán tôm nuôi là vì giá tôm thương phẩm đang… chạm đáy. “Trong năm 2014, tôm thương phẩm cỡ 100 con/kg bán được giá 160 nghìn đồng/kg thì nay chỉ còn xấp xỉ 70 nghìn đồng/kg. Trong khi đó giá thành đầu vào gồm thức ăn, thuốc, điện… đều đồng loạt tăng giá. Chừ bán chỉ hòa vốn, vậy thì mình làm không công trong vòng hơn 3 tháng qua” - ông Tùng cho biết thêm.
Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bỏ hoang trong thời gian qua. |
Tại xã Tam Tiến (Núi Thành), thời gian qua có nhiều ao nuôi tôm bị bỏ hoang. Nhiều nông dân cho biết nuôi không có lãi nên ngại đầu tư. “Tôm thương phẩm tăng đột biến từ cuối năm 2013 thì giảm mạnh từ cuối năm 2014 đến nay. Vụ vừa qua có nhiều hộ dân địa phương lỗ nặng do tôm bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Cỡ tôm thông thường là 100 con/kg chỉ còn giá 70 nghìn đồng/kg thì làm sao nuôi có lãi được. Lỡ tôm chết thì ôm nợ là chắc chắn” - ông Nguyễn Văn Quảng (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến), chủ hộ nuôi tôm trên diện tích 2.000m2 nói. Ông Nguyễn Giúp - Chủ tịch UBND xã Tam Tiến khẳng định: “Giá thành nuôi tôm theo hướng công nghiệp bao giờ cũng chiếm hơn 2/3 giá trị thu được. Chừ giá tôm thương phẩm giảm đến hơn 50% thì người nuôi rất khó có lãi. Nếu nông hộ nào không biết tiết kiệm các khoản phí thì chỉ hòa vốn nếu nuôi tôm đạt”.
Cân nhắc đầu tư
Ông Nguyễn Giúp cho rằng, giá tôm nguyên liệu giảm khiến người nuôi cân nhắc hơn khi đầu tư, hạn chế tình trạng vì chạy theo lợi nhuận mà phá vườn, phá rừng phòng hộ, ồ ạt mở rộng diện tích ao tôm. Thêm nữa, trước đây có tình trạng nhiều ngư dân vì ham lợi nhuận từ nuôi tôm thương phẩm nên đã bỏ nghề đi biển chuyển sang nuôi tôm, bây giờ nhận thấy nuôi tôm bấp bênh nên trở lại biển. “Nuôi tôm là ngành kinh tế quan trọng, dĩ nhiên xã khuyến khích nếu nuôi tôm không làm phá vỡ quy hoạch. Đối với nuôi tôm ở vùng triều, địa phương khuyến cáo các nông hộ chủ động nuôi xen canh, nuôi luân canh tôm thẻ chân trắng với các đối tượng khác như cá dìa, cua, nhuyễn thể. Việc này sẽ làm cho giá thành không quá cao, nuôi tôm sẽ có lãi nếu nuôi thành công. Vả lại đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản cũng sẽ tạo thu nhập ổn định hơn cho người nuôi” - ông Nguyễn Giúp nói. Ông Giúp cũng cho biết, đối với nuôi tôm trên cát theo quy hoạch, địa phương khuyến khích các nông dân thả nuôi với mật độ thưa, vừa giảm bớt chi phí đầu tư vừa hạn chế dịch bệnh.
Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là thời gian gần đây, sản lượng tôm nuôi ở một số nước như Ấn Ðộ, Thái Lan... đã phục hồi, nguồn cung cho thị trường tăng cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nguyên liệu còn đưa ra nhiều lý do o ép nông dân. Đặc biệt, một số nước nhập khẩu tôm của Việt Nam đã thêm vào các rào cản kỹ thuật cũng là trở ngại lớn. Điều này khác hoàn toàn với trước đây, người nuôi tôm có thể dễ dàng bán tôm cho thương lái Trung Quốc mặc dù có sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành thủy sản của tỉnh đang chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị liên quan để thu thập thêm thông tin về dao động giá tôm nguyên liệu trên thị trường. Khi có đầy đủ thông tin thị trường, ngành thủy sản sẽ tham mưu Sở NN&PTNT có văn bản khuyến cáo, giúp người nuôi ổn định sản xuất. “Trong các ngành nuôi thủy sản thì nuôi tôm thẻ chân trắng là quan trọng nhất ở Quảng Nam. Theo phân tích của chúng tôi, người nuôi tôm vẫn có lãi nếu nuôi tôm thành công dù giá tôm thương phẩm hạ thấp vào thời điểm này. Bởi vậy, điều quan trọng nhất vẫn là cách thức đầu tư, nông hộ nào biết cân nhắc, tiết kiệm chi phí, nuôi đúng quy trình, nuôi thành công thì vẫn có lãi sau đầu tư” - bà Tâm cho biết thêm.
NGUYỄN QUANG VIỆT