Năm 1992, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Quang Đức về quê lập nghiệp trên đất An Tân, xã Đại Hưng (Đại Lộc). Từ hai bàn tay trắng, anh Đức đã gầy dựng được gia trại đem lại nguồn thu nhập mỗi năm cả tỷ đồng.
Vợ chồng anh Đức có thu nhập cao từ mô hình đào ao thả cá. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Buổi đầu khởi nghiệp
Gia trại anh Trần Quang Đức có địa hình của một lòng chảo, môi trường mát mẻ do có nhiều cây xanh và có ao hồ rộng. Anh Đức kể, gia đình anh bám trụ với mảnh đất do cha mẹ để lại đã ngót nghét hơn 20 năm. Ngày trước, đất này hoang vắng, gia đình anh chỉ có thể dựng được mái nhà nhỏ tạm bợ để làm nương rẫy, chủ yếu trồng chè, sắn, các loại cây ăn quả... Mỗi khi có gió bão, vườn cây ăn quả đến kỳ thu hoạch bị ngã đổ, tiêu tan bao sức lực dày công vun bón. Được vay 8 triệu đồng của Ngân hàng CSXH qua kênh Hội Cựu chiến binh xã, anh mua hai con bò giống sinh sản, trồng cỏ nuôi bò. Từ nguồn vốn có được khi bán đàn bò, anh tiếp tục đầu tư nuôi gà thả vườn, gà đẻ trứng lấy ngắn nuôi dài. Cách đây 5 - 7 năm, anh đào 2 cái ao, một ao rộng chừng 1.200m2, một ao rộng 750m2, dẫn nước suối trong lành từ đầu nguồn về ao, thả nuôi các loại cá trắm cỏ, mè, chép, rô phi, trê… Bên cạnh thức ăn công nghiệp, anh tranh thủ nguồn cỏ cắt tại các cánh đồng và còn tận dụng các phụ phẩm của ngành nông nghiệp như lúa, cám gạo, thức ăn dư thừa của gà để nuôi cá. Những lứa nuôi cá khi xuất bán được giá, anh Đức trúng đậm, có vốn tiếp tục tái đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.
“Tôi còn nhớ, sau thất bại cả vườn xoài đang phát triển tốt bỗng ngã đổ sau trận bão lớn chưa khắc phục xong thì một trận lụt lớn đổ về làm trôi luôn ao cá tôi chuẩn bị xuất bán, mất trắng. Tôi như ngã quỵ, nhưng nghĩ tới hoàn cảnh còn quá khó, ba đứa con còn quá nhỏ, tôi tự dặn lòng phải đứng lên làm lại. Vẫn chưa hết, năm 2013, không hiểu dịch bệnh gì mà đàn gà nuôi trứng 1.000 con trong chuồng bỗng chết lăn quay, thú y tìm mãi không ra bệnh. Cú thua lỗ này tôi phải nghỉ chăn nuôi nửa năm để xử lý môi trường, rồi gầy lại từ đầu. Mãi đến năm 2014 tôi mới có thể làm được căn nhà khang trang tránh lũ” - anh Đức trải lòng.
Làm giàu trên mảnh đất quê
Năm 2017, doanh thu từ gia trại của vợ chồng anh Đức chừng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, vợ chồng anh lãi ròng hơn 200 triệu đồng. Từ hộ nghèo của xã, vợ chồng anh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ đôi bàn tay và sự cần mẫn. Cơ ngơi mà anh có được là căn nhà vững chãi xây dựng năm 2014 cùng 2 ao cá rộng hơn 20.000m2, thả nuôi 6.000 cá giống/lứa; trại gà nuôi trứng thương phẩm 2.000 con với 3 khu nuôi, rẫy keo lá tràm hơn 1ha. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng anh xuất bán 8 tạ cá thương phẩm, chủ yếu trắm cỏ, điêu hồng với giá 70 - 80 nghìn đồng/kg, thu lãi khá. Từ sau tết đến nay, giá trứng thương phẩm bắt đầu tăng dần giúp vợ chồng anh ổn định nguồn thu, mỗi ngày 1 - 2 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ làm kinh tế bền bỉ, hiệu quả, anh Đức hiện là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn An Tân. Với kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm tích lũy được, anh chia sẻ với những người có quyết tâm theo đuổi nghề chăn nuôi để họ có điều kiện ổn định cuộc sống như mình. Hiện anh giúp đỡ anh Phạm Đình Thịnh gầy dựng mô hình chăn nuôi gia trại, đào ao thả cá, nuôi gà, vịt thương phẩm. Nhận xét về gương nỗ lực thoát nghèo của anh Đức, ông Đỗ Văn Chung - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Hưng ghi nhận: “Mô hình gia trại của anh Trần Quang Đức là mô hình điển hình của xã. Trên địa bàn xã còn nhiều mô hình khác nhưng doanh thu không cao bằng gia trại của anh Đức. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đức còn là chi hội trưởng năng nổ, nhiệt huyết với phong trào”.
TRIÊU NHAN