Giá trị đồng tiền

HẠNH NGUYÊN TRANG 05/06/2018 09:30

Tiền bạc là một vấn đề vô cùng nhạy cảm khi nhắc đến dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng tiền là thước đo để đánh giá sự thành công một người hay đơn thuần nó chỉ là một tờ giấy có mệnh giá giúp chúng ta trang trải cuộc sống thường nhật?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tôi nhớ cách đây vài năm có một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội về chủ đề “Đàn ông thời nay 28 tuổi mà chưa có 500 triệu thì quá kém!” gây tranh cãi xôn xao suốt một thời gian dài. Quan điểm này không đúng, nhưng cũng chẳng sai! Thông thường, người đàn ông ở độ tuổi này vẫn chưa vướng bận quá nhiều chuyện này nọ nên sẽ có nhiều thời gian hơn để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và tài chính. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đấy bởi xuất phát điểm của mỗi người trong xã hội không giống nhau. Đồng tiền, theo nghĩa đen, nó phản ánh phần nào năng lực và kỹ năng của con người vì suy cho cùng một người tài giỏi, học thức cao, đạo đức tốt, luôn có chí tiến thủ trong cuộc sống lẫn công việc thì “tài khoản” tiết kiệm cao chót vót âu cũng là điều dễ hiểu. Và đến thời điểm nào đó trong đời, tự bản thân chúng ta sẽ tự đặt ra cho chính mình câu hỏi: “Trong những năm qua, chúng ta đã làm ra và kiếm được bao nhiêu tiền?”.

Trải qua bốn năm đại học, thêm một năm chật vật với hồ sơ xin việc rải khắp các cơ quan công sở ở TP.Đà Nẵng tưởng dễ mà khó vô cùng trong việc tìm kiếm một nơi gắn bó lâu dài. Thuở ấy, tiền có được gần như đều là do ba mẹ chu cấp, nào tiền ăn ở, sinh hoạt cho đến mua sắm cá nhân. Tôi vẫn nhớ mớ rau muống ngày xưa có giá vài ngàn đồng, một tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay dăm bữa đầy đủ thịt, cá, rau xanh; hay thi thoảng mới dám shopping một lần. Sống xa gia đình là bước đánh dấu cho quá trình tự lập về việc sử dụng đồng tiền, cũng là cơ hội để chúng ta kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình. Dù công việc là chạy bàn ở quán café, hay dạy thêm, bán hàng thì hẳn ai trong chúng ta rồi cũng sẽ trải qua cảm giác xúc động khi lần đầu tiên được cầm tiền lương trên tay. Hiểu được giá trị đồng tiền, chúng ta tự nhiên sẽ có trách nhiệm hơn với khoản tiền mà gia đình chu cấp và suy tính kỹ càng hơn trước khi chi tiêu. Đấy, đồng tiền có thể quan trọng, to hay nhỏ theo từng thời điểm nhưng tất nhiên sẽ có những thứ mà tiền chẳng bao giờ xứng đáng để so sánh: thời gian, gia đình, kỷ niệm… rất nhiều là đằng khác!

Có một người bạn đã từng nói với tôi rằng: “Tài sản, vô hình hay hữu hình thì cũng chỉ nên quản lý nó chứ đừng sở hữu”. Tại sao lại thế? Là vì còn sở hữu tức là còn gánh nặng, kể cả khi chết đi vẫn phải canh cánh trong lòng nỗi lo về một thứ mà chẳng mang theo được. Và rõ ràng, đừng coi đồng tiền là nguyên nhân khiến người ta giàu có, nó đáng ra nên được xem là kết quả của sự lao động chính đáng. Liệu tôi có mâu thuẫn quá không khi phải thừa nhận đồng tiền vừa vạn năng vừa vô giá trị? Giá trị thực sự của tiền bạc chỉ xuất hiện khi chúng ta dùng nó như một thứ đòn bẩy để đạt được thành công khi chúng ta dùng nó để mua trải nghiệm, bài học cuộc sống và dùng nó để xây dựng một công việc đầy tính sáng tạo, lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng. Như câu chuyện về cốc cà phê chúng ta hay uống hàng ngày, người ta bảo cà phê là cuộc sống còn chiếc cốc đựng cà phê là công việc, tiền bạc, địa vị xã hội... Chất lượng cuộc sống chúng ta không thay đổi nhiều bởi những thứ khác, nó chẳng qua chỉ là chất xúc tác, là thứ biến cuộc sống trở nên thi vị hơn dù không thể phủ nhận một chiếc cốc vừa vặn, có khả năng giữ ấm, xinh đẹp sẽ góp phần khiến chúng ta cảm thấy ly cà phê ngon hơn.

Tiền - đơn giản chỉ là tiền, giá trị của nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và cách sử dụng của mỗi chúng ta. Nếu sống vì tiền, con người rất dễ bị chi phối và “sa” vào những cám dỗ do bị “mờ mắt” và thiếu sự tỉnh táo cần thiết...

HẠNH NGUYÊN TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giá trị đồng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO