Hội thảo “Vai trò lịch sử của làng Hương Quế, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam trong công cuộc mở cõi” vừa tổ chức vào cuối tuần qua, quy tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử trong cả nước.
Quang cảnh hội thảo về làng Hương Quế. Ảnh: LÊ QUÂN |
Với các cứ liệu lịch sử, làng Hương Quế (Quế Sơn) được các nhà nghiên cứu sử học cho rằng, đây là ngôi làng cùng với các địa danh khác của xứ Quảng như Cần Húc, Thanh Chiêm... có một vị trí và vai trò quan trọng trong quá trình mở mang cương vực của quốc gia về phía Nam. Trước khi có sự ra dời của làng Hương Quế, các bậc tiền nhân của làng đã đóng góp đáng kể vào quá trình Nam tiến của người Việt...
Chứng tích di dân mở cõi
ThS. Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng ít có ngôi làng nào độc đáo như làng Hương Quế xưa. “Đầu tiên, làng Hương Quế xưa gắn với tên tuổi người con trai của danh tướng Phạm Ngũ Lão đời nhà Trần - Phạm Nhữ Dực và với tên tuổi người cháu ba đời của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Tăng” - Ths. Bùi Văn Tiếng nói. Phạm Nhữ Dực được tôn vinh là bậc tiền hiền khai sơn phá thạch, trong khi Phạm Nhữ Tăng được biết đến là người có công bình Chiêm mở cõi, đưa biên giới Đại Việt tiến dần vào phương Nam - thời Phạm Nhữ Dực đến Sa Huỳnh Quảng Ngãi còn Phạm Nhữ Tăng đưa ranh giới đến giữa Bình Định và Phú Yên. Ở Hương Quế, cùng với tộc Phạm, các ông tộc Nguyễn, tộc Trần đã khai phá tiếp làng này. Hiện nay, tại làng có đình thờ tam tộc, là nơi thờ thủy tổ của ba dòng họ tiền hiền, những người có công khai hoang và sáng lập làng Hương Quế.
Sắc phong của triều đình Hậu Lê ban cho tộc Phạm vẫn còn lưu giữ tại làng Hương Quế. |
Trên 600 năm ra đời, từ mốc năm 1402 đời Hồ Quý Ly đã có những đợt di dân rầm rộ và đông đảo. Đến khi vua Lê Thánh Tông nam chinh đánh Chiêm Thành (năm 1471) và sau đó là Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), người Việt bắt đầu đến sinh sống, lập làng, lập nghiệp trên đất này. Với vị trí đặc biệt, trải dài hơn 5km với các dòng sông bao bọc, mặt ruộng bằng phẳng, đất ruộng màu mỡ, dân gian vẫn còn truyền tải câu ca: “Bao giờ núi Quế hết cây/ Bàu Sanh hết nước nơi này hết quan” để nói về địa thế của vùng đất này. Chưa kể, tại làng Hương Quế còn dấu tích Chămpa có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. PGS-TS. Ngô Văn Doanh cho rằng, ngoài tượng Nữ thần Hương Quế được công nhận là Bảo vật quốc gia, tại làng Hương Quế, ông cùng cố GS. Trần Quốc Vượng còn phát hiện pho tượng bò bằng đá và tấm bia ký còn nguyên vẹn. “Cùng với tượng Nữ thần Hương Quế, hai hiện vật bằng đá này đều là những tác phẩm điêu khắc thuộc phong cách Trà Kiệu thế kỷ X. Những hiện vật trên chứng tỏ, tại Hương Quế, từ thế kỷ X, đã từng tồn tại một ngôi đền thờ Chămpa. Không chỉ các hiện vật điêu khắc, tại khu di tích Hương Quế, hiện vẫn còn giữ một tấm bia đá cổ Chămpa khá lớn bên cạnh chiếc giếng cổ. Việc phát hiện bia ký ngay trong di tích là một hiện tượng vô cùng hiếm gặp đối với các di tích kiến trúc cổ Chămpa” - PGS-TS. Ngô Văn Doanh nói.
Bảo tồn giá trị di sản
Tại hội thảo, nhiều người nhìn nhận làng Hương Quế là nơi phát tiết khí chất “hay cãi” của người Quảng Nam với câu chuyện từ nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân kể lại về chuyện ông Nguyễn Văn Lang - em rể Phạm Nhữ Tăng, đã dám cãi lại vua Lê Tương Dực. Cụ Nguyễn Văn Xuân đã đi đến kết luận rằng “với những vị có thành tích cãi vua cỡ đó thì trong bản chất người Quảng có lẽ đã có máu cãi”. Năm 1908, trong cao trào của cuộc Trung kỳ dân biến khởi sự từ xứ Quảng, Nguyễn Duân đại diện cho dân làng Hương Quế sôi nổi tranh luận với Tổng đốc Quảng Nam Hồ Đắc Trung tại tỉnh thành La Qua, kết quả là quan Tổng đốc... cãi không lại. Tại làng Hương Quế vẫn còn giữ 3 sắc phong triều Hậu Lê ban cho các binh tướng tộc Phạm, thể hiện sự ân điển của triều Hậu Lê với những đóng góp của hai cha con ông cho sự nghiệp đất nước và triều đại.
TS. Lê Tùng Lâm - Trường Đại học Sài Gòn cho rằng, làng Hương Quế hiện vẫn còn lưu giữ lại nhiều di sản văn hóa có giá trị cho con cháu hôm nay và mai sau. Đơn cử như các công trình xây dựng gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước, mở rộng bờ cõi của cha ông như di tích nhà thờ tộc Phạm và đình thờ Tam tộc... Còn theo PGS-TS. Nguyễn Duy Bính (Đại học Sư phạm Hà Nội), việc nghiên cứu làng xã Hương Quế sẽ đưa ra những góc nhìn đúng đắn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa di sản, di tích, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau...
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hội thảo với các tham luận dựa trên nguồn tài liệu lịch sử cũng như điền dã, cùng nhiều góc nhìn mới để nhận định, đánh giá về lịch sử làng Hương Quế cách đây 600 năm. “Hội thảo đồng thời mang đến luận cứ khoa học mới, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề lịch sử liên quan đến làng Hương Quế, đảm bảo tính khách quan và chân thực. Thông qua hội thảo, các đề xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích cũng như giáo dục truyền thống của làng Hương Quế cho thế hệ hôm nay và mai sau sẽ được cân nhắc và đưa vào thực tế nhằm góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương”.
LÊ QUÂN