Giá xăng dầu hôm nay 13/5 tiếp tục leo dốc, được hỗ trợ bởi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng toàn cầu
Chốt phiên giao dịch đầu tuần (ngày 12/5), giá dầu thế giới đồng loạt tăng khoảng 1 USD, lên mức cao nhất trong hai tuần. Cụ thể, dầu Brent tăng 1,05 USD/thùng (1,6%) lên 64,96 USD/thùng; dầu WTI tăng 93 cent (1,5%) lên 61,95 USD/thùng. Cả hai đều đạt đỉnh kể từ ngày 28/4.
Theo Reuters, việc Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đã giúp thúc đẩy giá dầu, đồng USD và thị trường chứng khoán Phố Wall. Thị trường kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài, vốn từng đe dọa tăng trưởng toàn cầu và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Các chuyên gia từ ngân hàng ING nhận định đây là động thái tích cực hơn mong đợi, dù quá trình đàm phán giữa hai quốc gia vẫn còn nhiều trở ngại phía trước.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Adriana Kugler, cho rằng thỏa thuận thương mại có thể khiến Fed chưa cần thiết phải cắt giảm lãi suất, điều này phần nào làm chững lại đà tăng của giá dầu trong đầu phiên vì lãi suất thấp thường thúc đẩy tiêu dùng năng lượng.
Trước đó, giá dầu đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm do lo ngại chiến tranh thương mại sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu sử dụng dầu. Cùng lúc đó, việc OPEC tăng sản lượng vượt dự kiến cũng gây thêm áp lực giảm giá.
Tuy nhiên, kỳ vọng về nhu cầu ổn định trong năm nay đã được củng cố khi Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu lớn nhất OPEC – dự báo nhu cầu có thể tăng trở lại nếu Mỹ và Trung Quốc chấm dứt mâu thuẫn. Thêm vào đó, Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai OPEC, dự kiến sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu xuống còn khoảng 3,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và 6 – mức thấp hơn nhiều so với các tháng trước.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin Công ty Equinor (Na Uy) tạm ngừng hoạt động khai thác tại mỏ Johan Castberg ở vùng Bắc Cực để sửa chữa, làm giảm nguồn cung trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, một số yếu tố khác đang hạn chế đà tăng. Trong đó, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân có thể dẫn đến việc nới lỏng lệnh trừng phạt, cho phép Iran – nhà sản xuất dầu lớn thứ ba OPEC – tăng xuất khẩu trở lại. Cùng lúc, nếu Mỹ thành công trong việc thúc đẩy hòa đàm Nga – Ukraine, các lệnh trừng phạt với Moscow có thể được giảm bớt, khiến nguồn cung dầu toàn cầu tăng lên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5, với sự trung gian từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – người có khả năng tham dự trực tiếp. Năm ngoái, Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, vì vậy mọi bước tiến ngoại giao giữa Nga và Ukraine đều có thể tác động mạnh tới giá dầu toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo Pakistan rằng New Delhi sẽ tiếp tục nhắm vào các "căn cứ khủng bố" bên kia biên giới nếu có thêm các vụ tấn công nhằm vào Ấn Độ. Với tư cách là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, mọi căng thẳng địa chính trị tại Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường năng lượng quốc tế.