(QNO) – Đang vào vụ đánh bắt hải sản chính trong năm, nhưng do giá xăng dầu liên tục tăng cao, trong khi hải sản bán ra với giá thấp nên nhiều chủ tàu cá ngần ngại đánh bắt xa bờ.
Gặp chúng tôi tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) sau chuyến vươn khơi 15 ngày, ông Nguyễn Tỏ - chủ tàu QNa-95645 (xã Bình Minh, Thăng Bình) liên tục than ngắn thở dài, vì giá xăng dầu tăng quá cao. Ông Tỏ chia sẻ, chuyến này thu được 350 triệu đồng từ nghề mành chụp mực. Nhưng tổng chi phí lên 250 triệu đồng. Chưa kể, sau chuyến đi, ông phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để sửa chữa tàu, mua sắm ngư cụ...
“Mọi năm, chúng tôi tập trung đánh bắt chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa. Tuy nhiên, giá dầu tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái, chúng tôi không dám vươn xa, chỉ đánh bắt khu vực cách bờ hơn 30 hải lý để tiết kiệm chi phí” – ông Tỏ nói.
Cũng vừa cập bờ sau một tháng vươn khơi đánh bắt thuận lợi, ông Lê Hiếu - chủ tàu QNa-09767 (xã Tam Quang, Núi Thành) thu được 580 triệu đồng từ nghề mành chụp mục, nhưng chi phí dầu cho chuyến đi tốn 300 triệu đồng.
“Giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo các chi phí khác đội lên, ngược lại thu nhập của ngư dân tụt giảm tệ. Chuyến này chúng tôi may mắn trúng mực, nếu không chỉ hòa vốn trở xuống – ông Hiếu bộc bạch.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách ngư nghiệp xã Tam Quang (Núi Thành) cho biết, trong các nghề vươn khơi thì lưới vay và mành chụp mực sẽ hao tổn chi phí dầu nhiều nhất. Tính riêng tàu lưới vay, trước đây chi phí cho một chuyến biển 100 triệu đồng, nhưng nay phải hơn 150 triệu đồng.
"Nếu đánh bắt với khoảng 10 tấn hải sản/chuyến thì chỉ mới hòa vốn. Đáng nói, hiện nay ngư trường thu hẹp, sản lượng thấp, giá hải sản tụt giảm, trong khi giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân gặp khó” – ông Dũng nói.
Nhiều ngư dân ở xã Duy Nghĩa cho biết, do chi phí biển tăng cao nên không ít tàu cá ở âu thuyền Hồng Triều phải nằm bờ dài ngày, vì đánh bắt không hiệu quả. Ngư dân Tỏ cho biết thêm: "Chuyến đi 15 ngày, tốn công sức và nhiều chi phí nhưng thu nhập không mấy khả quan, cũng đắn đo lắm. Nhưng không đi thì tàu phơi nắng sẽ nứt nẻ, ngư cụ hư hỏng”.
Chi phí chuyến biển tăng cao ngoài chủ tàu cá, thì người lao động là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ngư dân Nguyễn Dục – xã Tam Quang chia sẻ: “Lâu nay mỗi chuyến biển trong 1 tháng, chúng tôi chia nhau từ 10 – 15 triệu đồng, nhưng nay nguồn thu chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng. Lúc trời yên biển lặng kiếm như vậy, chứ có khi cũng tay trắng”
[Video] - Các thuyền viên trên tàu cá QNa 92904 chuẩn bị vươn khơi:
Với nhiều ngư dân, mỗi chuyến vươn khơi là cuộc đánh cược với sóng gió và biển cả, thành công hay thất bại của chuyến biển phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, nhưng thời điểm này họ đang đối mặt với khó khăn khi giá xăng dầu liên tục "leo thang". Vì vậy, ngư dân mong muốn nhà nước sớm nghiên cứu điều chỉnh giá xăng dầu hoặc có chính sách hỗ trợ vươn khơi, bám biển.