Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, bỗng một ngày nhận ra mình phải đảm đương một thiên chức mới: làm cha, làm mẹ. Và giờ, khi hướng ánh mắt ra đường nhìn tà áo trắng của các bạn cùng trang lứa đang tung tăng đến trường, đôi mắt lại mọng nước với lời ru chưa tròn giai điệu.
Làm mẹ khi tuổi đời còn rất nhỏ là một tình trạng phổ biến ở miền núi. Trong ảnh: Mẹ con H.T.Đ. ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Câu chuyện về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở miền núi vẫn là một vấn đề nóng trong những năm vừa qua. Dù đã có nhiều đề án, phương án để giảm thiểu vấn đề này, nhưng hầu như, hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Và ở đó, những câu chuyện bi hài vẫn tiếp diễn khi các đôi trẻ sớm tìm đến… lá diêu bông.
Bà nội tuổi 30
Thôn Pà Vả nằm cách trục đường Hồ Chí Minh (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) chừng 2km. Mang danh là khu vực thị trấn, nhưng người dân ở đây chẳng khác ở vùng núi cao là mấy. Trong ngôi nhà nhỏ chừng 50m2 nằm lưng chừng ngọn đồi, 2 người phụ nữ đang cặm cụi làm việc nhà, mà theo chị Bhnước Thị Phun - cán bộ dân số thị trấn Thạnh Mỹ thì đấy là một trong những trường hợp tảo hôn của huyện. Thấy người lạ, đứa nhỏ chừng hơn 1 tuổi nép vào người mẹ, đôi mắt trong veo. Bà Koor Ánh là bà nội của đứa trẻ sau khi được nghe giới thiệu là đoàn dân số ở dưới tỉnh lên tìm hiểu về cuộc sống của những cặp vợ chồng tảo hôn thì ngồi phệt xuống nền nhà, chỉ tay về phía người con dâu rồi thở dài: “Đấy, năm trước mới sinh một đứa, giờ thì cái bụng lại lùm lùm lên nữa rồi. Chẳng biết làm sao hết. Ông bà nói đông con thì đông của, nhưng giờ đông con chỉ thấy mệt lắm thôi”.
Con trai bà là Arất Mẫn, đi học ở trường THPT Nam Giang thì quen biết với Alăng Thị Trinh, rồi một ngày đẹp trời dắt díu nhau về thông báo với gia đình là đã có thai, khi đó, cả hai mới học hết lớp 11. Sự đã rồi, bà Ánh cùng chồng khăn gói qua thôn Pà Căng, xã Cà Dy để xin được cưới hỏi cho đôi trẻ. “Đến giờ vẫn còn đang nợ tiền cưới chừng 7 - 8 triệu gì đấy. Cưới ở cả hai nơi, riêng nhà trai thì đãi 9 con heo, 150 con gà, hơn 1.500 quả trứng, 40 ché rượu và 60 dây mã não để tặng cho bà con hai họ. Tốn kém lắm, nhưng cũng phải làm cho đúng tục lệ” - bà Ánh nói. Đám cưới kéo dài gần 3 ngày, có hơn 400 người tham dự, uống hết 300 lít rượu. Đổ nợ.
Cuộc sống màu hồng của đôi vợ chồng trẻ cũng nhanh kết thúc khi đứa trẻ ra đời. Cơm áo, gạo tiền vây bấn lấy ngôi nhà ấy. Tiếng khóc của đứa trẻ mỗi khi thiếu sữa ngày một dày đặc hơn. Bà Ánh thở dài: “Thằng Mẫn có chịu làm gì đâu, suốt ngày cứ cắm đầu vào cái điện thoại, bấm miết rồi lại đi chơi. Lâu lâu đi làm ở đâu đó được chừng 200 ngàn đồng rồi cũng giữ lấy tiêu pha. Con khóc, con đói gì cũng không lo hết. Vì thương cháu thiếu sữa, lâu lâu mình vẫn ra quầy tạp hóa mua nợ cho nó mấy hộp. Giờ nợ hơn 3 triệu đồng tiền sữa rồi, họ không bán cho nữa, đành nhịn. Rồi còn cái đứa trong bụng chuẩn bị sinh nữa, không biết làm sao đây. Hồi xưa nuôi con thấy dễ, giờ khó quá”. Cái hồi xưa của bà Ánh chính là lúc bà có chồng, sinh con ở tuổi...14. Khi chính thức lên làm bà nội, bà Ánh chỉ mới 30 tuổi có lẻ.
Những tiếng khóc xé lòng
Sớm kết hôn khi đang tuổi ăn tuổi chơi nên hoàn cảnh của những đôi vợ chồng trẻ này là điều ai cũng có thể dự đoán được. Năm học lớp 8, Hồ Thị Hay (thôn 4a xã Phước Thành, huyện Phước Sơn) dừng việc học để lấy chồng khi đã trót nếm trái cấm. Mười bốn tuổi, đến chăm sóc cho bản thân còn chưa tròn, giờ lại phải chăm sóc cho một đứa trẻ là nhiệm vụ dường như quá sức của Hay. Chính vì vậy, đứa con gái của Hay sau khi sinh được 3 tháng thì mất. Từ đó, Hay thu mình lại vào một góc riêng của mình. Ngày ngày lầm lũi lên rẫy rồi về. Khi hỏi nếu được chọn lựa lại lần nữa thì có lấy chồng sớm không, Hay chỉ cúi gằm mặt không nói, cố giấu giọt nước mắt đang chực trào ra nơi khóe mắt, đôi tay vân vê như muốn xé nát tà áo nhuốm đầy mủ cây rừng.
Những trường hợp như Hay ở Phước Thành không phải là hiếm. Trong năm 2017, có đến 21 trường hợp kết hôn khi chưa đủ tuổi xảy ra ở đây. Đôi khi, chẳng cần phải đăng ký kết hôn hay tổ chức tiệc cưới. Chỉ cần con gà, ché rượu để hai gia đình ngồi lại với nhau là đôi trẻ có thể dọn về ở với nhau. Rồi cứ thế lần lượt sinh con đẻ cái, lay lắt như ngọn lau bên bờ suối. Khỏe thì sống, yếu mất. Đó là quy luật sinh tồn tất yếu như vốn dĩ lâu nay vẫn vậy.
Và, những tiếng khóc xé lòng vẫn cứ thế tiếp tục. Đứa con mới hơn 10 tháng của Hồ Thị Sáng (khối 6, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn) nhưng chỉ nặng chừng 3kg. Hơi thở nặng nề, tưởng chừng như có vật gì đang ở trong cổ, ngăn không cho bé thở. Sáng kể, đã 2 lần đưa con ra khám tại Đà Nẵng, nhưng bác sĩ bảo “chỉ bị thiếu oxy lên não thôi”. Sáng ngô nghê không biết rằng, đó là một chứng bệnh rất nặng, mà nếu không cứu chữa kịp thời đứa trẻ sẽ khó tồn tại. Chị Nguyệt, cán bộ dân số thị trấn Khâm Đức cho biết, Sáng kết hôn rồi sinh con khi mới 16 tuổi. Do điều kiện khó khăn, thiếu dinh dưỡng nên Sáng sinh con thiếu tháng, lại không có sữa cho bé bú nên bé bị suy dinh dưỡng nặng. Rồi bị thêm chứng bệnh này nên đã hơn 10 tháng, đứa bé vẫn nằm một chỗ, không trở, không lật, lâu lâu lại khò khè thở. “Chồng của Sáng đã đi nghĩa vụ quân sự năm vừa rồi, dùng những đồng lương của người lính để gửi về nhà mua sữa cho con. Giờ chỉ có 2 mẹ con ở nhà, trông vào ba mẹ chồng phụ giúp” - chị Nguyệt thông tin.
Bên cạnh việc yêu đương sớm rồi dẫn đến tảo hôn của các đôi trẻ, thì vẫn còn đó những trường hợp do chính các bậc phụ huynh trực tiếp ép hôn. Như trường hợp của em Hồ Thị Diễm phải lấy Hồ Văn Số chỉ vì... nói chuyện với nhau trong “ngày cữ” của làng. Diễm và Số là bạn học với nhau, trong một lần về làng của Số chơi thì đúng ngày “vụ lúa đứng” của làng. Theo thói quen, Diễm vẫn nói chuyện với Số như thường ngày thì dân làng ở đó bắt vạ, cho rằng chỉ có “thích nhau” thì mới nói chuyện với nhau trong những ngày cữ. Vậy là nhà trai kéo xuống nhà gái thưa chuyện, uống đôi ly rượu rồi đôi trẻ thành vợ chồng. Khi đó, Diễm mới 16 tuổi, và giờ đang mang thai đứa con đầu lòng.
Tảo hôn chưa dừng lại
Theo thống kê sơ bộ, ở Phước Sơn trong những năm trở lại đây tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã có giảm nhưng không bền vững và không có dấu hiệu của sự dừng lại. Năm 2016 có 63 trường hợp, năm 2017 có 51 trường hợp và đầu năm 2018 có 16 trường hợp tảo hôn ở trên địa bàn, thuộc dạng cao nhất nhì cả tỉnh. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khi nói về vấn đề này cũng lắc đầu ngao ngán. Phương án, biện pháp duy nhất hiện tại là tuyên truyền, tuyên truyền và tuyên truyền. “Chẳng có phương án gì hiệu quả và thực tế bằng cách tuyên truyền cả. Nhưng tuyên truyền như thế nào mới là vấn đề. Tất nhiên là mình ghi nhận những đóng góp của các tổ chức xã hội, nhưng cái căn cơ, cốt lõi nhất là phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức của đồng bào. Một nghịch lý lớn nhất là khi càng tiếp xúc với công nghệ cao, thì tỷ lệ tảo hôn lại càng nhiều. Cứ xem phim ảnh rồi làm theo, đến khi sự đã rồi thì phải cưới. Huyện đã có đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ cách đây 2 năm. Thông qua con số các năm thì đã thấy giảm dần, nhưng đó chưa phải là bền vững. Còn phải làm nhiều điều hơn nữa” - ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, cứ mỗi đôi tảo hôn thì lại phát sinh ra một hộ nghèo. Rồi Nhà nước lại phải hỗ trợ cho những hộ nghèo đó. “Thử hỏi hai đứa trẻ mới 15 - 16 tuổi thì làm gì để ăn chứ đừng nói là tách hộ, làm giàu. Lại bám víu vào cha mẹ. Một ngôi nhà chừng 30m2 mà có tới 11 người ở thì làm sao có thể thoát nghèo?” - ông Hà trăn trở. Phương án sắp tới của huyện Phước Sơn chính là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà tập trung vào những đối tượng thanh niên, vị thành niên có nguy cơ cao. Đặc biệt phải tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
…Chiều ở vùng cao, bếp lửa lốm đốm đỏ. Những đứa trẻ với đôi mắt sáng vẫn hồn nhiên chơi đùa quanh sân. Đằng sau đó là những đôi mắt hút sâu vào một khoảng rộng mênh mông. Ở đó, có những ước mơ đã sớm lụi tàn.
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG